Bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là kết thúc ở chỗ nào.

Dorothy Fields & Coleman

 
 
 
 
 
Tác giả: Tạ Duy Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7404 / 247
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 -
ôm sau tôi không trở lại phố G như kế hoạch bởi một sự kiện gây chấn động dư luận: Bạn vong niên của tôi, tiến sĩ N, đồng thời là nhà văn (như sau này tôi biết thêm) đã tự sát sau khi giết chết người vợ trẻ kém anh hơn chục tuổi. Tôi sẽ còn nguyền rủa tôi vì biết tin quá chậm. Khi tôi có mặt thì hiện trường đã được thu dọn và đành tìm hiểu sự việc qua bản báo cáo, giám định của cơ quan điều tra.
Vào quãng 4 giờ sáng, mọi người trong khu tập thể nghe thấy có tiếng phụ nữ thét lên rồi tắt lịm ngay. Khi mọi người, tất nhiên là sau vài giờ, phá được cửa vào thì thấy tiến sĩ N ngồi gục trên ghế, trước mặt là cuốn Kinh Thánh - một cuốn sách mà ông vẫn nguyền rủa khi còn sống vì "sự bịa đặt trắng trợn" - như lời ông vẫn nói. Ông tự sát bằng một viên thuốc kịch độc. Vợ ông bị đập bằng búa vào trán, nằm như ngủ - ngoại trừ vết tím đen - trên giường, tấm chăn mỏng kéo đến cổ. Ðiều đó chứng tỏ tiến sĩ N đã đặt vợ nằm ngay ngắn rồi mới đến bên bàn giở cuốn Kinh Thánh ra đọc và uống thuốc độc.
Ngay lập tức cả một câu chuyện lâm li bi thảm được dệt lên quanh cái chết kỳ lạ kia. Ða số mọi người cho rằng vợ tiến sĩ N có quan hệ bí mật với một người đàn ông nào đó và một trí thức danh giá như tiến sĩ N thì tất nhiên thà chết còn hơn bị làm nhục.
Rất ít người biết mối quan hệ thân thiết giữa tiến sĩ N và tôi. (Giả sử tôi nói ra điều này sẽ bị đủ thứ nhạo báng, cho rằng tôi làm sang bởi không có lý do gì để tiến sĩ N, một người nổi tiếng, đầy uy danh lại hạ mình chơi với một kẻ vô danh tiểu tốt như tôi. Ðiều này có thể khiến tôi lao đao bởi sự chế giễu. Vì thế tôi quyết định im lặng). Tôi là kẻ không được ai biết đến trong đám tang vợ chồng ông. Lặng lẽ đưa ông tới nơi an nghỉ, tôi trở về nhà trong một trạng thái mệt mỏi, hoang mang, đầy nghi hoặc và vô cùng chán nản. Tôi tự đặt ra vô số giả thiết rồi lại tự phủ nhận bởi nó bị chính những hồi ức về ông của tôi, chống lại.
Có thể nói tiến sĩ N là một người hoàn hảo, nghĩa là rất khó tìm ra một điểm gì có thể chê trách ông. Ông là hình mẫu lý tưởng của một con người tự mình làm nên sự nghiệp, một nhà khoa học tận tụy, một công chức mẫn cán, một người đàn ông điềm đạm và đức độ. Ông biết nương theo thời thế để sống và hiến mình cho sự nghiệp chung - một cách đánh giá phổ biến và chính xác. Mãi năm bốn mươi tuổi ông mới lập gia đình, với một người sùng mộ ông nguyện hy sinh đời mình cho ông. Chỉ duy nhất một điều làm ông phiền muộn là họ vẫn chưa có con.
