That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 498 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
«Coi kìa, ba! Con Gióp (1) của ba đã ra đường.»
Trong chớp mắt tôi vén tấm màn cửa kính ở lan can. Con đường có tên gọi Flatschacher Strasse. Theo cái mặt phẳng đầm lầy mà các di dân Slovénie đã đặt cho cái tên «Na Blačah», bên đầm lầy.
Lịch sử còn bảo tồn cho chúng ta những bằng cớ, ngay cạnh Klagenfurt nữa.
Gióp là tên một con ngựa, một con ngựa hồng dong dỏng, chẳng mấy quan tâm tới lịch sử. Tôi biết nó từ khi chúng tôi dọn tới ở cái cao ốc có ba tầng. Chủ nhân của nó được gọi thân mật là Krušej. Ở thế giới này, một tiểu nông chưa bao giờ có một cái tên đẹp như thế. Cái gì vang dội nơi anh khi ta trồi lên trên những khoảnh đất rậm rạp những cỏ, trên những đồng cỏ xanh: tiếng kêu dòn dã của một con chim cút khi mặt trời mọc, sự nẩy mầm xanh tươi rụt rè của lúa mì vào mùa thu giữa những mẩu đất cứng, những cây cúc tím đỏm đáng mọc thành gié ánh vàng, thứ hoa khiến ngất ngây của lúa mạch đen, tiếng đập không biết mỏi của những đòn đập lúa trong lúc những cánh đồng nghỉ yên dưới lớp chăn trắng...
Lúa mạch đen nhào bột thơm thơm, sữa nóng thơm thơm...
Krušej...
Và nơi anh còn vang vang nỗi lo sợ hỏi han của đôi mắt người cha, tự hỏi lấy đâu ra tiền đóng thuế... lấy đâu ra để mua sắm giầy dép... lấy đâu ra để mua thuốc hút – và nơi anh còn vang vang sự khước từ cam chịu và sự lướt thắng của bà mẹ, và nơi mi còn lộ ra hai lòng bàn tay anh sưng phù vì lao lực, những ngón tay chỉ còn là những đường nứt nẻ.
Krušej...
Chỉ cách cao ốc của chúng tôi một thôi đường ngắn là bếp lửa nhà anh và chuồng ngựa của Gióp. Kế bên con đường Flatschacher Strasse. Ngày nọ, từ bên lề đường tôi đã nghe anh thắng ngựa vào xe ở phía sau hàng giậu cao bằng cách nói tiếng Slovénie:
«Job, se hediči, stoj že tih, tače bajže...»
Thế rồi lại đôi chút bằng tiếng Đức: «Teifel eine.»
Anh chỉ có một thân một mình và hai con bò cái. Không một đứa con, vợ anh đã nằm ở nghĩa địa St. Ruprecht.
Tôi hỏi anh ta: «Tại sao anh lại gọi nó là Gióp?»
«A! thế ra nhà ông cũng biết tiếng Slovénie... Thế đó. Khi còn là một con ngựa con, nó ghẻ lở cùng khắp và khó khăn lắm mới thoát được. Bởi thế mà tôi bảo: đặt tên cho nó là Gióp.»
Lúc này tôi đứng đằng sau tấm kính cửa ở lan can và tôi quan sát họ. Krušej muốn đẩy Gióp, đã thắng vào chiếc xe bốn bánh với những lá chắn, lên mặt đường tráng nhựa rộng lớn ở phía bên kia con đường. Ở phía ấy, kế bên con sông Sotnica, có một đồng cỏ hẹp và một đồng lúa. Tôi biết rõ ở đâu, là vì tôi đã nhiều lần cắt cỏ khô bằng lưỡi hái cho anh... Trong lúc đi qua, đi hóng mát dưới chân núi.
