Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Tác giả: Nam Dao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1172 / 32
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Nước đục
ió ngã ba sông vào buổi đầu hạ đã thoáng chất nồm thổi từ phía Nam về. Cơn lụt lội tháng trước vứt lại những đụn đất rải rác trên mạêt đồng còn sũng nước nằm nghiêng nghiêng xoãi xuống triền sông. Nắng sớm trong veo. Gió lao xao trên đầu những bụi tre già thân óng màu ngà, đu đẩy đùa nghịch với đàn bướm trắng ở đâu bay lại. Xa xa, dăm chiếc nón ba tằm ẩn hiện thấp thoáng, nhắc nhở đời sống triền miên nhẫn nhục của những con người lại vừa trải qua một cơn cơ cực, nhưng chẳng làm sao hơn được là tiếp tục bám vào đồng nội trơ trơ lớp đất vừa bồi trông lì lợm thách thức. Nhật để tay lên vai Du, ngần ngừ:
- Rẽ trái, theo triền nước sông Luộc xuôi xuống thì quãng non một ngày đường là tới Quỳnh Côi.
Bần thần nhìn theo dăm con chuồn kim đáp xuống mặt sông lăn tăn nước, Du xa vắng thốt lên:
- Ðường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
Ðẩy cho Du bước lên đường, Nhật vừa nói vừa cười, giọng bùi ngùi:
- Thôi nhé. Ta sẽ chuyển lời thăm thầy cho.
Ðợi cho đến khi bóng Du chỉ còn thấp thoáng trong đám ruộng xanh non xa tít, Nhật mới xốc lại tay nải, thẳng bước về hướng Thanh - Nghệ. Chiếc nón mê úp che nửa mặt, chàng cắm cúi bước, lòng mong sớm về Bùi Phong.
Hai ngày sau, Nhật đã đến chân đồi. Chàng lẳng lặng tìm suối nước đã tắm gội chàng suốt một thuở niên thiếu, vục đầu xuống uống cho no nê, rồi rửa mặt mũi, miệng hát nho nhỏ những câu hát trẻ thơ. Một đàn bướm trắng ở đâu bay ra, vờn trên những
ghềnh đá non chào kẻ trở về, rồi lại thấp thoáng chập chờn lẩn sau những bụi rạc mọc chĩa ra ven bờ suối. Ngồi trên bờ cỏ, Nhật thở ra khoan khoái, nhìn về phía đám mây trắng đang vờn trên đỉnh núi Thiên Nhận. Chàng bứt một cọng cỏ bỏ lên miệâng cắn, vươn vai hít đầy lồng ngực mùi thơm của cỏ cây quen thuộc, rồi xách tay nải cắm cổ chạy một mạch lên đồi.
Toàn Nhật về Bùi Phong chưa được một tuần trăng thì có người do Trần Danh Kỷ phái đến hỏi dò xem Trọng Thức đã lên đường vào Ðàng Trong chưa. Thời gian đó, tính ra lúc Thức chia tay với Nguyễn Thiếp và Ngô Thì Nhậm thì đã quá nửa năm rồi. Ðặng-thị lo âu, thở dài nói như than:
- Ðường vào có tiếng là lắm hổ báo. Hay là...
Quay sang Thiếp, bà nhỏ nhẹ:
- Thầy nó lại xem cho một quẻ đi!
Thiếp bước ra vườn chè, tay rút một đọt lá, nhìn chăm chú. Ðặng thị đến sau lưng hỏi:
- Thế nào?
- Quẻ Lữ!
- Lại quẻ Lữ?
Nhìn Thiếp lặng lẽ gật đầu, Ðặng-thị nhớ lại ngày nào Hà công lên Bùi Phong với cả bầu đoàn thê tử và xác cô con gái vắt nằm ngang trên lưng ngựa. Hôm ấy, Thiếp cũng bói ra quẻ Lữ, rồi chỉ đường cho Hà công đi về phía Nam, tìm chỗ cho đủ lửa đặt mả họ Hà cho rồng bay lên. Ðặng-thị lại văng vẳng nghe, sau quẻ Phong là Lữ, nghĩa là đã đến lúc đi làm khách. « Tượng viết, Sơn thượng hữu hỏa, Lữ quân tử, di minh thân, dụng hình, nhi bất lưu ngục. Bắt chước núi có lửa soi, làm việc bằng hình luật, soi xét minh đoán, phán quyết cẩn thận. Cứ lấy hai chử Trung, Nhu làm bùa hộ thân. Muốn vượng phải lấy lòng trung thực làm gốc ».
Ðặng-thị bỗng xót xa cho Thúc Khải, đứa con bị Hà công cướp mang theo. Nay Thúc Khải ở đâu? Tiếng Hà công ngày xưa quát lại vang lên: «... nếu nghiệp Ðế mà thành thì nó sẽ được phong Vương, còn không ta xé xác nó ra băm thành trăm mảnh. ». Ðàng Trong đã có Nguyễn Nhạc xưng Ðế bảy năm rồi! Liệu Nhạc có phải là dòng dõi họ Hà? Ứa nước mắt, Ðặng-thị nhìn về phía Nam rồi lặng lẽ bỏ vào nhà. Bà đến cạnh Nhật, miệng nhỏ nhẹ:
- Mợ lo cho Thức, có lẽ con phải vào trong đó xem sao?
Tối hôm ấy, Ðặng-thị kể cho Nhật nghe về Thúc Khải. Khi bị bắt đi, Khải mới chưa đầy ba tuổi, sau gáy có một cái bớt đỏ to bằng nửa bàn tay. Ðặng-thị nhắc đi nhắc lại:
- Nhân tiện, con xem có ai có vết bớt đó không. Nếu quả Nhạc gốc từ họ Hà, thì để ý đám vương hầu, nếu Khải còn sống ắt là trong số đó!
Nguyễn Thiếp ngồi nghe, trầm ngâm, lắc đầu:
- Hãy khoan, đừng vội. Nay Phạm Ngô Cầu ở Phú Xuân có Hoàng Ðình Thể là tướng.Thể lại cũng là tâm phúc của Hoàng Tế Lý. Việc Toàn Nhật dãn binh Nội Phủ không cứu Lý chẳng phải là chuyện bí mật gì. Vậy Thể sẽ đối xử ra sao với Nhật?
Ðặng-thị cắt ngang, giọng có chiều bực bội:
- Nhật có vào PhúXuân khai tên ra đâu màsợ!
Thiếp ngẩn người ra trước lý lẽ hiển nhiên của vợ, ngượng nghịu hớp sạch chén trà, rồi nhìn đăm đăm vào đáy chén, vẻ như muốn tìm ra quẻ dịch từ hình thể cặn trà bám lại. Ðặng- thị nhìn Nhật:
- Con có định đi không?
Nhật gật đầu. Ðứng lên, Ðặng-thị khêu đèn, miệng nửa đùa nửa thật:
- Thầy nó chắc lại tìm ra quẻ Lữ rồi nhỉ!
Chưa dứt lời, một tiếng chó tru lên kéo dằng dặc nghe nổi gai ốc. Thiếp nhồi thuốc vào điếu, lấy chiếc đóm châm lửa, miệng lẩm bẩm:
- Lại tru lên gọi ma...
Rít thuốc sòng sọc, Thiếp từ từ thở ra, mắt lim dim, tay đánh nhịp xuống mặt bàn, bâng quơ:
-... Danh Kỷ cho người đi tìm Nguyễn Huy Tự ở Trường Lưu. Ta có thơ mời Tự ghé đây. Con có đi, cứ thư thả xem Tự có vào cùng hay không!
Chó lại tru lên, lần này hàng loạt, hết con này đến con kia. Toàn Nhật lẩm nhẩm «... thời buổi ma quỉ nhiều thế này, gọi một lần là đủ, việc gì phải tru lên lắm thế ».
Ðợi thêm nửa tháng, người do Kỷ phái lên Bùi Phong báo rằng Tự từ tạ đi trước, và nay đang trên đường đến Bùi Chu. Toàn Nhật vội vã xuống trại theo ngay, và chỉ tối hôm đó là bắt kịp Tự, kẻ vang danh một thuở là đệ nhất tài danh xứ Nghệ.
Tự tầm vóc trung bình, mặt xương, mắt sâu, mũi cao và nhọn như mũi chim, miệng lúc nào cũng trễ xuống vẻ khinh mạn, hơn Nhật chắc chừng một giáp. Lúc giới thiệu xong, Tự thân mật nói:
- Chú đi cùng cho vui. Kỷ cũng mời chú à?
Nhìn Nhật lắc đầu, Tự đùa:
- Thế vào Ðàng Trong kiếm tí công danh ư?
Lại lắc đầu, Nhật đáp:
- Ðệ vào tìm người anh tên là Trọng Thức.
- À, cái anh chàng thầy đồ « cứng cổ » ấy! Cũng là cố tri của ta, mình cùng đi tìm hắn vậy...
- Nguyễn huynh vào gặp Kỷ? - Toàn Nhật vui miệng trả miếng - Chắc rắp tâm kiếm tí công danh?
Cười lên ha hả, Tự vỗ vai Nhật:
- Cũng chẳng biết được. Nhưng người ta muốn gặp là giáo Hiến để hỏi itù câu chuyện.
Nhìn ánh mắt dò hỏi của Nhật, Tự tiếp:
- Giáo Hiến xưa bỏ Chúa Nguyễn vào Qui Nhơn mở trường dạy học, có Huệ và Lữ là học trò... Không có Hiến thì chắc Biện Nhạc vẫn còn xuôi ngược đi buôn trầu nguồn chứ đâu lại thành ông « vua Trời » như ngày nay. Cái lược « giận quốc phó ra lòng bội bạc » là lược giáo Hiến đấy...
Thoáng thấy kẻ dẫn đường chợt nhăn mặt, Tự im ngay, nói lảng sang hỏi thăm sức khỏe Nguyễn Thiếp. Lát sau, Tự khéo léo nhờ người đó về trước nhắn hộ Kỷ là vì có việc riêng, Tự sẽ tới Qui Nhơn muộn dăm ngày. Nhìn người dẫn đường thấp thoáng cuối dốc, Tự thở ra:
-Như thế này mình tự nhiên hơn, nói chuyện với nhau cho sướng miệng, chẳng phải e dè kiêng cữ gì.
Theo con đường dọc biển, Tự và Nhật đi vào, vừa đi vừa nghỉ, đến đêm lại đậu lại ngủ ở những ngôi chùa rải rác trong các thôn làng. Qua khỏi Bố Chính, sự khác biệt với Ðàng Ngoài bắt đầu khởi nét. Ðồng ruộng hẹp, đất lẫn sỏi cằn hơn, lúa mọc cao không vượt quá được đầu gối. Mươi năm trước, sau khi chiếm lấn Phú Xuân, Chúa Trịnh đã ra lệnh bắt dân ăn mặc như Ðàng Ngoài. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người giữ nếp cũ, y phục giống Trung Quốc, lại lẫn lộn với y phục Chàm, màu sắc rực rỡ hơn. Tự bảo:
- Chú xem, cách đây gần trăm năm chúa Nguyễn Phúc Chu năm Nhâm Ngọ đã sai người xin cầu phong với nhà Thanh làm phiên thần như vua Lê. Ðến con là Võ Vương năm Mậu Ngọ, lại bắt dân đổi phong tục, trang phục bắt chước hệt như Trung Quốc... Cái ý đồ chia cắt thành hai nước Nam, Bắc trên đất Ðại Việt này đã manh nha từ xưa nơi đám người nắm giữ quyền thế. Buồn cười thay, Ðàng Trong muốn thành một nước riêng, lại xây cái nước ấy trên một mẫu mực ngoại bang.Trước mắt thì quả có lợi, dùng sức ngoài để ép vua Lê - chúa Trịnh. Nhưng dài hạn, làm thế thì chính mình đi trước đọat bản sắc của mình, biến mình thành quận huyện Trung Quốc, dân mình thành dân Trung Quốc... Hà hà, rõ là thiển cận: cái nước riêng ấy kết cục thành của người ta. Từ cổ chí kim, sự tồn tại của một quốc gia chính là sự tồn tại của một nền văn hóa cá biệt. Ðám thế quyền xưa nay chỉ nhìn thấy đất đai, biên cương. Vì sao? Là vì có ruộng, có rừng. Và có dân nai lưng làm ruộng làm rừng để đóng thuế cho vua quan, củng cố thế quyền đã sẵn đấy...
Nhật ngắt lời Tự:
- Văn hóa Ðại Việt ta thì khác gì văn hóa Trung Quốc? Cái trật tự xã hội, luân lý trong dân gian chẳng phải là cũng từ Nho giáo mà ra à!
- Nho giáo? Ðúng, nhất là đám quan lại trung gian giữa vua chúa và nông dân. Ðó là một thiểu số đi học đỗ đạt, được thế quyền lựa vào để cai trị dân.
Nhìn lên trời, Tự như nói với chính mình:
- Ðám trung gian đó chẳng qua chỉ lập lại lời xưa, vong thân, tha hóa cho cái công cụ của thế quyền. Nhưng văn hóa rộng hơn là mớ chữ nghĩa thi phú và dăm lề luật gắn vào miệng thánh hiền.Văn hóa bao gồm cách sinh sống làm ăn, cách vui đùa hội hè…tóm lại, là cách sinh tồn. Cứ lấy ca dao ra xem, tất biết phần lớn văn hóa dân gian: họ đâu có lập lại luân lý của ông Khổng, ông Mạnh, ông Trình, ông Chu.
Nắm cánh tay Nhật, Tự trầm giọng:
-...Họ chống lại là đằng khác, chống lại bằng cách vạch ra cái giả tạo giả hình... Ðồng bằng sông Nhị cằn cỗi rồi, lại sưu cao thuế nặng, dân phiêu tán vào trong. Thế quyền nương theo, chiếm lấy Chàm. Dân lại tiếp tục đóng thuế, nai lưng ra, và sống cùng điều kiện với những kẻ mất nước. Tự nhiên, họ hòa đồng với nhau. Ở Bố Chính này, dân ta gốc là Thanh - Nghệ. Họ thay đổi áo quần, lấy phần này là người Chàm, phần kia của người Kinh, và đến khi bắt buộc phải ăn mặc y phục kiểu Tầu, họ cũng lại linh hoạt chế biến ra một thứ tổng hợp mới. Ðấy, biểu hiện của một sinh khí dẻo dai là thế... Ðến đâu, nông dân linh động uốn mình vào đất đai, vào con người bản địa, vào phong tục mới để sinh tồn với một tổng hợp giá trị và thực tế, tạo ra nếp văn hóa mới. Nó sống động, không ù lì như mớ chữ nghĩa trong kinh sách của Nho giáo. Nho giáo chỉ chạy theo, rồi bằng chế độ quân chủ chuyên chính, áp đặt khuôn mẫu cũ vào những người dân.
Tự ngưng nói, chép miệng, rồi đăm chiêu một lát. Nhìn theo những cánh chim lượn trên trời cao, Tự lẩm bẩm:
- Chúa Nguyễn hơn trăm năm nay đã làm thế. Nhưng ngày nay, ta tự hỏi, Tây Sơn liệu có thể sẽ khác đi không? Và khác đi thì khác như thế nào?