Tiến sĩ N đảm nhiệm một lúc khá nhiều công việc và khi nhận thêm chức vụ nào đó ông đều tỏ ra mừng rỡ. Tuy luôn nghĩ những điều cao siêu, nhưng tiến sĩ N cũng là người rất cụ thể, tỉ mỉ, chắc chắn chăm lo cho tổ ấm. Từng khoản thu nhập, từng khoản chi tiêu, các kế hoạch mua sắm... đều được ông quan tâm một cách hào hứng. Trước một món tiền thù lao, tiền biếu... ông đều đếm kỹ, lọc tờ mới bỏ riêng ra một chỗ. Ông ăn uống theo thực đơn, ngủ nghỉ theo giờ. Ngay cả việc chăn gối ông cũng có lịch, không bao giờ để những cơn ngẫu hứng chi phối. Ông biết ghìm niềm vui, nén nỗi buồn để giữ cho huyết áp không tăng giảm đột ngột. Trong cuộc sống ông không thiếu những mẹo nhỏ để làm cấp trên vừa lòng; không thiếu sự khôn khéo đẩy trách nhiệm cho người khác; không thiếu khả năng giả bộ ngây ngô, đãng trí khi cần biết chi tiết một chuyện nào đó liên quan đến lương bổng, nhà cửa, đi nước ngoài, làm đề tài khoa học, tránh trả lời thẳng cấp trên những gì đưa tới sự mạo hiểm, từ chối công việc không có lợi hoặc được cái này mất cái khác... Ông cũng biết để dành sự nói dối. Chưa bao giờ và chưa khi nào ông hấp tấp khi đưa ra những ý kiến mang tính chất cá nhân. Với các chủ trương, chính sách, phương châm ứng xử của ông là chân lý hóa nó. Với cấp trên ông luôn luôn biết dốt hơn để được nghe họ dạy bảo. Một chi tiết điển hình cho tính cách ông là, khi bắt tay người khác ông đều dùng tay kia vuốt mu bàn tay khách, tỏ ý quý trọng. Một bận có vị thủ trưởng đến thăm ông. Trước đó ông bỏ công tìm hiểu và biết ông ta dốt đặc các loại văn hóa cổ. Vì thế hôm đó giá sách của ông chỉ toàn sách chính trị khiến vị khách của ông có thể tự tin rút cuốn này, cuốn khác tranh thủ giảng giải. Tóm lại, với vẻ bề ngoài, ông là đại diện mẫu mực cho tầng lớp của ông. Ðó là những con người trung thành với truyền thống ái quốc theo kiểu Nho gia?
Thế mà một người như ông, lại có những giây phút bị kích động đến mức cầm búa giết vợ thì thật phi logic. Nó gợi người ta nhớ tới nhân vật bị quỷ cám dỗ của nhà văn "quỷ ám" - như chính lời của ông mỗi khi bực bội nhắc đến Doxtôiépxki.
Với riêng tôi, mọi việc đều có chiều hướng rơi vào ngõ cụt, tựa như cảm giác đi vào con đường hầm mà mỗi khoảng tối vừa là sự mở ra, vừa là sự khép lại.
o O o
Ðây là lần thứ hai tôi rơi vào tâm trạng này. Lần đầu tiên chính là khi tôi thử lội ngược về quá khứ để cố lần ra đầu mối của tấn bi kịch trong đó cụ nội, ông nội, bố tôi - và cứ theo logic ấy - sẽ bao gồm cả tôi bị đẩy ra sân khấu. Tôi lờ mờ cảm thấy có một sự trục trặc gì đó từ phía lịch sử khiến chúng tôi bị cuốn vào một cuộc chơi tàn khốc, trong đó tất cả biến thành những kẻ bị săn đuổi. Nhưng hồi đó, thay vì tìm được bằng chứng lịch sử, tôi thấy mình bị tước hết vũ khí để chống lại nỗi cô đơn. Tôi, giống như kẻ bị chọc mù, càng đi càng lạc sâu vào khu rừng rậm huyền bí.