Mặt trời đã lên rất cao, nhưng dòng xe hơi vẫn không để cho Krušej và Gióp băng qua con đường; mỗi lần họ toan tính là mỗi lần lại thất bại. Như một con chồn hôi, Krušej xoay trở cái đầu nhọn hoắt với hai vành tai trồi ra dưới một cái nón tam giác khi thì qua bên trái, khi thì qua bên phải và anh áng chừng khoảng cách tới chỗ những chiếc xe hòm và xe tải đang tiến lại gần.
Giờ, giờ thì chắc được.
Thôi nào! Quá muộn rồi. Giựt mạnh, anh vất vả ghìm Gióp bằng dây cương, khiến cho mặt đường nhựa bốc khói dưới những móng sắt làm tóe lên những tia sáng, và anh lại phải dừng nó lại. Chiếc xe hơi vụt qua trước mặt họ như tên bắn. Gióp đứng dựng trên hai chân sau và vùng vằng giận dữ.
Krušej vỗ về nó, vuốt ve nó và bám lấy cổ nó.
Và anh chờ.
Anh chờ.
Mặt trời phóng những tia sáng. Mặt trời tháng bảy. Và mặt đường tráng nhựa đen tỏa bốc cái hơi nóng oi bức này. Và Krušej lại áng chừng khoảng cách tới đám xe cộ đang lao thẳng tới, anh rán mắt nhìn, cái đầu xoay mỗi lúc một mau hơn – hướng về phía con đường ở trên cao, hướng về phía con đường ở dưới thấp... Và anh lại liệu bước để nhảy, anh nắm chắc con ngựa bằng dây cương và một lần nữa anh lại đổi ý.
Và con ngựa đã hoàn toàn lẫn lộn. Nó nóng nảy nện bước, mỗi cơ bắp bên trong rung rung. Dường như tôi nghe tiếng nó hí, tiếng nó khịt khịt bực bội ở đây trong gian nhà này.
Cảnh tượng thật thương tâm. Xe hơi thật mau lẹ. Không một chiếc nào ngừng, hết thảy đều lướt nhanh trước con thú đã thắng vào xe.
Mới cách đây có mấy năm con đường này hãy còn gần như trầm lặng như một con đường ở thôn quê, là vì lúc ấy nó cắt phần lớn những đồng ruộng và đồng cỏ làm hai. Ở đây chỉ có mấy người chủ quán và nhân viên hỏa xa đã về hưu và mấy người làm vườn lẻ loi cách biệt ra sức cứu vãn cái giá trị của chức phận công nhân viên chức và thợ thủ công của những phòng văn nơi thị thành và những xưởng thợ ở đây bên mép bìa Klagenfurt, trên những mảnh đất nhỏ dành dụm được, bằng cách đơn độc tự đào xới những hầm nhà nơi tầng đất có nước, đổ xi-măng dưới ánh đèn lúc đêm hôm, đặt lên đấy những ngôi nhà nho nhỏ chỉ có một tầng sát đất, rồi cẩn thận bọc quanh «tài sản» của họ bằng những hàng rào sắt đỏ.
Đã bao năm rồi, vào những buổi chiều mùa thu, tôi hãy còn nghe húng hắng những con mang trên những đồng cây cỏ ba-lá, và đôi khi vào tháng Năm trong lúc sớm mai tiếng con cáo mẹ ăng ẳng ở miệt dưới dòng Sotnica – vì lo sợ cho lũ con lông lá.
Và tôi vẫn còn nghe tiếng những công nhân-khách đầu tiên từ vùng Styrie, dìm trong cốc bia và chén rượu mạnh tồi tệ của Áo nỗi đau vô-tổ quốc và nỗi buồn vì nhục nhã – trong lúc đôi khi những người có giọng cao nhất trong bọn họ thèm khát sống bắt đầu ngợi ca mối tình trai trẻ trong đêm ở Klagenfurt, khiến cho những người tiểu-tư sản và các thầy cảnh sát đều im tiếng, mặc dù những kẻ kia đã làm họ mất ngủ.