Tránh đường bộ qua Thuận Hóa, Tự và Nhật tìm thuyền buôn ven biển đi nhờ vào Nam - Ngãi. Nhà thuyền người Thanh Hóa, làm cho những tay lái ở hai trấn Thanh - Nghệ, chở vải vóc và vật dụng bằng sành vào bán. Khi ra Ðàng Ngoài, họ lại mua trầm, hương, sừng tê, ngà voi, vây yến và trầu nguồn. Nhìn trời nước mênh mông, Tự bâng quơ:
- Từ Ngoài vào Trong, có đi lại với nhau thì mới học hỏi, giao hòa được kiến thức của vùng này với vùng kia. Tổng hợp văn hóa làm nền tảng cho một quốc gia chỉ thành hình khi có giao lưu. Ðường biển ở Ðại Việt ta sẽ giữ vai trò thống nhất đất nước. Ðường bộ thì gian nan quá, chỉ một khi đã thống nhất mới có thể ổn định, đặt ra trạm ngựa, trạm nghỉ, lúc thanh bình mà thôi…
Chợt người trèo buồm trên thuyền chen vào:
- Ông bảo thế, hóa bọn thương dân chúng tôi đang lập công lớn đấy! Thế mà sao sổ toẹt chúng tôi xuống dưới cùng? Này nhé, sĩ đến nông, công rồi mới đến thương. Hết gạo chạy rông, thì nhất nông nhì sĩ.Khi đói, người ta đến cướp bóc đám thương nhân, lột cho đến trần truồng, lắm khi đuổi đi tha phương cầu thực...
Nhật ngạc nhiên ngẩng lên nhìn. Người ấy tiếp:
- Các tay lái nếu có thuê tráng đinh trang bị giáo mác để phòng vệ thì quan quân gọi là giặc ngay. Thế là lại phải lụy vào các quan Trấn Thủ, quan Phủ, quan Huyện. Chia chác cho vừa lòng, thì sống. Không, thì cướp. Chính tôi đây, phá sản lần cuối là lần thứ ba rồi, mỗi lần đều trắng tay nên cứ lại phải làm lại từ đầu.
Tự lắc đầu, nhìn ra xa. Một lúc sau, Tự thủng thẳng:
- Rồi thì sẽ đổi. Tây Sơn với Nhạc, Tập Ðình là đám thương dân. Ở Phú Yên, Chu Văn Tiếp cũng là thương dân... Cống Chỉnh từ Ðàng Ngoài vào với Nhạc cũng gốc con buôn, cha hắn là tay lái nổi tiếng ở Nghệ. Họ đang làm loạn để đổi đời. Tầm nhìn của họ liệu có khác đám Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất xưa kia kéo nông dân dấy binh thì còn phải chờ xem!
Quay sang Toàn Nhật, Tự hỏi:
- Ðệ hẳn có biết Chỉnh?
Nhật thuật lại lần gặp Chỉnh ở Phố Hiến khi Chỉnh đón Hoàng Tế Lý đưa về Kinh. Tự trầm ngâm:
- Chuyện đệ không cứu Lý, ai cũng biết. Liệu có vì thế mà Chỉnh, hiện là một cánh tay đắc lực của Nhạc ở Qui Nhơn, để tâm không?
Cúi đầu suy nghĩ, Nhật ngửng lên lắc đầu.
- Tại sao?
- Nguyễn huynh nghĩ xem. Sau khi Hoàng Tế Lý chết, tại sao Chỉnh không kéo quân về hàng chúa Nguyễn mà lại ra Qui Nhơn với Nhạc? Hàng Nguyễn, chắc chắn sẽ theo nếp cũ, Chỉnh lại quan nha bổng lộc. Theo Nhạc, hắn thành giặc. Chỉnh làm giặc vì Chỉnh có tham vọng khác người. Ðường đường là ông cống, rồi ông quan Ðàng Ngoài, bụng hắn coi thường chúa Tây Sơn. Hắn tính toán không tẹp nhẹp, xưa phò Tế Lý là để làm bàn đạp đi xa. Khi Lý chết, hắn đã xúi bẩy mang quân Thanh - Nghệ về dẹp Kiêu binh nhưng đám quan hai Trấn sợ sệt không dám. Vì thế, hắn mới vào Qui Nhơn, chắc cũng lại tính toán đường về Bắc hà một ngày nào đó thôi. Hắn thế, đâu có để tâm vào những chuyện thù hằn vô bổ!
Tự gật gù:
- Ừ, hắn ví mình như chim Bằng, lẽ đâu lại xử sự như con quạ được.
Nhật nghe lơ đãng, mắt nhìn theo hai chiếc thuyền chở muối đi ngược chiều ra Ðàng Ngoài. Tự bỏ ra đầu thuyền, tò mò thăm hỏi công việc bán buôn, thỉnh thoảng lại cười ha hả.
Khi thuyền sáp vào đầm Nước Ngọt, mặt trời sà xuống biển như một chiếc nong lửa, vất lại trên sóng nước bao la những ráng hồng tía lịm dần trong màu xanh đen thăm thẳm. Nhìn vào đất liền, những hàng dừa vươn lên cao, chao động trong gió chiều. Nhà thuyền hò nhau sửa soạn cặp bến. Trên bờ, thấp thoáng có bóng người giơ tay vẫy. Người giữ tay buồm trên thuyền tiễn Tự và Nhật xuống bến. Ông ta tay trỏ, miệng nói:
- Ði chếch về bắc, là Phù Lý. Xuôi xuống nam là Phù Cát, rồi Thốc Lốc. Trời sắp tối, hai ông cứ đường chính mà đi, tới Phù Cát là vừa.
Tự và Nhật lần đến một dãy nhà phía đông chợ Qui Nhơn. Tìm đến căn chỗ đối diện một cây dừa, đúng như lời dặn dò, hai người dừng lại, Tự xốc khăn, sửa áo rồi nhẹnhàng gõ cửa. Một người già nua thò đầu ra, mắt nhướng lên, nhìn dò hỏi.
- Phiền lão ông, đây có phải là nhà ông Kỷ?
Khịt khịt mũi, rồi lại nhìn Tự và Nhật từ đầu đến chân, ông lão lắc đầu, vừa sẵng giọng vừa sập cửa:
- Không biết Kỷ là ai cả. Ði đi!
Ngẩn người ra nhìn nhau, Tự bảo Nhật: « Lạ nhỉ? ». Nhật kéo Tự đi ngược về phía chợ, chép miệng nói:
- Chắc họ chỉ nhầm nhà. Hỏi lại cho kỹ, ta lại tìm chiều nay.
Hai người kéo nhau vào ngồi trong một cái quán ngay ven chợ, Nắng chói đã lên ngang đọt dừa, chụp xuống những mái gianh sáng lóa. Mồ hôi vã ra như tắm, Tự lấy khăn lau mặt, rồi nâng cốc nước dừa uống một hơi. Nhật nhìn quanh quẩn. Dăm ba người trò chuyện nói cười với nhau trong góc quán. Một đứa bé tuổi chạc mười lăm đi vào ngồi xệp xuống cạnh bà chủ quán, một tay xòe ra hai đồng chinh, tay kia bốc chiếc bánh lá. Nó lẳng lặng bóc lá, ăn ngốn nghiến, rồi xin một bát nước. Tự lên tiếng:
- Ðây cũng chẳng khác gì cho lắm ở Ðàng Ngoài. Cũng nghèo. Ðược cái hàng dân trông vui vẻ hơn. Chú em để ý nhìn, đàn bà đông hơn đàn ông. Binh dịch ở Ðàng Trong có tiếng là nặng nề, lắm buổi cứ hai đinh lấy một lính... Và xem ra thì dân ta chỉ một nửa, còn lại là Chàm, là Thượng. Này, y phục của họ nhìn rõ là lai ta, lai tầu vào cái gốc Chàm là chính.
Nhật vui vẻ chêm vào:
- Ta cũng phải bắt chước họ lấy khăn trùm từ đầu đến cổ che nắng. Nguyễn huynh có thấy lạ không, trời nắng thế sao họ lại choàng hai ba lượt áo thụng?
- Ðể giữ cho thân nhiệt không đổi. Như thế họ không mất sức chống chỏi với cái nóng. Chú biết là dân du mục ở sa mạc vùng ngoại Mông cũng ăn mặc như vậy không... Hà hà, Tự đùa- còn chống với cái lạnh, cứ cởi hết ra...
Nhật bật cười phụ họa. Bước ra khỏi quán, hai người nghe tiếng thằng bé chạy theo gọi:
- Hai ông, đợi cháu.
Ðến bên Nhật, nó kiễng chân lên nói nhỏ:
- Hai ông tìm quan nhà cháu là Kỷ thì theo cháu. Chính lão bộc sai cháu chạy theo hai ông đấy.
Nhật và Tự đưa mắt nhìn nhau ra hiệu, chân bước theo thằng bé. Nó lầm lũi quay vào chợ, đi dọc theo những dãy bán rau, rồi vòng vèo một lúc mới ra cổng đi về phía Nam. Ðến ven sông Côn, thằng bé lẳng lặng kéo thuyền, vẫy hai người lên, rồi đẩy khỏi bờ. Lúc đó, nó mới nói:
- Quan nhà cháu ở tư dinh quan Tiết Chế! Bên kia là An Thái, chỉ lát nữa là đến. Lão bộc gửi lời xin lỗi hai ông, gặp quan nhà cháu tất hai ông hiểu cho.
Tự nhìn Nhật, mỉm cười rồi bảo: «... chúng ta hiểu rồi, nói lại là lão chẳng cần áy náy làm gì. » Lên bờ, hai người vui vẻ hỏi chuyện nó. Nó kể:
- Sang năm cháu mười sáu, cháu sẽ đăng lính ông Long Nhượng!
- Mày không sợ chết à?
- Không chết được. Lính ông được thoa thuốc, cung tên bắn không trúng, đao kiếm chém không đứt!
- Thế đi lính thì được gì?
- Lập công lớn thì được lên cai, lên đội, rồi thành cơ thành úy không chừng. Này nhé, không phải Ðàng Ngoài mới biết đâu. Trong này, bọn trẻ cũng nói « làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan... ».
- Mày đi lính, ai giúp đỡ cha mẹ mày cày bừa?
- Cha cháu chết rồi, chết ở Gia Ðịnh khi đánh Vĩnh Trấn đấy. Còn mẹ cháu, mẹ cháu đi lấy chồng, mang theo con em nhỏ. Cháu đi ở đợ, đất đai đâu mà cày bừa.
Thằng bé nhảy quẫng lên múa tay, xoay một vòng, la lên như trong một vở hát bội.
- « Ðợi ngày ta mũ đáo thành công, dâng lên Ðức Vua mười thành, tám ải, thời ta sẽ về khoa đại đao giết thằng già dượng dám mang đồng bạc trắng ra ép buộc kẻ góa bụa trung trinh... »
Nghe thằng bé hát, lòng Nhật bỗng tràn ngập một niềm thông cảm. Thì ra nó mang tâm sự u uẩn của đứa trẻ cha chết, mẹ đi thêm một bước, biết đâu chỉ vì phải kiếm người để chung lưng đấu cật mà sinh nhai.Nhật vỗ vai nó, bảo:
- Thuốc thoa không chống được cung tên đao kiếm đâu. Sau này, có dịp ta dạy cho dăm ngón nghề giữ thân.
Nó ngước nhìn Nhật, ánh mắt nghi ngờ, miệng cãi:
- Thiệt chớ, cháu thấy tận mắt mà...
Vừa lúc đó, hai người lính mang dáo dài đầu có buộc tua đỏ bước ra hỏi. Một người vào báo, và chỉ chừng dăm phút lại ra, theo sau là Trần Danh Kỷ. Kỷ reo:
- Nguyễn huynh, đường xá xa xôi mà đến được, quí hóa quá!
Quay sang Toàn Nhật, Kỷ nheo mắt:
- Lại có cả Võ tướng quân đi cùng, thế này thì là một cuộc hội ngộ nghìn năm một thuở. Chắc tướng quân còn nhớ Kỷ ngày đến qua dinh Khương Tả hầu ở Thăng Long?
Không đợi trả lời, Kỷ quàng tay đẩy Tự và Nhật đi vào dinh quan Tiết Chế, miệng vui vẻ:
- Xin mời vào. Ðây là chỗ đệ tạm trú dăm bữa nửa tháng nữa thôi.
Thế là Tự và Nhật thành môn khách của Tiết Chế Nguyễn Lữ. Trạc tuổi Nhật, Lữ vẻ già dặn và trầm tĩnh hơn, lấy lễ đãi khách vừa tế nhị, vừa chu đáo. Khi Nhật hỏi, Kỷ đáp:
- Hai tháng trước, đã có Ðặng tiểu thư đến Qui Nhơn tìm Thức. Ở Qui Nhơn, chúng tôi đã dò xét nhưng tin tức vẫn chưa xác định được. Khi Thức vào đây khoảng tháng ba năm ngoái, tôi theo hầu Tiết Chế và Long Nhượng tướng quân chinh chiến trong Gia Ðịnh. Lúc ra, không thấy Thức đâu. Nay Ðặng tiểu thư về Nghệ, tôi đã hẹn là lành dữ thế nào tôi cũng báo một khi có xác tín...
Lữ nghiêm nghị xen ngang:
- Võ tướng quân cứ yên chí, chính ta sẽ điều tra hình tích của Trọng Thức. Việc mời Thức theo quân vào Gia Ðịnh là có ý của ta, nên ta có trách nhiệm. Nhưng là đường đệ, Võ tướng quân có nghe Thức nói gì để lần dò ra không?
Chau mày, Nhật ngần ngừ:
- Người anh của tôi có liên hệ đến giáo sĩ Sieyès và nhắc tới một trường đạo ở Mạc Bắc.
Xoa tay vào nhau, Lữ nhìn Nhật rồi chậm rãi nói:
- Trường đạo này do Liot đứng đầu đã tản qua Xiêm rồi! Ðể việc tìm kiếm cho dễ, xin Võ tướng quân tả lại hình dáng của đường huynh cho.
Nhật bắt đầu nói, nhưng biết là tả như vậy thì làm sao nhận dạng được. Tự khề khà xin giấy bút, đưa tay vẽ theo lời Nhật. Vẽ xong, Nhật lắc đầu. Tự lại vẽ nữa. Nhật lại thở dài lắc đầu thêm một lần, nhưng khuyến khích «... đã gần giống rồi ». Tự cặm cụi, mỗi lần sửa một nét lại hỏi Nhật «... được chưa? ». Ðến lần thứ năm, Nhật reo « Ðây, đúng đây là Trọng Thức rồi». Lữ đưa tay lấy bản vẽ, ngắm nghía, rồi cười bảo:
- Tôi sẽ cho khắc, in ra chia cho lính mang yết trong doanh trại. Chắc thế nào cũng sẽ ra tăm tích.
Nhật vái tạ. Lữ lại cười:
- Võ tướng quân cám ơn suông thôi à?