Cuối cùng còn lại trong tôi chỉ là một vài hồi ức đau buồn càng làm đậm đặc thêm khoảng tối đen ngòm trong con đường hầm định mệnh, mà ở đó tôi hy vọng tìm ra lối thoát.
Cha tôi bị vu cáo chính trị - hồi đó người ta thà tin kẻ vu cáo còn hơn để lọt một kẻ có tư tưởng bất mãn. Ông có đủ tiêu chuẩn để thành một tên nguy hiểm: biết cả tiếng Pháp lẫn chữ Nho, trên kệ sách có Tứ Thư, Ngũ Kinh, Tân Ước và những bài thuyết pháp của Phật. Chính những thứ này trở thành vật chứng chống lại ông tại một cuộc xét hỏi do gã mắt toét tiến hành. Gã ăn mặc bẩn thỉu, chiếc cổ màu da trâu gợn lên từng bờ ghét, biểu tượng của những lương tâm trong sạch và đáng tin hồi đó. Gã có cặp mắt màu da đồng, khi nhìn như tỏa ra những tia sáng lạnh lẽo khiến người khác phải rùng mình. Thoạt đầu gã ra lệnh xử tử những cuốn sách, thứ mà bọn chó má nghĩ ra để ru ngủ nhân quần! Ðích thân gã xé nát từng trang rồi xéo lên một cách hả hê.
Như sau này tôi may mắn đọc trộm được chút ít trong cuốn sổ của cha tôi, tại đó, ông không kể lại chi tiết cuộc xét hỏi, mà chỉ cho biết hôm đó ông thấy mình minh mẫn lạ thường. Ông như bừng ngộ một điều gì đó trước đấy vẫn mù mịt trong trí não. Ðiều bừng ngộ ấy cho ông biết rằng, ông đang ở trong tay lũ quỷ sứ và chỉ có hai cách lựa chọn: Bán linh hồn để giữ thể xác hoặc ngược lại.
Tôi không biết cha tôi chọn cách nào. Chỉ biết rằng khi ông trở về với mẹ con tôi, ông như người bị hút kiệt sinh lực. Những ngày tháng cuối đời cha tôi chỉ ở trong căn buồng vừa đủ sáng để ông viết lách - trong đó có cái điều tôi vừa kể - đau đớn đến cực độ. Ông cấm tôi bén mảng đến gần cửa buồng. Cũng nhờ những lần tò mò ấy tôi mới biết cha phải vật lộn ghê gớm như thế nào để chống lại cái chết. Cha thấy nó từng khắc một, kiên nhẫn, lạnh lùng như một tên đầu sai của số phận, chờ từng phút để đem cha đi.
Cha tôi bắt đầu mê sảng và ngày một nhiều. Ông thường rú lên như bị con ác thú dồn đến cùng đường, chuẩn bị móc mắt, moi tim gan ông. Sau mỗi bận như thế ông thở dữ dội, vật vã một mình trong đêm tối. Ông nói lảm nhảm những điều rất lạ rồi gào lên nguyền rủa số phận. Chỉ khi mẹ tôi rón rén trở dậy vào với cha thì cơn đau của ông mới dịu đi đôi chút. Cha nói gì đó với mẹ và một lần như thế tôi biết rằng cha vẫn gửi đi đâu đó những lá thư - do mẹ tôi bí mật đem ra bưu điện - và đang chờ hồi âm. Nỗi chờ đợi của cha khắc khoải trong tuyệt vọng rồi lại lóe lên chút hy vọng. Vì thế ông có vẻ vẫn chưa muốn chấp nhận định mệnh khi ông luôn luôn hướng ra cửa.
Một bận tôi thấy cha thì thầm hỏi mẹ:
- Ðã thấy ai về chưa?
Mẹ tôi đáp:
- Chắc là sắp!