Và tôi còn nghe ông thầy dòng ở St. Ruprecht kéo chuông báo hiệu trời đã sáng – thật ầm ĩ và kiên trì, như xứng với một nhà tu nhiệt tín.
Giờ thì tất cả những chuyện đó đã chấm dứt.
Người ta đã thiết lập ở mạn nam con đường Flatschacher Strasse những doanh nghiệp kỹ nghệ, những kho hàng của những người buôn sỉ, những chỗ dự trữ xăng dầu. Giờ thì chỉ còn gầm gừ tiếng những động cơ diesel đây đó trên đường và chúng khạc ra những đám chất độc đen.
Giờ thì tôi cũng chẳng còn nghe thấy nữa cái trái chuông thật chính xác – kế bên cây rào cản đen-trắng ở bên dưới tòa nhà của chúng tôi, khi nó loan báo một chuyến xe lửa với tiếng báo hiệu tinh - tinh - tinh. Cũng chẳng còn nghe thấy nữa khi đám học trò của tôi ở Rož tới trường và lúc chiều hôm chúng trở lại nhà ở Zihpolje, ở Sveče và Sentjacob, là vì những động cơ diesel gầm thét dưới lớp tôn, tới độ lọt vào ta đến tận xương tủy.
Và những chất độc lờ lợ của chúng chắc chắn là trườn vào từ phía trước cây rào cản mỗi lần như những con mực ma nhờn nhớt qua những khe cửa sổ ở nơi chúng tôi ở, khiến cho cùng với chúng chúng tôi ngộp thở với sống và chết.
Bên một đĩa súp.
Gióp và Krušej vẫn đứng ở dưới đó trên lề đường và họ vẫn lưỡng lự, họ vẫn rình chờ, càng lúc càng chịu khuất phục trước sự trơ trơ khe khắt của mặt nhựa đường đen.
Họ sẽ không bao giờ vượt qua được con đường này, họ sẽ không bao giờ thu lượm được đám cỏ linh lăng (2) đã cắt ở bên sông Sotnica... Đám cỏ sẽ héo úa ở dưới ấy trong nắng tháng Bảy, sẽ nát tươm và trở thành nguy hiểm tới độ làm phình bụng mấy con bò.
Nhưng ai người quan tâm đến đám cỏ của Krušej?
Thế tuy nhiên họ lại vừa thực sự lao mình nhảy vọt qua, nhưng chuyện ấy đã nổ bung với tiếng đổ vỡ vang ầm. Một chiếc xe hòm đỏ đã tông phải hai bánh sau của chiếc xe có lá chắn, tiếng thắng xe nghiến rít, những thanh lá chắn bay lượn trên không. Rõ ràng là càng xe đã nện phải chân trước của Gióp, tới độ nó khuỵu xuống như một bó cỏ trên mặt nhựa đường đen. Chiếc xe hòm đã bị cuốn đi theo một đường cung tròn và lật ngửa.
Nhanh như chớp tôi từ trên nhà chạy xuống nơi xảy ra tai nạn, để xem có thể phụ giúp gì được chăng. Trong lúc ấy người lái chiếc xe hòm chuồi ra khỏi chiếc xe đã vỡ nát như từ một chiếc tầu ngầm; tấm kính chắn gió tản mác cả ngàn mảnh. Lúc này người đàn ông ấy nắm lấy gáy và thì thầm không ngớt:
«Cục c. khốn nạn, trò bẩn thỉu khốn nạn».
Krušej quỳ gối bên Gióp trên mặt nhựa đường đen và anh ôm lấy cái đầu lảo đảo của con ngựa trong tay.
Mặt trời phóng những tia sáng.
Và mặt nhựa đường đen nóng bỏng, cái nóng oi ả này.