Lữ quay đi, nói với lại:
- Một lần vô tình tôi bắt gặp Võ tướng quân chỉ mấy miếng vật cho thằng bé gia nô nhà Trần Danh Kỷ. Người Tây Sơn vốn chuộng võ, phải chi ngài chỉ giáo thêm cho ít tráng đinh thì tốt biết mấy!
Ðến tháng chạp năm Giáp Thìn, Nguyễn Huệ mới quay về Qui Nhơn sau chiến thắng trận Rạch Gầm- Xoài Mút phá tan hai vạn quân Xiêm ở Gia Ðịnh. Dịp đó, Kỷ rời tư dinh quan Tiết Chế và rủ Tự theo. Toàn Nhật vẫn ở lại An Thái, tiếp tục việc đào luyện một nhóm du binh theo phương pháp chàng đã từng làm với đám lính Trịnh khi còn ở Thăng Long. Chính Lữ cũng xuống bãi quần thảo với đám du binh mỗi khi được rỗi. Lữ còn bàn thêm cách tiến thoái làm thế trận tam giác của Toàn Nhật mang tính động, có thể di chuyển tứ phía mà vẫn công thủ rất nghiêm mật. Gần gũi với Lữ hơn, Nhật một hôm bạo dạn nói:
- Việc Kỷ ở tư dinh quan Tiết Chế khi Long Nhượng vắng mặt, rồi Nguyễn Huy Tự và tôi cũng đến nhờ vả ngài, lờ mờ cho thấy rằng Ðức Vua chắc không coi Kỷ là người nhà, nên vạ lây đến những ai ở Ðàng Ngoài vào đây qua sự liên lạc của Kỷ. Trọng Thức phải chăng cũng rơi vào trường hợp này?
Lữ nhìn thẳng vào mắt Nhật:
- Võ tướng quân xét việc có hơn người, nhưng chỉ thấy một, chưa thấy hai. Long Nhượng là em của Ðức Vua, rõ là có bao dung Kỷ. Nhưng để Kỷ sống là Ðức Vua cho sống, có bắt chết thì Long Nhượng cản cũng không được. Lần sau, xin tướng quân lựa lời chớ gây hoang mang kẻo sĩ tốt Tây Sơn hiểu lầm, chỉ hại mà không lợi...
Ðúng lúc đó, một giọng lanh lảnh cất lên:
-...và chỉ thêm một lần sơ xuất, chính Chúa Út ta đây lấy đầu Võ tướng quân!
Máu mặt dồn lên, Nhật quay lại. Một thiếu nữ quần chẽn màu đen, áo bó bằng vải đỏ, tóc đen nháy xòa xuống ngang lưng không biết đã đến tự lúc nào. Miệng cười lộ ra một chiếc răng khểnh trông như trêu chọc, thiếu nữ giơ cao bản vẽ mặt Trọng Thức, tiếp:
- Mặc dầu ba chiêu kiếm của tướng quân quả tuyệt diệu, ta đã xem và nghĩ ra cách trị nó rồi!
Nhật cắn răng, nghiêng mình cúi đầu chào. Thiếu nữ lại cao giọng:
- Chào Chúa Út, người ta khom lưng thấp xuống nữa. Võ tướng quân chỉ khẽ nghiêng mình, vậy là chưa đủ lễ.
Lữ vội gạt đi:
- Bậy nào, Võ tướng quân là khách của ta, cô là em phải biết giữ lễ.
Vênh mặt lên, Chúa Út lại lanh lảnh:
- Môn khách thì không phải là thuộc hạ. Nhưng ăn dầm ở dề thì rồi cũng phải đền đáp, mà đã đền đáp thì khác chi thuộc hạ. Anh chàng rậm râu này cũng như mọi người thôi, bất tất phải giữ lễ giữ nghĩa gì cho nó phiền phức.
Nhật bỗng thốt nhiên cất tiếng cười. Chàng cười mỗi lúc một lớn, rồi thốt nhiên ngưng lại, giọng cố dấu sự phẫn nộ:
- Công nương nói thế rõ ra người nghĩa lý nông nổi, Nhật này trả ơn Tiết Chế giúp tìm đường huynh nên có tập luyện đám du binh, vừa vui lại vừa dưỡng sinh cho khỏe mạnh. Khi nào có tin đường huynh, dẫu lành, dữ, sống, chết gì thì Nhật sẽ lại cúi đầu vái Tiết Chế cáo từ. Lúc ấy, ai giữ cũng chẳng được. Công nương cho là thuộc hạ ư? Tùy. Thế nào cũng được. Nhưng xem trộm Nhật tập kiếm vào đêm hôm khuya khoắt thì công nương quả là một phụ nữ thiếu... bình thường, không làm sao giống được một... vì công chúa.
Kéo dài giọng ra mai mỉa, Nhật quả đã chọc đúng vào chỗ hiểm. Mặt Chúa Út tái mét đi. Tay run run, nàng giơ cao bản vẽ, gằn giọng:
- Ai cho mi biết tin Trọng Thức, mi có chịu làm thuộc hạ cho người đó không?
Lữ chặn ngang:
- Ðăng Vân, im!
Quay sang Toàn Nhật, Lữ dịu giọng:
- Võ tướng quân thứ lỗi. Em tôi tính như con trai, hay bốc đồng nói bậy...
Chúa Út vùng vằng đi ra. Ðến cửa, nàng bỗng quay phắt lại, nước mắt chạy quanh:
- Ðược rồi! Quí báu gì ba đường kiếm mà ta phải xem trộm. Ðể khuất phục nó, ta sẽ dùng roi. Có nghe « Ai về An Thái mà coi. Ðàn bà con gái đánh roi đi quyền » chưa? Còn tin về Trọng Thức, muốn thì phải hỏi ta! Và ta chỉ cho biết khi cúi đầu lạy ta xin làm thuộc hạ. Này, anh chàng rậm râu! Ta có coi ra gì một vị công chúa mà phải giống cho được. Mi khi ta thế ư?
Toàn Nhật nhìn giọt nước mắt trên mi Chúa Út, động lòng thấy mình hẹp hòi cố chấp. Chàng bước theo, gọi với «... Công nương, công nương! » nhưng Chúa Út đã biến sau khung cửa.
Nai nịt xong, Toàn Nhật bước ra sân nhảy lên con ngựa chiến. Ðó là một con ngựa đen tuyền Lữ mới bắt được trong rừng chồi. Từ chối không được, Nhật nhận món quà của Lữ, cảm tạ và hẹn sẽ trả lại khi rời Qui Nhơn. Con ngựa này quả là quí, Nhật đặt tên là Hắc Phong. Khi đã trị đến thuần phục, không cần buộc cương, Hắc Phong chỉ chạy lanh quanh rồi lại về, mũi khụt khịt như khoe sự trung thành với chủ.
Theo đoàn người ngựa lên đường, Nhật thúc chân giục ngựa đi về phía thành. Sau những ngày bận rộn báo tình hình Gia Ðịnh cho Ðức Vua, Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ xếp hẳn một ngày để tiếp Nhật và Tự.
Huệ to ngang, hơi thấp, tay dài đến đầu gối, di chuyển vừa nhanh vừa chắc như một loài nửa gấu nửa vượn. Mặt nổi mụn, mũi sư tử, một mắt to một mắt nhỏ, Huệ nhìn ai cũng tựa như chọc gươm vào đồng tử người đối thoại. Khi nói, miệng Huệ nhếch lên vẻ diễu cợt, nhưng giọng oang oang như trống trận thúc vào tim vào gan khiến nhiều kẻ mất tự chủ, óc tê điếng đi, chân tay bủn nhủn.
Lúc Nhật bước vào thì cả Kỷ và Tự đã có mặt. Huệ đưa tay vẫy, mắt quét một cái nhìn sắc như dao bổ cau, miệng nói như nói với kẻ cố tri khi tái ngộ:
- Toàn Nhật đó hả. Vào đi. Ta đợi lâu rồi!
Nhật khom người, miệng nói:
- Kính chào Thượng công.
Ðứng dậy, Huệ bước lại nâng Nhật lên, nhìn vào tận mặt, cười:
- Tướng quân làm gì mà Chúa Út rủ ta lập hội thí võ để có dịp thử với ba đường kiếm của tướng quân?
Mỉm cười, Nhật kể lại và nhắn xin Chúa Út tha lỗi. Huệ như không biết có Kỷ và Tự ngồi đó, bảo:
- Múa thử cho ta xem!
- Ngay tại đây?
Huệ gật đầu. Nhật lại nghiêng mình như để xin phép, rồi bước lùi ra ba bước. Nhìn Kỷ, Nhật bảo:
- Phiền đại huynh ném cho Nhật một quả cau.
Kỷ chọn một quả, bất ngờ tung về phía Nhật. Ba làn hào quang lóe lên. Cây kiếm đã thu về bỏ vào vỏ, người ta mới nghe thấy ba tiếng động. Quả cau bị chém thành ba mảnh, rơi xuống đất. Huệ cúi nhặt, ghép lại, sửng sốt:
- Nhanh thật. Võ này từ đâu ra?
Toàn Nhật kể lại cái duyên mình gặp gỡ Mishima ở Phố Hiến. Khi nói đến nhát kiếm ân sủng cho Mishima để hoàn thành phép Seppuku, nước mắt Nhật ứa ra.
Huệ hỏi:
- Tại sao Mishima tự tử?
- Mishima lấy cái chết để thuyết phục thầy mình đổi ý, bỏ cổ đại học dựa trên lý tưởng Ðại Hòa tâm, đừng khinh khi giai cấp thương nhân là giai cấp sẽ thay đổi tương lai nước Nhật Bản. Gửi lại cho thầy mấy chữ viết trên mảnh vải bọc đoản kiếm rạch bụng mình: « Ðại Hòa tâm là quá khứ, còn tương lai của Nhật Bản ở phía trước... », Mishima hiến thân để vừa trọn nghĩa với thầy, vừa lại trung trinh với chính mình.
Huệ trầm ngâm, rồi nhẹ giọng:
- Ba đường kiếm này ta đặt tên là Chiêu Hồn kiếm. Ta cầu chúc cho vong hồn Mishima được về nơi cực lạc...
Quay sang nhìn Tự, Huệ bỗng hỏi:
- Ðiều Mishima tin chẳng khác chi với điều thầy vừa nói cho ta nghe là bao nhiêu. Thầy có dám chết cho tư tưởng thầy không?
Câu hỏi đến bất ngờ như một cơn bão. Kỷ mấp máy môi định đỡ lời thì Huệ trừng mắt. Huy Tự cúi xuống nhìn sàn nhà, lấy chân di lên, im lặng một hồi lâu. Huệ thản nhiên đợi. Tự cuối cùng thua, lên tiếng trước:
- Thượng công hỏi, nếu ý muốn Tự này trả lời là dám chết như Mishima thì Tự bảo không. Không bao giờ. Nhưng nếu câu hỏi của Thượng công là có dám sống cho tư tưởng của mình không thì Tự xin nói ngay là dám. Sống như vậy khó lắm, nhiều khi khó hơn cái chết!
Vỗ bàn cười ha hả, Huệ kêu lên:
- Thầy nói trúng ý ta mất rồi. Phải, ai cũng chết thì ta làm sao một mình làm hết được. Ðúng, dám sống để làm... Ðược, được lắm!
Nhật ngước mắt nhìn Huệ. Ðược, được lắm! Câu nói bật ra khỏi miệng như lời kẻ cả, dưới mắt là đám thuộc hạ vì « ta làm sao một mình làm hết được ». Nhật lạnh lùng:
- Nhưng Thượng công muốn làm gì mà sao lại một mình thì không làm hết được?
Huệ không cười nữa, nghiêm nghị nói:
- Ðầu tiên, ta muốn chấm dứt cuộc nội chiến Nam - Bắc đã hơn trăm năm nay. Yên được cũng mất năm đến mười năm. Còn lại, ta chỉ sống có thêm mười năm để đặt những hòn gạch đầu cho một kỷ nguyên mới...
Tự cắt lời:
- Một kỷ nguyên mới hay một triều đại mới.
- Kỷ nguyên mới. Còn một triều đại, dẫu vua quan có mới, thực chất vẫn là cũ. Vì thế, thầy phải giúp ta!
Huệ quay sang nhìn Kỷ, nói như dặn dò:
- Ông xếp đặt cho tôi thế nào để thầy Tự và « anh chàng rậm râu » này hễ vời vào là phải có ngay.
Cặp mắt lóe lên như thép tôi, Huệ nhìn về phía Tự và Nhật, giọng khẩn khoản nhưng ẩn ý buộc người nghe vào điều mình muốn:
- Ðừng phụ lòng ta nhé...
Ôm vai Nhật, dùng cách gọi của Chúa Út, Huệ nói nhỏ: «... này «rậm râu », có thí võ thì nhẹ tay cho đứa em gái độc nhất của ta. Tốt nhất là thua nó. Bề ngoài nó cường ngạo, nhưng trong thì... »
Quân hầu bỗng xộc vào, ghé nói nhỏ vào tai Kỷ. Kỷ đến bên Huệ, báo:
- Hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh xin tiếp kiến.
Thoáng cau mày, Huệ lẩm bẩm «... lại nói chuyện đánh Phú Xuân chứ gì! ». Nâng Tự và Nhật đứng dậy, Huệ cười như không có chuyện gì, dắt tay hai người đi về phía cửa sau, vừa bước vừa nói:
- Mới bắt được một con trăn, ta bảo nội nhân làm một bữa để chúng mình đánh chén tối mai. Nhớ nhé - Huệ lại nói - đừng có phụ lòng ta...
Ði ra khỏi tư dinh Long Nhượng, hai người thả bộ lững thững, giắt theo con Hắc Phong theo. Nhật hỏi:
- Nguyễn huynh đã gặp giáo Hiến chưa?
Tự lắc đầu. Nét mặt đăm chiêu, Tự nói nhỏ:
- Nhưng chắc không cần nữa! Huệ nhìn xa như thế thì điều giáo Hiến nghĩ ở đằng sau như quá khứ - nhếch miệng cười, Tự mượn lời Mishima - mà tương lai Ðại Việt thì ở trước mặt...
- Nguyễn huynh định thế nào?
- Ta vốn là người tự do, chịu ràng buộc vào Tây Sơn là vì mong xây một kỷ nguyên mới. Huệ nói đúng. Có làm được thế thì cũng phải trên dưới mười lăm, hai mươi năm. Còn chú em? Chẳng lẽ bỏ cả đời để đi tìm Trọng Thức à?
Chỉnh che miệng nhổ bã trầu, tay với cốc nước chiêu một ngụm, rồi thủng thỉnh:
- Trình Thượng công, Bắc hà như sung ủng vắt vẻo trên cây, chỉ với tay khẩy là rơi. Việc đánh Phú Xuân quá dễ. Ba vạn quân Trịnh dưới tay Phạm Ngô Cầu không khác một lũ phường tuồng. Có đánh chác được chăng liệu chỉ một mình Hoàng Ðình Thể. Thể xưa kia dưới trướng quận Việp rồi quận Huy nên Chỉnh biết rõ như người trong nhà. Thượng công giao phó, tôi sẽ kéo hắn về, không mất một mũi tên, một hòn đạn...Cánh quân của Tiết Chế đi đường biển vòng ra chặn đường về Bắc ở Bố Chính đủ để khiến họ hàng ta. Xung lính vào cơ ngũ Tây Sơn, nhưng cắt họ mỏng ra ráp vào từng bộ phận để ngừa, cho phép ta lập một đạo binh từ sáu đến bảy vạn người. Chỉ nghe tiếng chân quân ta, quả sung kia tự nhiên sẽ rụng...