Tôi tự hỏi: Không biết người cha mong là ai? Có thể ông ta có phép mầu gì chăng. Sau đó cái điệp khúc "Ðã thấy ai về chưa?" thường được cha kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại cùng với những cái nuốt khan. Cho tới tận lúc qua đời người mà cha tôi chờ đợi vẫn biệt vô âm tín. Nhưng cha tôi vẫn ngóng ra cửa, vẫn hy vọng được gọi. Tôi vẫn bị cấm vào phòng cha - mặc dù tôi luôn tìm cơ hội để cưỡng lại - nơi giờ đây cha không còn sợ bị rượt đuổi nữa. Thay vì lo sợ cho cha, cha lo sợ cho số phận tôi và vì thế lúc hấp hối ông còn cố hỏi mẹ: "Chả lẽ đến giờ vẫn không ai nghe thấy lời tôi?". Mẹ tôi phải nói dối: "Có chứ! Chỉ nay mai thôi!".
Mẹ tôi thực hiện nghiêm túc lời cha, nghĩa là không cho tôi biết mảy may những bí ẩn có liên quan đến tôi. Sau khi cha tôi qua đời, những gì ông để lại mẹ đều cất cẩn thận và không bao giờ - cho đến khi mẹ đưa tôi rời làng đi nơi khác - tôi biết gì thêm ngoài những lời xì xào của mọi người, trong đó có một chi tiết tôi biết chắc chắn: Cha tôi chết đơn độc, trong bóng tối, mặt hướng ra cửa. Ông đã gọi nhưng không một ai nghe thấy.
o O o
Giống như một người bị ném vào đêm tối mịt mùng, tôi chỉ còn cách bám vào sợi dây nối giữa tiến sĩ N và tôi, đó là những kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ vẫn là cái ngày đầu tiên chúng tôi đến với nhau, bắt đầu một tình bạn vong niên.
Tôi là người thích sống lánh mình - có thể do mặc cảm cô đơn thời niên thiếu - nên rất ngại những cuộc tụ họp. ở xứ ta, dường như không tụ họp để cùng đem một kẻ nào đó ra "ăn sống nuốt tươi" chẳng khác nào người Pháp không uống rượu vang, người Tây Ban Nha không xem đấu bò, người Anh ra đường không đội mũ phớt. Mỗi dân tộc có một thói quen đáng kính để người ta phân biệt họ với người xứ khác. Thích bàn tán những chuyện cao siêu, tiện thể hạ bệ một kẻ có đầu óc lập dị là khoái cảm, đồng thời tạo ra một phần tính cách của người xứ ta. Khoái cảm này có căn nguyên lịch sử: Nỗi uất ức vì phải dùng lại những thứ của người khác. Nó cắm rễ vào đời sống tinh thần cộng đồng và vì thế không thích thì chỉ còn cách lặng lẽ tránh đi.
Vậy mà tôi không sao từ chối được lời mời viết một bài tham luận cho cuộc hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia, với chủ đề: Sự uyển chuyển trong tính cách của người Việt. Chấp nhận của tôi có lý do riêng liên quan đến người chủ trì hội nghị, giáo sư M. Ông là người hồn hậu, không giấu giếm ý định giữ chân viện trưởng khi thấy ông viện trưởng đương nhiệm gặp một vài vấn đề rắc rối. Ông muốn cuộc hội thảo này gây được tiếng vang, mặc dù, như ông nói - ông thật đáng kính về sự thật thà! - đàn gảy tai trâu mà thôi.
Bài viết của tôi có tựa đề: Ðọc lại bốn truyện cổ tích được đem ra dạy trẻ con. Ðể cho nhiều vị giáo sư, tiến sĩ - trộm vía các vị - chưa đọc bốn truyện trên khỏi rơi vào tình trạng nghe chay, tôi chép lại nội dung của từng truyện một, vì thật may là nó không tốn nhiều thì giờ lắm.
Truyện thứ nhất: Rùa chạy thi với thỏ.
Truyện thứ hai: Trí khôn của ta đây.
Truyện thứ ba: Tấm Cám.