Có ai đó tìm cách tháo thắng ngựa và nóng nảy tìm đầu mút giây cương. Xe hơi dồn lại thành hàng dài ở bên trái và bên phải chiếc xe ngựa gãy nát. Một vài người nhấn còi. Những người lái xe xuống khỏi xe, họ phóng mắt nhìn nhau. Một người trong bọn họ, một người đàn ông có đôi má hồng và hai vai vuông, tay áo sơ-mi xắn lên, đưa chân chạm nhẹ vào sườn Gióp:
«Nó chỉ giả bộ, con ngựa già này.»
Ông ta bực bội, vì muốn vượt qua cùng với chiếc xe tải.
Một vòi máu đỏ tươi sủi bọt không lớn lắm thoát ra từ khúc xương ống quyển bị gãy của Gióp đang tìm đường tới một miệng cống.
Krušej co quắp lại, thân hình anh tê cứng. Đôi mắt anh tối sầm và chung quanh cửa miệng râu ria xồm xoàm gợn một nụ cười ngơ ngẩn và lạnh buốt. Anh không nhìn thấy ai quanh mình. Thế nên tôi quỳ xuống bên anh trên mặt nhựa đường đen và tôi kêu gọi anh:
«Krušej, tôi van anh đó...»
«Không còn làm gì được nữa, thưa ông. Ông làm ơn gọi dây nói cho người hàng thịt để hắn tới hạ nó đi. Tôi, tôi không còn có thể nhìn nó đau đớn nữa. Tôi không còn có thể...»
Tôi rùng mình ớn lạnh khi lao tới phía trước lũ quái vật đang gầm gừ để trở về nhà kêu điện thoại. Tim tôi đập mạnh trong lồng ngực, hai bên thái dương tôi giựt giựt.
Đồng thời tôi nhận ra thật rõ rệt trước mắt cái cảnh tượng của những năm còn thơ ấu, khi tôi cũng phải chạy qua nhà người hàng xóm và xin ông ta tới hạ con heo cái sinh đẻ duy nhất của chúng tôi, là vì con nó chết trong bụng nó. Cha tôi lúc ấy cũng nói: «Tao không thể tự mình làm được chuyện ấy.» Và nước mắt đã trào ra từ đôi mắt cha. Không bao giờ trước đó, không bao giờ sau đó.
Tội nghiệp Gióp, tội nghiệp Krušej của tôi.
Lúc này có ai đó điều khiển lũ quái vật gầm gừ chầm chậm qua trước mặt họ.
Những hốc đen khạc lên họ những bụm khí đen.
Chút khói hương cho cuộc an nghỉ cuối cùng của Gióp.
Tôi che kính cửa ở lan can lại, để xóa đi cái cảnh tượng khủng khiếp.
Tôi bảo con trai tôi: «Con thấy không, con Gióp khốn khổ này của Krušej là con ngựa Slovénie cuối cùng ở Klagenfurt.»
«Thì đã sao? Nói như thế là ba có ý nói gì?»
«Chẳng có gì hết, ta chỉ muốn cho con hiểu rằng ta rất tiếc về việc đó. Và cũng rất tiếc cho Krušej, người chắc chắn sẽ không còn tậu được con khác nữa. Anh ta sẽ không bao giờ còn đánh ngựa vào những buổi chiều mùa hạ qua đường Heine dưới hàng lan can của chúng ta với trên xe một thùng lớn những rác rưởi trong nhà. Và vào mùa thu, anh ta sẽ không bao giờ còn chuyên chở củi đốt lò cho những khách hàng chưa có lò sưởi chung.»
«Ba không còn điều bận tâm gì khác sao, ba?»
«Còn chứ. Còn điều này nữa: là con Gióp khốn khổ nói thực ra chính là hình ảnh của dân Slovénie ở Carinthie.»
«Ba chỉ nghĩ tới dân ta sao?»
«Đó là dân gần gũi nhất đối với ta và ta đã nhớ tới trước tiên.»
(1) Gióp: người công chính, bị “thử thách” nhiều, trong Thánh kinh...
(2) luzerne: một giống cỏ, dùng cho súc vật ăn.
Gióp Gióp - Sưu Tầm