Huệ đăm chiêu, rồi hỏi:
- Cơ nghiệp người ta đã hai ba trăm năm nay, lấy làm sao lại dễ như quan Hữu quân nói? Ta không lo chuyện quân, nhưng lo là lo bình định yên lòng người... Cổ ngữ bảo « con ong có nọc » chớ nên khinh thường!
- Phất ngọn cờ « phù Lê - diệt Trịnh », Thượng công ắt mang chính danh về mình.Ai cũng biết Chúa ép Vua hai trăm năm nay. Hiện giờ, Trịnh Tông vừa yên được lũ Kiêu binh, nhưng trái lời cha, giết em là Cán, tức cũng chẳng khác gì tiếm ngôi chúa.
Huệ ngắt lời:
- Ðám võ quan có Ðinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ là đáng kể. Về phần quan văn, có ai?
Chỉnh ung dung:
- Nhưỡng hữu danh vô thực, lại cho lính đi cướp bóc, không khác gì một tay lục lâm. Cơ khá hơn, nhưng nay già rồi, cả đời phải làm ngơ chuyện Chúa ép Vua vì sợ oai Trịnh Sâm. Tông nông nổi, lại không có dũng, chẳng thể nào áp đặt được Cơ. Quan văn có Phan Huy Ích, Nguyễn Ðình Giản và Bùi Huy Bích. Họ là loại thầy đồ nói khoác, chuyên về từ cú, bẻ nét chữ uốn câu văn.
Huệ lắc đầu:
- Không, không được. Lấy Thuận Hóa và Bố Chính, ta chỉ dựng lại cái giới biên Nam - Bắc ở sông Gianh, chẳng một ai dị nghị. Ði xa hơn thế việc chẳng đơn giản...
Chỉnh hấp tấp:
- Thượng công không phải ngại một ai. Chỉnh này về đây thì Bắc hà là nước bỏ trống...
Nhìn tia mắt Huệ lóe lên, Chỉnh biết mình lỡ lời. Huệ đứng dậy, bước ra cửa sổ, mắt hướng về phía núi Chúa. Chỉnh bước theo, hạ giọng:
- Trước đây, những Lê Duy Mật, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất có dấy binh phù Lê, nhưng số họ Trịnh chưa hết nên không ai công thành. Nay xét trong địa ký họ Trịnh, có câu « Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ. Truyền hai trăm năm, buồng nhà dấy vạ ». Từ Thái Vương Trịnh Kiểm cho đến Tĩnh đô Trịnh Sâm là vừa đúng hai trăm năm, rồi tiếp đến là việc phế Tông lập Cán, vạ đã dấy lên. Phép dụng binh có ba: một là thời, hai là thế, ba là cơ. Cả ba đều trỏ đường quân ta ra Bắc hà, Thượng công chớ bỏ lỡ dịp...
Huệ bất thần quay lại:
- Dụng binh thì thế, dụng nhân thì sao?
Ngạc nhiên, Chỉnh lùi lại một bước, cúi đầu thưa:
- Kẻ ngu hèn này chưa hiểu ý ngài!
Cười giả lả, Huệ chậm rãi:
- Lấy Bắc hà thì được. Ở lại Bắc à, khó. Ta ra nước ông rồi về, nước ấy trống, chắc ông chẳng theo ta, ở lại mà trông nom. Ta lấy được gì? Còn ông, ông lấy cả nước... Thế ông có chia gì cho ta không?
Không đợi Chỉnh trả lời, Huệ nhỏ nhẹ:
- Ấy là vui miệng nói đùa thôi. Việc trước mắt là Phú Xuân, lần này để ông lập công lớn đã rồi hãy tính về sau... Ông cứ tiếp tục việc đã bàn, tối mai ta đãi ông một bữa thịt trăn. Ông sẽ gặp lại dăm ba cố nhân, chắc lẽ vui lắm!
Ðúng lúc đó, Kỷ vào báo việc Phú Xuân. Quay ngoắt bước ra ngoài, Huệ nói với vào:
- Quan Hữu quân, ông đến đây là trời cho Tây Sơn, đừng phụ lòng ta nhé...
Kéo Kỷ theo, Huệ nhăn mặt, nghĩ thầm « Nó coi ta như thằng ngu hay sao mà bẻm mép để trục lợi! ». Bước dăm bước, huệ quay sang Kỷ, vỗ vai dặn:
- Ta sẽ có mấy tháng tới này không phải xuất chinh. Những gì ông cho là hay ho nhưng thực dụng trong sách vở Nho gia, ông chép lấy rồi mang lên đọc cho ta nghe. Sách về binh pháp và thuật Hàn Phi - Thương Ưởng thì khỏi, ta đã nằm lòng rồi. Nhưng cấm không được mang thơ phú ra làm loạn đầu ta. Nhớ đấy, phải thực dụng...
Mùng ba Tết, hàng dân Qui Nhơn lũ lượt kéo nhau đến quảng trường nằm ven bờ sông Côn để xem diễn võ. Khán đài quay mặt ra sông, chung quanh có cắm những bức trướng toàn một màu đỏ của binh đội Tây Sơn. Giữa khán đài, người ta đặt một cái ngai phủ da báo để Vua Thái Ðức ngự, chung quanh xếp những hàng ghế dành cho thân hào và những võ quan của triều đình theo thứ bực trong quân ngũ. Khi Ðức Vua đến, tiếng trống trận liên tu nổi lên làm vang động núi rừng. Tiếp đó, là tiếng quân reo, hết binh đội này đến binh đội kia, cứ từng chập rộn rã, kiêu hùng. Nhạc mặc hoàng bào, đai giắt kiếm, tay cầm binh phù, đứng lên chúc Tết quân dân Qui Nhơn. Dứt lời, dân cùng nhau hò lên « Vạn, vạn tuế ». Hai bên Nhạc là Lữ và Huệ, người anh hùng vừa đuổi hai vạn quân Xiêm. Khi Huệ bước ra hô quân, dân Qui Nhơn lại hò lên reo mừng. Nhạc giơ tay ra lệnh cho hội diễn võ bắt đầu.
Phần khai mào, là thi đánh trống trận. Người ta đánh bảy trống, rồi chín cho đến ba mươi sáu chiếc trống lớn, trống con được xếp cao thấp khác nhau, theo những bộ vị mỗi lúc một phức tạp. Người dự thi cầm hai chiếc dùi, nhưng có thể dùng cả đầu, khuỷu tay, chân và đầu gối để thúc vào trống theo những bài võ. Tiếng trống lúc khoan, lúc nhặt, lúc lại ầm ầm như sấm động. Kèm vào là tiếng hét của võ sĩ, tiếng hò của lính khiến người nghe choáng váng, có kẻ chịu không nổi ngã phục xuống đất.
Ðến phần biểu diễn trận thế, Nguyễn Lữ giới thiệu đội Du binh Tiền kích dưới quyền chỉ huy của Võ Toàn Nhật. Du binh bày thế tam giác, dùng dáo dài buộc tua đỏ, tiến thoái rất nhịp nhàng. Thằng bé gia nô nhà Danh Kỷ, tên là Thuấn, cũng được tham gia. Nghe nó hô lên một tiếng, người ta thả một con chồn vào giữa trận. Con chồn chạy lồng lên, nhưng chạy đến đâu cũng bị những mũi dáo chìa ra chặn đầu. Từ số hai mươi mốt người, phạm vi của tam giác thu hẹp dần, còn mười lăm, rồi chín... cho đến khi chỉ còn ba người thì con chồn bị ba mũi dáo kề vào, không còn nhúc nhích được. Hàng dân vỗ tay nổ như bắp rang, miệng hò lên tán thưởng.
Nhật cúi đầu cảm tạ, rồi lại phẩy tay ra lệnh. Lần này, du binh biểu diễn cách đánh trên cao. Ðối tượng phải đạt đến là đốt những bánh pháo cao bảy tám đầu người. Sau tiếng quát của Nhật, một toán mười ba du binh thoăn thoắt chạy đến trước một chiếc sào. Bốn người dang tay tạo thế để ba người khác nhảy lên vai. Những người sau phóng theo, nắm lấy tay những kẻ ở dưới, nhẹ nhàng đặt chân lên vai kẻ ở trên cho đến khi chỉ còn đúng một người, miệng ngậm bó đuốc, tay cầm lấy châm vào dây pháo. Họ lại thoăn thoắt nhảy xuống, và tiếp tục chạy đến chiếc sào thứ hai. Cứ thế, pháo liên tiếp nổ không ngừng, xác đỏ bay tung lên trời lả tả tựa những bông đào rơi xuống như mưa.
Ghé vào tai Lữ nói xong, Nhạc nhìn về phía Toàn Nhật, quát lớn:
- Lại đây!
Cúi đầu vái Nhạc, Nhật giữ lễ không nhìn lên. Nhạc bước xuống, đưa một chén rượu cho Nhật, miệng nói:
- Giỏi, giỏi lắm!
Ðứng bên cạnh Chúa Út, Huệ cười ha hả, nói:
- «Vua anh » chưa biết, tí nữa Võ tướng quân sẽ thi võ với Chúa Út đấy!
Nhật khẽ ngước lên nhìn. Ðăng Vân chu miệng, chiếc răng khểnh lại lộ ra trêu chọc, nhìn lên trời, khinh khỉnh:
- Bây giờ rõ là thuộc hạ nhà Tây Sơn, nói không nghe thì nọc xuống đánh!
Nhật bực mình, sẵng giọng:
- Võ nghệ là để dẹp giặc cứu đời, không phải là trò trẻ. Tôi không thí võ.
Chúa Út ghé vào tai Nhạc, phụng phịu, tay giựt áo. Nhạc nhìn Huệ, nhìn Lữ. Vẫy tay lấy thêm một chén rượu, Nhạc đưa cho Nhật, nói lớn:
- Phải thí võ. Mi không nghe Vua mi à?
Huệ nháy mắt với Nhật, diễu cợt:
- Hay là tướng quân khinh đàn bà con gái nhà ta? Ðăng Vân đánh roi nổi tiếng cả một vùng, tướng quân không thí võ thì chắc nó nọc xuống đánh thật đấy. Giọng khích bác, Huệ tiếp - mà có thí võ, chắc tướng quân cũng bị nó quất vào đít. Ðằng nào cũng vậy, chỉ bị đánh nhiều hay ít mà thôi!
Không nói không rằng, Chúa Út nhảy xuống đất, tay cầm cây roi vút vào không khí, đi một mạch bước lên võ đài đứng chờ. Tiếng loa gọi tên Nhật vang lên. Nhật vẫn đứng đó, không biết tiến thoái thế nào. Hàng dân đợi lâu la ó. Nhạc giục, Lữ đành ra lệnh:
- Võ tướng quân! Ðây là quân lệnh: mời tướng quân lên võ đài...
Ði qua mặt Huệ, Nhật lại nghe tiếng diễu cợt «... nhẹ tay nhé, có đánh thì đánh yêu thôi. Ta có mỗi một đứa em gái đấy! »
Quả khế bằng sắt buộc đầu roi của Ðăng Vân được gỡ ra thay bằng một quả cầu bằng gỗ để tránh gây thương tật. Về phần Nhật, người ta đã làm sẵn một thanh kiếm gỗ, sống kiếm làm bằng những thanh nứa buộc tròn lại với nhau. Giám võ dặn dò, chỉ được đánh tới là ngừng, không hạ thủ, rồi đứng sang một bên. Nhìn Ðăng Vân vênh váo, tay cầm roi, Nhật trêu:
- Công nương có roi thật, thuộc hạ thì kiếm giả, bất công thế mà coi được à? Nếu thuộc hạ có kiếm thật thì cái roi kia chỉ chớp mắt thành ba khúc, công nương thành tay không ngay...
Vứt thanh kiếm gỗ vào góc đài, Nhật tiếp:
-... cái này vô dụng, chỉ vướng tay. Thôi, Công nương ra tay đi, Nhật này xin bồi tiếp.
Chúa Út không ngờ diễn biến, bực bội quát:
- Ðưa cho hắn một cây kiếm thật!
Giám võ quì xuống, lắc đầu:
- Lệnh của Long Nhượng tướng quân, không được...
Chúa Út nghiến răng, vứt roi xuống đất, gằn giọng:
- Ðánh tay không vậy. Công bằng chưa?
Nhật nhảy lùi ra sau, lại trêu:
- Ở nước tôi, « nam nữ thụ thụ bất thân ». Vậy cũng không được!
Hàng dân đợi, sốt ruột, lại rủ nhau la ó. Ðăng Vân nhặt roi, giận quá, vung lên thì Toàn Nhật đã nhập nội khiến roi mất tác dụng. Vân lùi, Nhật lại tiến, giữ khoảng cách vừa đủ để Vân không thể vung lên đánh. Hai người cứ xoay qua, xoay lại mà Vân không ra được đòn, nhìn từ xa như đang chơi trò múa may. Hàng dân lại la ó. Nhật cười, mình tựa vào roi, bỗng hất người nhảy lộn một vòng xuống đất như bị roi gạt ngã. Hàng dân vỗ tay. Nhật lùi ra, nghiêng mình, nói mỉa:
- Công nương đã thắng thuộc hạ thật là vinh quang. Giả sử thuộc hạ có kiếm, cũng đành phải bó tay.
Giận quá, Vân nhổ vào Nhật. Chàng vừa đảo người đi tránh nước bọt thì Vân đã bổ một roi vào đỉnh đầu. Nhật sợ, đưa tay lên bắt quả cầu gỗ, xoay tròn người theo vòng cong chiếc roi, không ngờ Vân cũng lao vào, bỏ roi, thúc khuỷu tay phải vào họng Nhật, tay trái tát vào thái dương. Nhật tắc thở, mắt nổ đom đóm, quay lơ một vòng rồi ngã xuống đất.
Giám võ chưa kịp nhảy lại thì Ðăng Vân đã la trời lên, hốt hoảng nhảy đến bên Nhật. Nhũn người ra, Nhật mấp máy môi như muốn gọi. Ðăng Vân gào:
- Y quan, đến mau, đến mau lên!
Nước mắt vòng quanh, Ðăng Vân xốc đầu Nhật lên, miệng gọi:
- Dậy đi, dậy đi... Cho ta xin lỗi.
Lúc ấy, Huệ cũng đã nhảy lên võ đài. Vạch mắt Nhật ra, rồi bất ngờ thò tay kẹp vào mạch môn, Huệ thấy rõ ràng nội lực phản kháng của Nhật theo bản năng bật ra. Ðẩy Ðăng Vân ra, Huệ quát nhỏ:
- Làm hại một võ tướng của ta mất rồi! Mau sai người khênh Nhật về nhà...