Truyện thứ tư: Mỵ Châu - Trọng Thủy. (1)
Trong truyện đầu chúng ta dạy con em sự khôn lỏi bằng cách nói dối. Kẻ bị đem chế giễu là kẻ trung thực. Nói theo cách ngày nay thì nó được khái quát hóa bằng câu "Thật thà là cha thằng dại".
ở truyện thứ hai - tôi dừng lại để thăm dò cử tọa. Ða số các vị đều chuyển từ bực tức, do họ cho rằng tôi biến họ thành lũ trẻ đến để nghe tôi đọc truyện cổ tích, sang thái độ cảnh giác - ở truyện thứ hai - tôi tiếp - sự khôn lỏi đã được đẩy lên thành trí khôn và để đạt được nó thì phải lừa dối. Lừa dối trở thành phương tiện để đạt mục đích và nó được sự cổ vũ của sự dốt nát. Liên minh này, như các vị thấy, khá là bền vững trong lịch sử. Muốn duy trì, nó buộc phải bưng bít sự thật và kẻ nào hoài nghi chân lý do nó ban phát, kẻ đó lập tức lên giàn hỏa thiêu. Chúng ta có ngay bằng chứng sống động ở truyện thứ ba. ở truyện này, mối liên kết có vẻ có lý do hơn. Nhưng khi lý do đó bị vượt qua thì nó trở về y như mối liên kết ở truyện thứ hai: Con người bị chi phối bởi một thiết chế quyền lực. Giống như cỗ đại bác bị đứt xích trong tác phẩm của V. Hugo, tàn phá không còn là ý muốn riêng tư của nó nữa. ở truyện này cái thiện bị nhân danh và trở thành thảm hại trước cái ác. Ngoài ra ta thấy chúng như những tóm tắt của lịch sử mà người dẫn chuyện có thể tùy ý thêm bớt, thỏa mãn sự ngẫu hứng. Và tôi vẽ ra một sơ đồ hóa thân như sau:
Con rùa Người thợ cày Cô Tấm.
Ðồng minh của nó là:
Những mô đá Con trâu Nhà vua.
Phía bên kia là:
Con Thỏ Con Hổ Cô Cám.
Kẻ chiến thắng ở cuộc chiến này là quỷ và sự lừa dối.
Bây giờ tôi bàn đến truyện cuối cùng. Tôi cho rằng cuối cùng thì cái hạt nhân minh triết trong tư tưởng của người Việt đã lóe sáng. Một khi nó lóe sáng thì mọi thiết chế quyền lực sụp đổ, mọi mưu toan độc ác, lừa dối... đều vô nghĩa, hiển hiện một viên minh châu đã cứu chuộc mọi lầm lỗi, ngu muội. ở đó chỉ còn lại chân lý tối thượng, biểu hiện ra bằng tình yêu. Và những chiếc lông ngỗng không phải là kẻ chỉ điểm, không phải là minh họa cho sự khờ dại mà nó đánh dấu con đường đi đến sự vĩnh cửu.
Tôi kết luận: ở chỗ nào con người cảm nhận rõ sự thất bại của đời sống hữu hạn với hằng hà các mối ràng buộc, các thiết chế... thì ở đó văn hóa tỏa sáng.
Khi tôi kết thúc bản tham luận, theo thói quen, tôi vỗ tay và đó là tiếng vỗ tay duy nhất. Tôi thấy các cử tọa quay sang nhau bàn tán và tôi bị biến thành thằng phi lịch sử, kẻ vong ân, đứa qua mặt các cụ.