Ðăng Vân luống cuống khóc òa lên rồi chạy đi gọi gia nhân. Lúc ấy, Huệ mới ghé tai Nhật thì thào:
-... Cứ giả vờ thêm chút nữa. Ðợi về gặp mẹ ta rồi hãy tỉnh lại. Nhớ nhé. Ðừng có phụ lòng ta...
Nhật mở mắt nhìn Huệ, cắn răng lại nhịn cười, rên hừ hừ, mặc cho người ta cáng đi.
Nhìn người thứ thiếp tên là Thược nằm thoi thóp, mặt tái bệch, mắt nhắm nghiền, Phạm Ngô Cầu buông một tiếng thở dài. Ðã ba tháng nay, Cầu chạy hết thầy hết thuốc mà bệnh tình Thược vẫn không hề giảm thuyên, lại như có phần mỗi lúc một nguy kịch. Sáng nay, một chiếc thuyền khách từ Ðàng Ngoài chở theo trà, cao hổ cốt và thuốc men vừa ghé vào bến sông Hương. Chủ thuyền là Hồ Cẩm, một người Hoa ngụ ở phố Thuốc Bắc trong Kinh, vào thành bắt mạnh cho Thược. Ông ta lắc đầu, nhìn chăm chăm vào mặt Cầu, rồi nói:
- Bà đây bệnh là đang ghé vai chịu gánh nặng cho đức Thượng quan. Hắc khí ở gò Thái âm trên mặt Thượng quan đang từ từ sang đóng vào cung Ách, bà không bệnh nặng thì mạng Thượng quan chắc đã nguy rồi...
Cầu hốt hoảng:
- Vậy phải làm sao?
Hồ Cẩm hỏi xem lá số tử vi của Cầu. Ngồi chép miệng, bấm ngón tay tính đi tính lại, Cẩm gật gù:
- Mệnh của Thượng quan chủ là Liêm - Sát, chính chiếu có Tham Lang, Vũ Khúc đều đóng ở cung Sửu, phụ chiếu có Phá Quân ở Dậu. Ðại hạn này vào Hợi, chính tinh là Thiên Phủ, trên có Tử Vi chiếu vào. Ðó là thế Tử Phủ triều viên. Mệnh Sát Phá Liêm Tham, làm quan biên phòng, oai trùm một đất là đúng. Ðại hạn đẹp như thế, nên mười năm nay, tài vận, lộc lợi vào như nước chảy chỗ trũng. Xét đến tiểu hạn, đóng cung Nô, quả là có Kình, Ðà ở giữa, Phục Binh, Ðịa Không, Ðịa Kiếp bàng chiếu rồi lại thuộc Mộc, nên khắc với Hỏa là hành của cung Mệnh. Cung Nô là nơi bà thứ thiếp cư, kỵ với Mệnh của Thượng quan vốn quá mạnh, lại thêm Kình Ðà, Không, Kiếp nên ốm mà chưa chết là còn may. Muốn cứu mạng, chẳng thuốc thang gì được! Phải cúng giải sao đi, nhưng tốn kém phiền phức lắm! Thượng quan cũng cẩn thận, sao Phục Binh đóng ngoài, lại chính chiếu, dễ bị phản. Nhưng chắc không sao, binh ngoài tướng trong. Phục Binh đóng ở Tiểu hạn phá phách một tí, chẳng có gì là đáng ngại.
Nắm lấy tay Hồ Cẩm, Cầu rối rít:
- Thầy giúp cho, tốn kém bao nhiêu tôi cũng chịu.
Cẩm lại lắc đầu:
- Trình với Thượng quan, sức tôi một mình không đủ. Tôi phải đi cầu thêm một người đồng môn là Trương Tú Anh. Vả lại giải Không, Kiếp, Kình, Ðà phải trấn ở ngũ hành, cần người làm âm binh chận ma quỉ...
Gần như van lơn, Cầu thì thào:
- Ông đừng lo, người thì quân lính Phú Xuân thiếu gì, ông cần bao nhiêu cũng có...
Lúc ấy, Hồ Cẩm mới nhận giúp, với điều kiện là Cẩm được phép độc quyền bán thuốc ở Phú Xuân. Chia tay, Cẩm vái Cầu, hẹn đợi đến trăng tròn, rồi cắt đặt công việc làm đàn giải sao trước khi đi vời Tú Anh. Phạm Ngô Cầu mừng lắm, lại nhớ lại bức thư vừa bắt được tuần trước, lòng hết sức bội phục Cẩm. Bức thư đó do Cống Chỉnh, kẻ đã hàng Tây Sơn, viết gửi cho Phó tướng Hoàng Ðình Thể. Miệng lẩm bẩm «... Ðúng là sao Phục binh! », tay lại mở bức thư ra, Cầu lẩm nhẩm đọc lại: «... Nay khí vận họ Trịnh đã kiệt, Tây Sơn là đất có mạch đế vương. Ta đã như lời tiến dẫn Hoàng lão hữu, nhớ tình xưa cùng hãn mã dưới trướng Huy quận công, từng ngày từng giờ mong sẽ lại cùng nhau dựng lên nghiệp lớn ». Châm nến lên đốt bức thư đi, Cầu chậm rãi đến bên giường Thược ngồi xuống, tay vuốt má, bần thần, im lặng.
Vào trung tuần tháng năm, Cẩm kéo Tú Anh vào dinh Phạm Ngô Cầu. Theo lệnh Cầu, năm đội quân mỗi đội gồm chín mươi chín người trai tráng ra đóng ở chung quanh chùa Thiên Mụ đúng bộ vị theo ngũ hành. Cẩm ngồi ở trung ương đàn giải sao, phất cờ cho quân di chuyển, theo âm dương phù hợp với đồ hình bát quái. Họ thao tập như vậy hai ngày liền. Ðến ngày trăng tròn, đàn giải sao chăng đèn kết hoa, vàng mã, hương trầm đốt lên, ngựa giống, voi giấy sắp đầy sân, cứ mỗi thứ có bốn mươi chín con đủ loại. Trương Tú Anh là con đồng trung gian giữa thượng thiên và hạ giới, tóc xõa dài đến gót, ngồi đảo theo tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng phách và tiếng kèn tầu. Lễ giải sao bắt đầu từ giờ Hợi, kéo dài suốt đêm cho đến giờ Mão hôm sau, và cứ như thế bảy ngày bảy đêm liền. Vào giờ Tí, Phạm Ngô Cầu và Thược phải ra trình thượng thiên, mặc áo trắng, tóc trần, ngồi đọc thần chú cho đến giờ Dần. Sau đó, quân ở bộ vị Kim, Mộc, Thủy, Hỏa cho đến Thổ cứ lần lượt đồng thanh hét vang những câu chú cho đến giờ đầu giờ Sửu. Thành Phú Xuân gần như chẳng ai ngủ được, trong khi đó, mặt trăng lu dần nhường chỗ cho cả một trời sao óng ánh sáng long lanh mê hoặc.
Ðến ngày thứ năm lễ giải sao, thám báo về trình rằng quân Qui Nhơn chiếm đỉnh Lũy đèo Hải Vân. Lúc ấy, không ai biết rằng đội Du binh Tiền kích đã vào bám chặt lấy những trọng điểm của Phú Xuân từ lúc Hồ Cẩm và Tú Anh vào thành. Hoàng Ðình Thể vào dinh đòi gặp, nhưng Cầu quá mệt mỏi vì tế lễ, không cho vào. Thể quát lớn: «... giặc Quảng vào, phải kéo cờ điều, và đánh ».
Súng đặt trên mặt thành bắn ra khiến chiến thuyền Tây Sơn trên sông Hương không vào sát được chân thành. Huệ lùi quân, ra lệnh đợi nước triều dâng lên ban đêm. Trong khi đó, quân bộ Tây Sơn đã vượt Hải Vân bao vây bốn mặt.
Thể quyết định mang một số quân ra đóng ở ngoại vi Phú Xuân. Nửa đêm, hàng trăm chiến thuyền Tây Sơn theo nước triều dâng nhắm chân thành tiến vào. Súng thần công đặt trên thuyền cứ từng đợt bắn ào ạt, tiếng nổ như sấm động làm hàng dân hoảng hốt xô nhau chạy. Quân Tây Sơn đổ bộ lên mặt thành phía đông, đẩy lùi lính Trịnh vẫn còn ngơ ngác trước diễn biến đột ngột. Thể cố sức đánh, nhưng thế yếu, phải xoay lưng vào thành tìm thế cố thủ.
Phạm Ngô Cầu như tỉnh một giấc chiêm bao, đi tìm thì Hồ Cẩm và Tú Anh thì họ đã đi đâu mất. Ðứng giữa đám ngựa giấy, voi giấy và đám chiến binh đã kiệt sức sau bảy đêm quần nhau với âm binh chặn đóng ở ngũ hành, Cầu tái mặt, chợt hiểu là sao Phục binh đóng ở cung Nô quả là có độc.
Chạy vào dinh trung quân, Cầu có cảm tưởng như đám vệ sĩ đã thay hình đổi dạng. Toàn Nhật bỗng xuất hiện như một vị thiên tướng, xốc lại, tay nắm vào yết hầu Cầu, miệng nói rành rọt:
- Xin ngài yên tâm, tùng phục thì ngài bình yên. Quân Tây Sơn đã vây chặt thành, ngài theo ta, mang theo cờ bạc, phất lên thì ngài an toàn, lại cứu vớt được sinh mạng của lính...
Hoàng Ðình Thể chống cự kịch liệt, bỏ mạng sau khi quay vào, nhưng cửa thành Phú Xuân đã đóng chặt. Ðội Du binh tiền kích dàn ra giữ cửa dưới, trong khi trên mặt thành, cờ bạc phất lên trong tiếng khóc nức nở của một vị tướng già bị sao Phục binh ở cung Nô đánh gục.
Dưới chân đèo, những cơn gió như đeo đá trĩu nặng lùa cái nóng hầm hập làm sôi da bỏng thịt. Mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu làm búa giáng thẳng xuống thế gian cho xây xẩm mặt mày. Ðám cận vệ kéo áo hở phanh, mắt nhìn về phía có khói bốc lên, miệng reo « Thành cháy, thành cháy rồi! ». Thản nhiên như chẳng có chuyện gì, Huệ kéo Tự bước đi dăm bước. Ðưa mắt nhìn giải mây trắng bồng bềnh trên trời, Huệ hỏi Tư, giọng trầm ngâm:
- Thầy tính thử xem bao giờ thiên hạ mới thái bình?
Lắc đầu, Tự mỉm cười. Nhìn nước suối chảy xoáy vào những tảng đá nằm dọc ven sông, Tự thủng thẳng, nhìn sang Huệ, nói:
- Thượng công nhìn xem, cũng dòng chảy này, cũng tảng đá đấy, mà xoáy nước thì khi to khi nhỏ, khi tròn khi méo. Cũng như việc đời, ai mà tính toán hết được. Nhưng có một lẽ không sai được: nước xuôi xuống dưới không bao giờ ngược nguồn đi lên.
Triều đại quân chủ nào, Tự nghĩ thầm, xưa nay cũng chỉ tồn tại được hai, ba trăm năm. Thăng Long thì cằn cỗi, sinh khí không còn, chỉ độc mưu mô mua danh chuộc lợi lòng vòng trong đám quan chức. Phú Xuân lại buông tuồng, xa hoa, cũng theo vết xe đổ mà đi. Trong khi đó, hàng dân xiêu tán, nghề nông không còn khả năng nuôi miệng, chỉ còn đường Nam tiến. Nhưng đất đai từ Bố Chính đến Phú Yên chẳng được mầu mỡ, dân số lại tăng lên vùn vụt, nông nghiệp thế nào rồi cũng chỉ đến mức tự cung tự cấp, tay làm hàm nhai là hết. Làm dân, rốt cuộc là không có gì. Vậy thì làm giặc là có hy vọng, hễ được thì nên vua, mà lỡ thua thì nào có gì để mất! Thiên hạ muốn thái bình? Thái bình sẽ chỉ có được khi hàng dân còn cái gì để mất khi bỏ đi làm giặc. Nghĩa là họ phải giàu có lên. Chỉ nghèo đói mới thành giặc dã. Muốn giàu lên, phải làm sao? Ði tìm đất mới để làm nghề nông. Cuộc Nam tiến là sự kiện hiển nhiên, gần như là việc buộc phải làm vì lẽ tồn sinh. Nhưng không chỉ có vậy. Tự hắng giọng:
- Miền Nam đất còn rộng, người lại thưa. Ði về đó, tựa như nước xuôi xuống dưới hạ nguồn. Nhưng ta không thể chỉ dựa vào nghề nông. Ở đó, sẵn có số người Minh Hương, một ít giáo sĩ Tây dương, và thuyền bè Anh, Bồ, Hà Lan đã lui tới. Như vậy, điều kiện mở rộng thương nghiệp tương đối thuận lợi. Nền thương nghiệp đó tương trợ, thúc đẩy nền công nghiệp theo thế ỷ giốc, làm đòn bẩy đẩy cả nước tiến theo...
Huệ nhìn lên thành Phú Xuân, triền miên trong niềm suy tư, tay mân mê đốc kiếm. Trên đỉnh thành, cờ đỏ Tây Sơn đã phất phới bay. Chợt Trần Danh Kỷ cùng hai tên quân tới. Danh Kỷ vừa cười vừa nói:
- Rước Thượng công vào thành.
Huệ khẽ gật đầu, quay sang, nói vào tai Tự:
- Thầy nhìn đúng, nhưng phải cho ta thêm dăm ba năm. Dựng nước khác, dĩ nhiên. Nhưng cũng giống đánh bạc, đi buôn, ở chỗ cần có vốn. Ta hiện nay vẫn còn trắng tay nên phải đợi...
Dẫn đầu đám cận vệ, Huệ phóng ngựa, chân thúc vào hông không thương xót, miệng mím chặt. Khi cả đoàn vào đến cửa thành, lính Tây Sơn vừa reo vừa đánh cồng, tiếng vang vọng đến tận ngả Ba Sình. Bước lên thềm vào chính điện, Huệ theo Kỷ đi thẳng đến chiếc ghế bành, mắt đảo một vòng, rồi ngồi xuống. Quay sang nhìn Kỷ, Huệ nói:
- Này, ông theo phò ta bao lâu rồi nhỉ?
- Trình Thượng công, xấp xỉ năm năm…
- Vào đến đây rồi, ông đâu cần che dấu ai nữa. Từ nay ta phong ông là Trung Thư, lệnh ta ông truyền xuống, đừng phụ lòng ta!
Như không nhìn thấy Phạm Ngô Cầu đứng ủ rũ bên cạnh hai du binh, Huệ cất lời khen thưởng quan quân Tây Sơn, tiếng oang oang như trống trận. Vẫy tay cho điệu Cầu đến trước mặt, Huệ hỏi:
- Quân Bắc Hà từ Phú Xuân đến Bố Chính có bao nhiêu?
- Hai vạn.
- Sai! Còn một vạn mốt. Quân của Tiết Chế Nguyễn Lữ đã lấy Bố Chính cách đây ba ngày, có năm nghìn đã xung vào đội ngũ Tây Sơn rồi.
Huệ đứng dậy, đến bên Cầu, mắt nhìn tròng trọc:
- Bây giờ ta có để ngài đi, ngài cũng chẳng thể tụ quân chống ta được. Cho ngài về Bắc, chắc cái tội để mất Thuận Hóa khiến Chúa Trịnh chém đầu ngài. Phải chi ngài theo ta, vẫn giữ được quan tước, lại tránh cho máu đổ trên đường quân ta đi...
Ngước mắt lên nhìn Huệ, Cầu cắn môi, khe khẽ lắc đầu, nước mắt nhỏ ròng ròng, chảy xuống đọng trên chòm râu bạc cứ tức tưởi rung lên. Nhìn theo Cầu cúi đầu uể oải bước đi, Huệ lắc đầu chép miệng. Kỷ đã làm sẵn, mở ra đọc chiếu « Chiêu An » gửi đến dân quân Thuận Hóa, kêu gọi lính Trịnh bỏ giáo qui hàng, kẻ nào muốn về quê quán thì cấp lương cho về. Nhìn tả hữu, Huệ hỏi:
- Quan Hữu quân, ông thấy tờ chiếu viết thế được chưa?
Chỉnh ngẫm nghĩ:
- Trong chiếu chỉ nói đến diệt Trịnh, chưa đả động đến phù Lê!
- Ta lấy Thuận Hóa là đất Nam Hà từ trăm năm nay, có dính gì đến bờ cõi của nhà Lê mà phải phù? Còn quan Tả quân nghĩ thế nào?
Kẻ đứng bên trái là Vũ văn Nhậm, người cao lớn, râu mép lưa thưa, bước lên một bước rồi vòng tay thưa:
- Nhậm này thấy rằng có thêm chữ phù Lê cũng hay!
Huệ bật cười sang sảng, vỗ tay:
- Ta đang muốn ngao du một chuyến, thế là cũng đúng ý hai ông. Phiền nỗi là mệnh của « Vua anh » lại không cho phép!
Chỉnh nhỏ nhẹ:
- Cổ nhân có nói « Tướng ngoài, mệnh Vua có khi không cần theo ». Ra Bắc hà, Thượng công dựng công nghiệp không mấy đời có. Ấy là công lớn, nằm trong tay mà bỏ lỡ, sau đây anh hùng trong thiên hạ nghĩ thế nào?
- Vậy thì ta thêm vào hai tiếng phù Lê, «Vua anh » có bắt tội, các ông phải chịu chung với ta nhé! Ha, ha... Phiền Hữu quân sửa soạn, ta trù hai ngày nữa Hữu quân đem đội Tuyển Phong vượt vào cửa Ðại An, đánh lấy kho lương Vị Hoàng. Qua Thanh - Nghệ, Hữu quân tung du binh, gây thanh thế, kìm chân quân Bắc không cho điều động.
Tối hôm ấy, sau khi hội ý với Nhậm và Chỉnh, Huệ một mình bước ra mặt thành Phú Xuân. Trăng treo trên trời, tròn vành vạch như chiếc đèn lồng, hắt xuống mặt đất bóng những rặng cây vừa chứng kiến thêm một chiến tích trên mảnh đất tôi bằng máu lửa này. Hít làn gió đêm mát rười rượi, Huệ gật gù cười nhìn về phương Bắc, chặc lưỡi:
- Nước đục lắm rồi. Ai thò tay xuống trước, kẻ đó có nhiều may mắn vớ được con cá độc nhất sống trong bùn. Có lấm tay, chờ nước trong rồi lại rửa, có sao đâu!
Gọi Toàn Nhật đến, Huệ dặn:
- Võ tướng quân mang đội Tiền Kích, giả làm thường dân, đột nhập Thăng Long nằm yên đó chờ đại quân. Cần thì lại lập lại cái mẹo vừa làm ở Phú Xuân, nhưng để ý trấn giữ thế nào dẹp ngay được đám Kiêu binh... Xưa, tướng quân đã chỉ huy chúng, nay đánh thắng chắc là chuyện dễ dàng!
Nhật vái Huệ kiếu từ, nhưng đến cửa bị gọi giật lại. Vừa cười diễu cợt, vừa thân mật, Huệ nắm vai Nhật:
- Này, anh chàng rậm râu. Mẹ ta bảo rằng Ðăng Vân đến tuổi phải gả chồng. Lẽ ra, nhà trai phải đến hỏi. Nhưng thôi, ta sẽ ghé thăm La Sơn Phu tử, ớm tiếng xem... Ðược không?
Nhật đỏ mặt, lắc đầu:
- Tại sao?
- Thượng công hiểu cho - Nhật ngập ngừng - Ngày nào tôi chưa tìm ra Trọng Thức, tôi không nghĩ đến chuyện tư riêng. Vả lại...
- Vả lại làm sao?
-...
- À, ta hiểu rồi. Nguyễn Thiếp vẫn coi Tây Sơn là mấy tay ấp trưởng như giặc cỏ phải không? Ðược, được...
Nhật bước ra, mũi chợt thoáng một mùi hương quen thuộc. Nấp sau tấm trướng, Ðăng Vân thở dài, nước mắt bỗng ứa ra ướt má. Vừa lúc đó, cánh chim ăn đêm ở đâu đập trong gió khua xào xạc, đánh thức nỗi cô đơn của kẻ mới chớm yêu nhưng chưa biết thế là rồi phải chờ, phải đợi...
Ðứng trên lũy Thầy, bóng Huệ đổ dài, phình ra như bóng một người khổng lồ, chân đạp lên mặt đất nứt nẻ. Từ Bố Chính trở ra, năm nay lại hạn hán, dân đói đã hàng đoàn từ Nghệ An chạy vào, mắt trắng dã, thất thểu dìu nhau đi như những kẻ không hồn. Chẳng cần bắt, đám đàn ông xin xung quân, ít ra là cũng có ngày hai bữa. Ðàn bà trẻ con mất chồng, mất bố đứng nhìn, kiệt lực, khóc không thành tiếng, nước mắt ròng ròng. Tự thưa:
- Thượng công, chiếm Vị Hoàng ta sẽ đủ quân lương. Giờ chia cho dân một ít.
Hướng về phương Bắc, Huệ lạnh lùng lắc đầu, mồm lẩm bẩm: « Nhỡ quân không đủ lương thì đánh chác thế nào. Thừa hơn thiếu, có hơn không ». Nhìn khuôn mặt Huệ gồ lên, cằm bạnh ra như cằm hổ mang, mắt rừng rực lửa có mầu đỏ của máu, Tự biết có nói thêm cũng vô ích. Con người đã dầy dạn chiến trận đứng cạnh căng bật như cánh cung để phóng đến mục tiêu của mình theo đường thẳng của mũi tên bay đi, không mủi lòng quan tâm đến bất cứ gì khác sự chiến thắng. Ðánh cho chắc, thắng cho nhanh, ai chia lương cho kẻ đói để phải chấp nhận may rủi? Bỗng nhiên, Tự xót xa và thấy mình như lạc lõng.
Từ hai hôm nay, Huệ trừng trừng nhìn ra ven biển, miệng thỉnh thoảng lại lẩm bẩm: « Lửa đâu, cháy lên! ». Hữu quân Chỉnh có lệnh đốt lửa làm hiệu, đã cắm những chòi cao chạy dọc vào đến Bố Chính. Quay nhìn Lữ, Huệ thủng thẳng:
- Chú về giữ Phú Xuân. Ta để Huy Tự theo, hai người bàn định việc phía Nam. Ở đó, an dân là chính. Nay Chủng ở Xiêm, thế cùng lực kiệt rồi...
Nhìn vào mắt Tự, Huệ tiếp:
- Vào Nam làm kế lâu dài là ý thầy. Còn ra Bắc, việc đầu là ta thu kho tàng Phủ Liêu làm vốn lớn. Sau, ta sẽ tạo ra cái thế dẫu có vào Ðàng Trong, lúc nào ta cũng có chính danh để trở ra Ðàng Ngoài.
Hôm sau, Huệ không đợi lửa hiệu, ra lệnh phát quân, theo đường thủy đi vào. Ði được nửa ngày, quân Tây Sơn hò reo khi nhìn thấy lửa cháy trên những chòi dọc ven biển. Quân chủ lực đến Vị Hoàng sáu ngày thì gộp lại đông đủ. Trận cửa Luộc, Huệ đánh tan quân thủy của Ðinh Tích Nhưỡng và quân bộ của Ðỗ Thế Dân. Tiến vào phòng tuyến thứ hai, Huệ chỉ huy trung quân, bất ngờ tập kích vào đội lính Trịnh đóng tại bến Thúy Ái. Không đuổi theo đám quân dưới tay Trịnh tự Quyền đã tan rã, Huệ sai Nhậm và Chỉnh tập trung chủ lực thọc mạnh vào Thăng Long.
Ðoan Nam Vương Trịnh Tông tức giận cách chức Tể Tướng Bùi Huy Bích, bắt phải ra trận đốc chiến. Nhìn một ông nghè đầu bạc run rẩy lên đường, lòng người lại nôn nao. Tông muốn ra khỏi thành lánh giặc, nhưng bồi tụng Trần Công Sán cản lại, và khuyên Tông kéo Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ từ Sơn Tây về. Là hổ tướng, Cơ liền lấy trước năm nghìn lạng bạc để chiêu quân, gọi được hơn nghìn thủ hạ ra đóng ở hồ Vạn Xuân. Tây Sơn đổ quân đến bến Nam Dư. Cơ biết, nhưng cho phép quân nghỉ ăn cơm trưa. Thình lình hai đạo Tây Sơn từ tả hữu ập vào đánh. Cơ có tám người con đi theo, chết mất sáu, nhảy xuống chân voi cướp đường tháo chạy. Mật lệnh đưa vào, lập tức Toàn Nhật và đội du binh Tiền Kích chiếm phủ chúa Trịnh. Từ bến Tây Long, Huệ chính mình điều quân đánh vào lầu Ngũ Long, bản dinh của Trịnh Tông. Nhìn quân mình tan tóc, Tông khóc, đổi y phục, đóng khăn hình chữ đinh, kéo voi lùi ra ô Yên Phụ chạy trốn.
Bước vào phủ Chúa, Huệ đi đến chiếc ngai thẳng chân đạp đổ, rồi gọi tả hữu, giọng sang sảng truyền:
- Ta ra đây là dẹp loạn nhà Trịnh. Nay mai ta vào vấn an Ðức Thượng Hoàng, dâng biểu phù chính. Từ phút này, quân binh phải nghiêm ngặt với bọn cướp bóc, phản tặc. Nhưng đối với hàng dân, cấm không được xâm phạm đến tài vật, của cải. Cái ăn, cái ở ta đã lo hết, ngay một hạt cơm của dân ta cũng cấm nuốt. Trái lệnh, ta cho phép làm giảo hình giữa chợ để hàng dân trông mà cậy vào phép nước.
Tối hôm chiến thắng Thăng Long, nghĩa là chỉ hai mươi ngày sau khi xuất quân từ Qui Nhơn, Huệ gọi con nuôi là Nguyễn Ðằng, ra lệnh cho kiểm kê, gói ghém tất cả châu báu, ngọc ngà và vàng bạc của Chúa Trịnh đã tích tụ hai trăm năm nay, cộng thêm vào với kho tàng Trịnh Sâm cướp được ở Phú Xuân cách đây trên chục năm từ tông tộc Chúa Nguyễn. Trong lúc hàng dân cũng như quan quân cựu triều còn hoảng hốt, Huệ ra lệnh cho Ðằng bí mật chở ra thuyền, mang tất cả về Ðàng Ngoài, cất ở một nơi không ai biết rõ. Ðoàn thuyền đó gồm hai mươi chiếc, hai ngày sau lẳng lặng rời bến Tây Long, có một đội du binh do Ðằng chỉ huy đi kèm để bảo vệ.
Nằm trên tấm đệm giường Chúa Trịnh, Huệ thấy như nằm trên bông, có cảm tưởng cứ bồng bềnh, không sao ngủ được. Khoác lên vai chiếc Vương bào có thêu hình một con cọp ở giữa ngực, đang nhe nanh vuốt, mắt trợn trừng như chực nhảy xổ ra, Huệ đốt một cây bạch lạp, đi khắp nơi, mắt nhìn lên những chiếc cột lim nghễu nghện trên có khắc chữ. Huệ cố đọc, nhưng chữ được chữ không, bực mình nhổ toẹt xuống thềm, bật mồm chửi tục. Bỗng có tiếng cười nhẹ sau lưng. Huệ quay lại. Một bóng đàn bà mặc toàn trắng thoắt biến vào gian phòng bên trái. Huệ gọi giật giọng:
- Ai, đứng lại!
Băng mình đuổi theo, Huệ chúi người, chân vấp vào ngưỡng cửa. Nhìn vào, vẫn không một ai. Nhưng tiếng cười lại cất lên, như gió thoảng, làm lạnh gáy. Huệ ngước lên. Bóng trắng lại chập chờn như trêu ghẹo, thoáng một cái đã lẩn vào gian sau. Huệ lồng dậy, cơn thèm xác thịt đã bị đè nén từ ngày xuất chinh bỗng nổi lên. Xông người đuổi theo, Huệ lại vấp, ngã chúi xuống. Một bàn tay mát rượi ép lên má Huệ mơn trớn, tiếng nói như từ cõi nào, văng vẳng:
- Ta đây. Chúa Chè đây. Nằm yên... Ngoan nào!
Huệ tì tay xuống đất, tung người lên. Nhưng vô vọng. Toàn thân như tê điếng, Huệ mê đi trong mùi hương hăng hắc, trừ phần dưới cơ thể cứ rung lên bần bật như dùi đập vào mặt trống, Thở hắt, tứ chi nhũn ra, mắt hé mở, Huệ lờ mờ thấy gương mặt một người đàn bà rất đẹp, tươi cười bảo:
- Gặp mi muộn quá rồi... Nếu ta biết thì xưa ta đã bỏ ra Ðàng Ngoài tìm mi.
Bỗng lưỡi người đàn bà thò ra, một gang tay rồi hai gang, đỏ loét, mỗi lúc mỗi dài, quấn lấy cổ Huệ xiết lại. Huệ vùng vẫy, tai nghe rành rọt từng câu:
- Cái phòng này là phòng con ta đã ở. Ðồ đạc của nó trong phòng, đâu phải trả vào đó. Mi đã ăn cướp được nhiều rồi, tham thì thâm... Nghe rõ chưa?
Huệ hét lên: « Rõ, rõ rồi! », tim như sắp căng đứt. Huệ mở mắt khi Danh Kỷ lay gọi, thở phào, lấy tay lau mồ hôi, tay kia sờ xuống hạ bộ. Danh Kỷ khẽ nói:
- Thượng công la hét ầm lên, tôi vội chạy vào...
Huệ phẩy tay:
- Ðược, được rồi. Trong phòng này, đồ vật để yên không cho ai đụng vào... Thôi, đi ngủ!
Mặc Kỷ ngẩn ngơ không hiểu gì, Huệ lại bảo:
- Ông sai quân dọn cho ta cái phòng khác. Ta ngủ đất, chẳng cần phải chăn nệm gì... Nhớ để cho ta một cái đèn dầu. Ðêm Bắc hà ngủ nhắm mắt quả thật là... nguy hiểm... Mà này, ông có biết Chúa Chè là ai không?
Từ ngày Chỉnh đặt chân đến Thăng Long, bao nhiêu công việc đổ lên đầu, khiến Chỉnh cứ quay về nơi cư ngụ ở chùa Thiên Tích là quạu quọ. Sau buổi Huệ đến vấn an Lê Hiển Tông ở điện Vạn Thọ, Chỉnh phải chọn ngày lành để Huệ làm lễ triều kiến Hoàng thượng báo thiên hạ rõ nghĩa tôn phù. Nhưng triều đình nhà Lê nay chẳng còn ai. Chỉnh đi tìm những vị cựu thần, được sáu người, nhưng chỉ có bốn chịu vào triều, đều là những kẻ già nua không được việc gì. Trong buổi vấn an, Hiển Tôn ý sợ nhưng coi Huệ như kẻ cướp, mở miệng lần đầu đã nói ngay:
- Quả nhân làm vua thanh cần, giản dị, không có vật gì để biếu tặng.
Huệ trả lời như quên hẳn việc đã cướp sạch kho tàng nhà Trịnh, miệng ráo hoảnh:
- Thần vì nghĩa tôn phù mà tới đây, đâu dám kể công lao.
Quay sang Chỉnh, Huệ tiếp:
- Ðây là bề tôi cũ của bệ hạ đấy.
Chỉnh ra trước sập ngự lạy chào. Huệ lại nói:
- Người này dẫu tước lộc của bệ hạ cho chưa nhiều, nhưng lòng trung khó có kẻ thứ hai. Thần ra được đây cũng là nhờ hắn.
Biết Huệ mỉa mình, Chỉnh cắn răng, nhưng máu bốc lên mặt khi nghe Hiển Tông dụ:
- Chỉnh biết trung nghĩa, đấy là do công ông gây dựng cho.
Khẳng định mình nay không còn là kẻ bầy tôi nhà Lê, Chỉnh dập đầu tạ:
- Thật đúng như lời « bề trên ».
Lễ triều kiến vào ngày bảy tháng bảy ở điện Kính Thiên. Huệ tự đem tướng sĩ từ cửa Ðoan Môn đi vào. Sau khi lạy năm lạy, vái ba vái, Huệ dâng tờ tâu diệt Trịnh và sổ sách dân quân. Hiển Tông phong Huệ là Nguyên soái, tước Phù - Chính dực-vũ Uy-quốc công.
Về đến phủ Chúa, Huệ gọi Danh Kỷ, Văn Nhậm và Chỉnh vào, mặt mũi cực kỳ giận dữ. Huệ dang tay đập chén nước trà xuống đất, hầm hè:
- Ta đánh một trận, dẹp yên thiên hạ thì một hòn đất, một tên dân nước này là của ta, ta muốn xưng đế, xưng vương thì xưng, ai cản được. Cái chức Nguyên soái quốc công với ta là cái gì? Muốn lấy tiếng hão để lung lạc một kẻ mọi rợ à? Ta nhận, nhưng phải nói ra cho « đám thây ma » ở triều đình đó biết.
Mặt Chỉnh tái mét, không biết Huệ định làm gì. Danh Kỷ nói nhỏ vào tai Chỉnh. Chỉnh lắc đầu, lúng túng đáp: «... để xem, để xem sau! ». Nhìn Chỉnh, Huệ gằn giọng:
- Việc giao dịch với triều đình nhà Lê, ta đã giao hết cho ông. Ông làm thế nào mà « đám thây ma » đó khinh ta như vậy! Nay, ta cho đi tìm Trịnh Tông, lập lại xem họ xử ra sao.
Nói xong, Huệ quày quả bước ra sau, mặt mũi hầm hầm. Về chùa Thiên Tích, Chỉnh bóp trán suy nghĩ. Chỉnh thừa biết là Danh Kỷ chỉ nói lại bụng dạ của Huệ, không thể không bàn tính với nhau trước.
Hôm sau, lính đến báo. Chỉnh vội ra cửa Tây. Lật vuông vải đậy mặt, Chỉnh nhìn kỹ, đúng là Tông. Tông tự tử, lấy đũa đâm họng rồi dùng tay tự xé cổ ra. Tuần huyện Trang, kẻ bắt Tông mang về Kinh, quì xuống thưa:
- Bẩm quan Hữu quân, muốn cứu Ðoan nam vương mà không kịp...
Chỉnh thở dài, lẩm bẩm, rồi nhìn Trang khinh bỉ:
- Ông ăn lộc Chúa, nay phản bội, lại quay về cái bản chất cướp vặt của ông. Chỉ tội cho Lý Trần Quán, thầy ông, là kẻ nhờ ông bảo vệ Chúa. Nay Quán ra sao?
Trang tái mặt không đáp. Chỉnh lại nhìn xung quanh, một người chắp tay thưa rằng Quán đã tự chôn sống để chuộc tội. Chỉnh nhìn vào mặt Trang, gọi lính lấy một chiếc đũa, ném xuống đất:
- Mày nhặt rồi tự xử hay bắt ta ra tay?
Oằn người như con giun bị xéo, Trang khóc lớn, tay chắp lạy Chỉnh như tế sao. Chỉnh sai chém, rồi bêu đầu ở cửa ô, dán một tờ giấy viết rõ « Phản Chúa, hại thầy, đầu bêu ba ngày, thây phanh ra cho chó ăn. Nay thông báo cho thiên hạ. Hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh ». Về báo Huệ, Chỉnh lại xin tang ma trọng thể cho Tông theo đúng vương tước. Huệ gật đầu. Khi Chỉnh ra, Huệ nói nhỏ với Kỷ: «... hắn muốn gột cái tiếng phản phúc đấy. Như vậy, hắn sắp phản ta rồi. Thế là hắn làm trúng ý ta. Từ nay, ông với bộ Lễ của triều Lê lo việc nghi thức cho ta ở Bắc Hà ».
Chỉnh sai anh em, con cháu bí mật lẻn về trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương... gặp gỡ các hào trưởng và thương nhân giàu có, ý chiêu dụ về việc gây dựng lại Ðàng Ngoài. Lúc đó, súng ống gươm giáo lính Trịnh đều bị Huệ thu lại. Bọn quan quân và đám Kiêu binh nhà Trịnh đi đến đâu là hàng dân xúm lại đánh và cướp hết binh khí, của cải. Ðánh cướp cho thỏa cái uẩn ức kinh niên, chẳng ai nghĩ quân Tây Sơn là quân « nước ngoài ». Họ lại còn cảm phục vì những người lính đến từ phương Nam kỷ luật, không o ép, ức hiếp, đến một miếng nước lạnh của dân cũng chẳng dám tơ hào. Không biết Tây Sơn còn ở lại đến bao giờ, bọn phú hào phú thương nói nước đôi, chủ tâm là chờ đợi diễn biến. Chỉnh thất vọng, nói với Ðỗ Thế Long, người gốc Thanh Trì.
Long là người lanh lợi, xưa kia có tội đã từng bị giam với Chỉnh trước khi Chỉnh về dưới trướng Hoàng Tế Lý. Lúc vào Thăng Long, Chỉnh sai người thả cho Long ra khỏi ngục, mang về chùa Thiên Tích đãi như thượng khách, công việc Bắc hà có gì khúc mắc đều hỏi han. Chỉnh tâm sự:
- Nếu Chúa còn sống, chắc tôi sẽ đặt vào địa vị thanh nhàn, không để phải mất danh tộc. Bây giờ thì khó quá. Huệ ý o ép Vua bắt gả con gái cho rồi mới tính chuyện rút quân về, tôi chẳng biết còn phải làm sao.
Long nhẩn nha:
- Hắn muốn thành chàng rể, để hễ động tĩnh gì ở Bắc hà là kéo ra, tiếng là giúp bố vợ, mà thực là cướp nước ta. Còn chúa Trịnh, thì việc không phải chỉ đơn giản thế. Nước này, dẫu sao cũng là đất của cả Lê lẫn Trịnh. Xưa, cái sách « phù Lê- diệt Trịnh » cũng có cái dở. Nhà Chúa có hiếp chế Vua thật, nhưng vẫn có cái công tôn phù hai trăm năm. Ông dựa thế « nước người », nay nghiêng non lật biển được, nhưng khi Tây Sơn về thì ông tính sao. Theo chủ mới, ông phản Trịnh là chủ cũ đã để ông được phong hầu phong công, ấy là bất nghĩa. Bới lỗi ức hiếp làm lấp cái công tôn phù, ấy gọi bất nhân. Bất nhân bất nghĩa là tàn tặc, kẻ trượng phu lập thân quyết chẳng để mình vào thế đó được!
Mặt hơi tái đi, Chỉnh giả tảng nghĩ ngợi, mồm nhai bã trầu một hồi lâu, rồi đáp:
- Gây dựng là ơn riêng của một người. Cương thường là nghĩa lớn của thiên hạ. Tôi phù Lê là chống đỡ cương thường, chí nhân đại nghĩa, sao lại gọi là tàn tặc?
Long được dịp, tiếp:
- Vua Lê vẫn đó, đã được tôn sẵn rồi, đâu có đợi ông tôn phù. Ðó là cái cớ ông đưa người ngoài tới đây, làm nhà nước như bình vàng bỗng mẻ, Chúa chết, Vua thì có cũng như không, quân quyền nằm hết trong tay giặc Quảng. Như vậy, gọi là tàn tặc vẫn còn nhẹ. Nay nếu ông xoay lại, khéo điều đình để Huệ no nê ước muốn mà rút quân, rồi ông chọn trong tôn thất họ Trịnh một người lập lên làm Chúa. Ông là phò tá cho Chúa, tạo ra cái cớ không để chàng rể nước Tây tự tiện muốn kéo quân ra là kéo... Mà bố vợ lại già rồi, lập Hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ lên là một vì vua khác, nên cái thế bố vợ - chàng rể chắc không lâu. Ðây là cái công không mấy đời có được.
Chỉnh vái tạ:
- Tôi xin nghĩ thêm.
Long ra khỏi, Chỉnh vẫy người nhà, dặn:
- Tên hắn là Long. Rồng thì phải đưa xuống nước không để sống trên cạn làm mê loạn thiên hạ được.
Ðêm hôm đó, Long bị trói mang ra sông Nhị Hà, rồi chết đuối như người ta kháo lại.
Ba ngày sau buổi đại triều, Vua Lê Hiển Tông hạ chỉ dụ gả Ngọc Hân, năm nay mười sáu tuổi, cho Nguyên soái Uy - quốc công. Ngay hôm đó, Huệ sai Hình bộ thượng thư mang một tờ tâu, hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai chục tấm đoạn vào điện Vạn Thọ, xin hôm sau rước dâu ngay, ai cũng biết là cưới chạy tang vì Hoàng Thượng nay như ngọn đèn trước gió. Sáng sớm hôm sau, Huệ sai quân đệ vào tờ tâu làm lễ nghênh hôn. Quân lính Tây Sơn đứng sắp hàng, gươm giáo sáng loáng, cờ quạt đủ màu phất phới bay từ cửa phủ Liêu đến điện Vạn Thọ. Hàng dân xô nhau đi xem đứng chật như nêm cối trên đường phố, ai nấy đều mong được nhìn thấy một cuộc hôn phối không tiền khoáng hậu.
Danh Kỷ tất bật, lo liệu từng li từng tí, quyết không để ai chê là nước Tây không biết lễ nghĩa. Các hoàng thân, hoàng phi và quan văn võ đều chực sẵn ở cửa điện, sắm sửa ngựa xe, để đi đưa dâu. Khi công chúa đến cửa phủ, Huệ ngồi kiệu rồng thếp vàng ra đón. Chợt có ai đó trong đám dân giã la to: « Tiếc thay cây quế giữa rừng... », ý nhắc chuyện vua Trần ngày xưa gả công chúa Huyền Trân cho Chiêm vương là Chế Mân. Huệ mím miệng, mắt quắc lên, nhưng sau lại làm như không nghe thấy. Ðưa công chúa vào cung, Huệ thết tiệc, rồi sắp hai trăm lạng bạc sai quân đưa ra tặng các vị nhà gái. Chỉnh thầm nhủ trong bụng: «... Vàng bạc của nhà Trịnh cả. Mất con nhưng nào có được mảnh đất nào như Ô, Rí đâu! ». Nhưng mặt mũi vẫn tươi vui, Chỉnh theo các quan về công đường bộ Lễ, đứng ra chúc mừng, khen Vua kén được giai tế, và từ nay nước An-Nam ta có được một nước dâu gia. Hiển Tông ngồi trên ngai, thều thào đáp lễ rồi nhắn: « Ta tuổi già, không thể nương tựa vào ai. Nay công chúa nương bóng hậu dinh, hầu hạ khăn lược, để cho khi hai nước thành nghĩa thông gia, đời đời hòa hiếu, ta có nhắm mắt cũng an lòng ».
Nghe Chỉnh thuật lại, Huệ chiều hôm đó ngồi xuống uống rượu với đám tả hữu, đã ngà ngà say, nói lớn:
- Hoàng thượng quả là « lão mưu đa kế ». Kẻ mọi rợ này nay bám vào cành vàng lá ngọc, thật là « thiên tải kỳ duyên ». Ha ha, em vua nước Tây làm rể Hoàng Ðế nước Nam, môn đăng hộ đối thế, hiện ở đời này đã có mấy phen?
Bá vai Toàn Nhật, Huệ tiếp, giọng sặc mùi rượu:
- Này chú em « rậm râu », sau này xin làm rể Tây Sơn, liệu chú em có hai mươi lạng vàng, hai trăm lạng bạc không? Ta thật ra chẳng bỏ một chinh. Ðến vũng nước đục, ra khoắng chân quậy một cái. Rồi thò tay móc lên, nào là vàng, là bạc, là châu ngọc... và sau cùng là... là trái tim người đẹp.
Ngượng nghịu, Nhật khẽ nói:
- Thượng công, xin thượng công...
Cả bọn tả hữu phá lên cười, vỗ tay. Huệ lại tu rượu ừng ực, rồi lè nhè:
- A, cái trái tim đàn bà. Ha ha, nó kỳ lạ lắm. Ta ra vì loạn, về lại đèo bồng thêm một đứa gái tơ, trẻ con nó chắc bụm miệng cười! Mặc nó, ta chỉ quen gái Nam hà, chưa biết mùi gái Bắc. Hà hà, phải thử một chuyến xem tròn hay méo...
Danh Kỷ biết Huệ đã say lắm, phất tay ra hiệu cho mọi người lui ra. Huệ lại níu Toàn Nhật, mồm rớt rãi, nói chữ đực chữ cái:
- Chú em rể « rậm râu » ở lại... ta... ra lệnh... Ba đường kiếm... Chiêu Hồn đủ bảo vệ cho An-Nam nguyên soái. Nhưng không chống được... trái tim đàn bà đâu...
Bước đến cửa, Chỉnh nhìn xéo, lầm bầm buông thõng một câu:
-... Say như thế thì méo cũng thành tròn.
Nhậm nghe thấy, mắt cau lại, chẳng kiêng nể nhìn tròng trọc vào mặt Chỉnh nhưng không nói năng gì.
Trong phòng chỉ còn Nhật và Huệ. Nhìn ra cửasổ, mặt trời yếu ớt lui dần, để vướng lại một thoáng đìu hiu trên những vạt cỏ ủ dột. Mùa mưa dầm bắt đầu từ mấy ngày rồi, tưới nước xuống như nước mắt thiếu phụ khóc chồng, thây bọc còn cuộn tròn trong những chiếc chiếu thâm sì ẩm ướt người ta bỏ nằm vất vưởng trên bờ bãi ven sông Nhị. Nhật đốt bạch lạp, kéo Huệ nằm lên sàng gỗ gụ, nhét chiếc gối mây dưới gáy. Huệ bỗng nắm lấy áo Nhật, mắt nhắm nghiền, mồm lẩm bẩm:
- Ðừng bỏ ta. Ta có tội tình gì An ơi!
An là con gái giáo Hiến, người thiếu nữ đã gieo vào Huệ những tình cảm trai gái khi vừa lớn để biết yêu. Thuở đó, Huệ mới mười bốn. An hơn Huệ một tuổi, đã nhuộm răng và biết ăn trầu, tóc để dài chấm vai, lưng ong, lúc đi quần phủ trên đất lượn lờ như là bay là nhẩy. Dù đi học, Huệ chẳng coi chữ nghĩa ra gì, mặc dầu không nói nhưng giáo Hiến cũng biết. Trong số học trò, Huệ lại sáng dạ nhất nhưng rất lười. Hễ có dịp, Huệ chòng ghẹo bạn đồng môn, thường đầu têu dẫn đi phá làng phá xóm. Một hôm, đối tượng của những trò nghịch ngợm là An. Bọn học trò đố nhau đứa nào sẽ thành giai tế của thầy. An nghe biết, chỉ mỉm cười, đùa bảo một đứa hiền lành:
- Ðứa nào biết thầy muốn gì, tao sẽ gọi bằng chồng. Mỗi đứa chỉ nói được một lần, và cố mà viết ra giấy, chữ xấu không được tính.
An thường giúp cha chấm quyển học trò, bụng chỉ muốn ép chúng tập viết cho đẹp, chẳng có hậu ý gì. Ðến ngày, mỗi đứa kèm vào tập quyển một tờ giấy nét chữ nắn nót. Giáo Hiến bắt được, truy ra việc An đùa, quẳng lên chõng hai tờ. Tờ thứ nhất, viết « Giết quyền thần Trương Phúc Loan » ký tên Huệ. Tờ thứ nhì, ghi vỏn vẹn « Thầy muốn cho chị An được sống hạnh phúc ». Giáo Hiến mắng con, song lại bảo « Huệ nó nói đúng điều ta muốn ». Hiến thâm thù Loan, vì người tri kỷ mình là quan Nội hữu Trương Văn Hạnh đã bị Loan hãm hại giết chết. Vì thế, Hiến phải bỏ Phú Xuân chạy về An Thái mở trường dạy học.
Vo viên tờ giấy Huệ viết, giáo Hiến bỏ vào mồm nuốt đi. Sau đó, trong liền hai năm, giáo Hiến giảng riêng cho Huệ một số binh thư, không bắt học những tứ thư ngũ kinh như mọi đứa trẻ khác. Huệ nghe giảng đến đâu, chẳng những nhớ mà còn tự mình sáng tạo ra những phương thức như thuật yểm kích và lối đánh vu hồi. Thấy cha mình đặc biệt lưu tình Huệ, cô thiếu nữ An không khỏi băn khoăn vì trò đùa năm nọ. Nhưng tờ giấy viết «... cho chị An được sống hạnh phúc » ám ảnh An, bắt An hỏi hạnh phúc là gì, câu hỏi phần đông người thế gian này trốn tránh. An tất nhiên chưa biết kẻ nào đã viết câu đó mà không để tên lại, vì nào An có biết tờ giấy kẹp trong tập quyển của ai.
Năm Huệ mười sáu, mụn nổi đầy mặt, vỡ tiếng nên mỗi lần cất giọng, ai nghe cũng giật mình. Một buổi sáng, An ra cầu ao giặt áo, bỗng linh tính có người rình mình. Nàng quay lại, bắt gặp ánh mắt tóe lửa của Huệ. Huệ mím miệng, đến cạnh An, định nói nhưng lại ấp úng, ngạc nhiên thấy lưỡi mình tê cứng, tim đập như vỡ lồng ngực. Huệ nhút nhát, nói trong cổ:
- An đang làm gì đấy?
Hiểu rằng Huệ vừa bỏ được tiếng chị, chị An như Huệ thường gọi, An dịu dàng:
- An đang bắt bóng mình trong nước...Ðấy, cứ tan đi, rồi lại hiện ra. Xem này.
Huệ ấp úng:
- Như tiên, phải, cứ như tiên ấy...
Lần sau, Huệ lại ra cầu ao. An giặt áo, Huệ ngồi cạnh say mê, hít hơi An trong gió, rồi bỗng chụp lấy tay An. Khẽ giằng ra, An cúi đầu hỏi nhỏ:
- Còn muốn giết Trương Phúc Loan không?
Huệ quả quyết gật đầu. An buồn rầu, nhỏ nhẹ:
- Thế thì... có làm cho An hạnh phúc không?
Ngạc nhiên, Huệ đớ người ra. Rồi Huệ lắc đầu. An vùng đứng dậy, nước mắt ứa ra, chạy vào nhà. Hai tháng sau, An tìm người viết tờ giấy rằng « Thầy muốn cho chị An được sống hạnh phúc ». Ðó là cậu bé hiền lành ngày xưa, nay cũng đã mười bảy. An hỏi:
- Thế nào là sống hạnh phúc?
- Sống hạnh phúc là sống một cuộc đời bình thường. Bình thường ở chỗ sáng cũng cười, tối cũng cười. Dĩ nhiên, no thì cười, đói chắc khó. Hạnh phúc bình thường là bụng no, còn đầu thì vui.
- Không quyền uy, quan tước, danh vọng, phú quí?
- Nhất định không!
An bỗng chép miệng, rồi cương quyết:
- Cứ cho cha mẹ đến hỏi, An xin về nhà anh.
Mấy tháng sau là đám cưới An. Hôm ấy, Huệ chạy ra hét như người hóa dại, rút dao đâm vào đùi mình, máu chảy lênh láng, kêu ầm lên:
- Chỉ vì mặt ta có mụn, chỉ vì mặt ta có mụn...
Huệ ốm liệt giường. An và giáo Hiến vào thăm. Khi đi về, An đợi giáo Hiến ra trước, kịp nói riêng với Huệ:
- Chẳng phải vì mặt Huệ mụn, mà vì Huệ không biết thế nào là hạnh phúc. Thứ hạnh phúc bình thường...
Ðầu giờ Tuất, Huệ tỉnh dậy đòi ăn cháo. Toàn Nhật lặng lẽ nhìn, thấy Huệ đăm chiêu. Hai lần lấy vợ trước, cũng hệt vậy. Hình ảnh An, cái cầu ao, bóng nước khi hiện khi tan, rồi câu nói cuối cùng An trách Huệ không biết thế nào là hạnh phúc lại văng vẳng trong tai. Huệ bước ra lan can, mặt ngửa hứng lấy những giọt mưa hắt qua mái các. Cắn môi, nhìn vào màn đêm trắng đục, Huệ vẫn chỉ thấy một mình An, cô thiếu nữ dạo nào. Vẫn là An giằng tay không cho Huệ nắm. Vẫn là An, đã tưởng xa đi nhưng sao vẫn đấy, ám ảnh, mê hoặc, giăng những sợi tơ nhỏ nhoi nhưng bền vững giam hãm linh hồn Huệ gần hai mươi năm nay.
Nhật lên tiếng:
- Thượng công thấy mình ra sao?
Nhìn thẫn thờ vào khoảng không, Huệ gạt tay, đáp:
- Ta không sao, chắc vui nên quá chén.
Niềm vui của Thượng công - Nhật nghĩ thầm - quả là khác người. Trong giấc ngủ vùi, Huệ thỉnh thoảng co dúm người lại, rên xiết, nước mắt ứa ra, tức tưởi gọi An, An ơi... An là ai? Người nào mà lại có cái quyền năng làm một vị tướng bách chiến bách thắng gập người xuống lạy van ngay cả trong một giấc mơ?
Gió lạnh thốc vào. Ngọn nến lung linh cháy, soi mặt người bằng thứ ánh sáng cong đi rồi thẳng lại, khiến những đường nét chốc chốc lại gẫy vụn ra, đổ gục xuống. Lấy tấm Vương bào trên ghế, Nhật mang lại hai tay dâng lên. Huệ cầm, nhìn Nhật, rồi nhỏ nhẹ:
- Tướng quân về nghỉ. Ta phiền tướng quân nhiều rồi.
Vái Huệ, Nhật lùi ra, nhìn lại cái khối cô đơn khủng khiếp lặng lẽ đứng dậy xua tay, miệng cố mỉm cười, cái cười trông tội nghiệp.
Ngồi một mình trong ánh nến chập chờn, Huệ nhắm mắt lại, hình dung ra khuôn mặt An thuở ngồi bên cầu ao, lại tự hỏi mình thế nào là hạnh phúc. Có phải chăng là những giây phút rạo rực, tung quân vào yểm kích, tính toán đường đi nước rút của địch, công thành, phá ải? Có phải chăng là khi thu quân lương, vàng bạc châu báu chiếm được? Có phải chăng là chỉ một câu nói lớn, một cái trừng mắt, một lời diễu cợt mà đủ làm đám bề tôi cứng họng, thắt tim, gập đầu vâng dạ? Ðó là, nói gọn lại, quyền uy. Nó thể hiện con người Huệ, nhưng tại sao khi diệt xong địch, chiếm xong thành, thu vào tay châu báu, quát gọi cho người ta vâng dạ, Huệ lại cảm thấy trống rỗng, để một nỗi cô đơn mênh mang ập vào làm tan đi tất cả những cái gì vừa tạo ra, biến chúng thành vô lý vô nghĩa?
Huệ lại với tay lấy rượu, tu ừng ực, để cái chất rát nóng tràn vào cơ thể mình, bốc ngược lên đầu, làm tê liệt những câu hỏi không có lời đáp. Rồi Huệ cười lên sằng sặc, nghêu ngao hỏi như có người trước mặt: «... Này An, thế nào là hạnh phúc? ». Chỉ tay vào bóng mình, Huệ rít lên: «... trả lời đi, đợi gì nữa An ơi... Thế nào là hạnh phúc bình thường? Ta có khả năng trở nên bình thường không? Hay muộn quá rồi! »
Huệ lảo đảo đứng dậy, tay lấy chiếc roi móc trên giá vũ khí, vung một đường vòng, rồi ném xuống đất. Ngồi xuống, Huệ lại uống, rồi cởi áo ra, vai nổi lên những bắp thịt làm bằng đồng nguội. Huệ gào: « Ta hành nó cho em sướng nhé! », rồi mím môi vớ roi đánh vòng vào lưng mình, tiếng nghe chan chát như tiếng đập áo quần sũng nước ở một bờ ao vùng An Thái. Ðánh đến mỏi tay, Huệ gục xuống, nằm xoài ra trên thềm gạch, miệng thở khò khè. Trống điểm canh dinh trại Tây Sơn vang lên trong đêm tối khiến Huệ nhổm dậy, với tay khoác chiếc Vương bào vào người, chập choạng mở cửa phòng bước ra, miệng lẩm bẩm: « Ðêm nay động phòng. Xem con ranh nó tròn hay méo... »
Ðạp cửa, Huệ chệnh choạng bước vào, nhìn chiếc giường giải đệm trắng đặt ở giữa, xung quanh có màn rủ. Vạch màn ra, Huệ nhìn vào. Ngọc Hân không có đó. Mặt giường bỗng trải rộng ra, lăn tăn sủi sóng, như biển nhìn từ cửa Thị Nại. Huệ vặn bấc đèn lên.
Trong một góc phòng, Ngọc Hân ngồi nép vào tường, lặng yên, mắt hoảng dại nhìn Huệ, mắt con mồi bị săn đuổi vào đường cùng không còn nơi nào để ẩn nấp. Huệ lè nhè, tay vẫy. Hân thấy bụng mình thót lại, tứ chi nhũn ra, lòng trống tênh, đầu cứ mụ dần đi như vào cơn mê ngủ. Huệ tiến lại, mắt đỏ lừ lừ như mắt cọp. Thình lình, Huệ nắm vào ngực xiêm, kéo mạnh rồi xé ra, tiếng lụa nghe soàn soạt hệt tiếng dao chém. Thò tay bóp vỡ chiếc trâm cài đầu Ngọc Hân, Huệ ngẩn ngơ nhìn suối tóc chảy xuống đến ngang vai, miệng rên rỉ: «... hạnh phúc, mi đâu hả hạnh phúc ». Ném tấm Vương bào, rồi từ từ cởi chiếc cạp quấn lưng quần, Huệ trần truồng đứng, quát Hân: « Này, nhìn đi ». Nàng công chúa mới mười sáu tuổi co dúm người, nhắm mắt lại. Huệ xé mảnh vải cuối cùng trên hạ thể Hân, xoay người Hân lại, bắt quì xuống. Hai tay nắm vào hai núm cau vừa đủ to để hái, Huệ lại rên: «... hạnh phúc à...». Kéo cho mông Hân chổng lên cao, Huệ thúc vào từ phía sau, vừa thúc vừa kêu: « Hạnh phúc này, hạnh phúc », mỗi lúc một mạnh, hệt như khi Huệ thúc voi vào cửa ô Trường Bản thành Thăng Long cách đây vừa năm ngày. Ngọc Hân oằn người, thét lên một tiếng nhỏ, rồi mặc cho sự đau đớn đến chảy nước mắt, nàng nghiến răng, đầu thầm nhủ lời cha dặn dò «... nghiệp nhà Lê trong tay con ». A, cái cơ nghiệp bốn trăm năm cứ trồi cao trụt thấp cho đến khi Huệ kêu hự lên một tiếng, rồi ngả người nằm xấp mặt xuống thềm.
Ngọc Hân đợi một lát, rồi co chân ngồi dậy. Trên mặt gạch hoa trắng bóng, một vệt máu chảy từ đùi Hân xuống đọng lại. Máu đỏ màu gụ, có mùi tanh, đánh dấu phút cuối đời con gái. Ðời con gái của một thiên kim tiểu thư cành vàng lá ngọc trao vào bàn tay man dại của vị nguyên soái bách chiến bách thắng. Nàng cắn răng ghìm cơn đau đớn, nhìn sang Huệ. Lưng Huệ hằn những vệt roi rướm máu, bầm tím, hệt như vết vằn trên da hổ. Lẳng lặng nhếch mép, Hân bỗng thỏa mãn, thầm nhủ «... ta đâu có cần chi hạnh phúc ».
Gió Lửa Gió Lửa - Nam Dao