Những đòn hội chợ nện vào tôi chỉ thực sự bắt đầu vào ngày hôm sau, được khơi lên bằng một bài báo, trong đó tôi bị gán cho chẵn 10 tội. Nghe nói có vị bị lên cơn xuyễn, thề sẽ băm tôi ra làm trăm mảnh. Có vị ước mình đừng là trí thức mà là đồ tể, sẽ móc mắt tôi trước đám đông. Có cả một bài viết, chép tay nhân bản, có cái tựa đề: Thằng Quý hiếp cô Tấm bà con ơi! Trong đó tôi bị quy tội làm nhục một hình tượng bất hủ là người đàn bà. Theo tác giả: Bác nông dân, con rùa, con trâu... sẽ kéo lịch sử nước ta đi vào cõi vinh quang, là hình ảnh tượng trưng của một nhân dân cần cù, thông minh, quật khởi... nay một tên vô danh, vong ân... dám xét lại lý lịch cũng như hành vi của họ. Hắn đáng tội gì đây?
Trước đòn hội chợ, trước những bậc trích dẫn cao thủ, tôi chỉ còn cách im lặng. Tuy thế không khỏi có lúc tôi thấy bị cô độc. Tôi thường - những lúc ấy - một mình tìm đến quán cà phê vào loại hẻo lánh nhất thành phố, để được yên tĩnh suy nghĩ những điều không thể không suy nghĩ. Chính ở đó, vào một hôm tiến sĩ N, sau khi tin chắc rằng không có ai biết ông, đã chủ động làm quen với tôi. Ông bảo rằng ông đã mất khá nhiều thời gian để tìm được đến đây. Chúng tôi uống cà phê và lặng lẽ thăm dò nhau. Cuối cùng ông, với ánh mắt xa xăm nói:
- Chu Quý này, cậu đã xem bộ phim Bạch Tuộc chưa? Mình muốn cậu lưu ý đến một câu trong đó, đại thể: "Lịch sử là những gì người ta tin, hơn là những gì diễn ra".
Ngay lập tức ông im lặng, cảm thấy hối hận vì đã nói với tôi cái điều có lẽ giữ trong lòng thì hơn. Tôi không trả lời ông, chỉ nhắc lại: "Bộ phim ấy còn có tên là Một mình chống lại Mafia. Tôi thích cái tên đó hơn".
- Vì nó hợp với hoàn cảnh của cậu, đúng không?
Nhưng ngay cả những ngày sau chúng tôi vẫn không ai chủ động phá bức tường ngăn vô hình giữa chúng tôi, được dựng lên chủ yếu do tuổi tác, quan niệm, chính kiến. Bỗng một hôm ông tỏ ra rất có hứng. Ông gọi thêm hai ly cô-nhắc nhỏ và thú nhận: Tự dưng tôi như thấy mình thoát ra khỏi một tấm lưới nào đó, không còn cảm giác sợ hãi nữa. Nào, chúc mừng cậu!
- Về cái gì? - Tôi tò mò và cảnh giác nhìn ông. Ông nuốt hớp rượu đầy khoái thú, chậm rãi nói:
- Tôi suy nghĩ rất nhiều về những ý kiến của cậu được nói ra một cách mạo muội trong cuộc hội thảo hôm nọ. Tôi không bàn đến khía cạnh học thuật hoặc sự phát hiện của cậu về tính cách người Việt. Về mặt đó, chỉ cần cậu đọc cuốn tục ngữ, ca dao Việt Nam cậu sẽ thấy. Có thể khái quát một cách hơi thô thiển thế này. Ðể khẳng định một cái gì đó, người Anh bảo: có; người Ðức bảo: chắc chắn như vậy, không thể khác được; người Mỹ - dân tộc phi lịch sử - bảo: hiển nhiên rồi; người Trung Quốc bảo: luật Giời đã định thế rồi. Còn người Việt Nam mình, trước hết hãy xem thiên hạ nói gì mới trả lời: Ðể còn xem xem đã? Tôi ít thấy dân tộc nào dung hòa các mặt đối lập giỏi như dân tộc Việt. Nhưng tôi nói để vui thôi. Cái tôi thèm khát ở cậu là tinh thần tự do. Tôi không bao giờ có cái tinh thần ấy. Cậu tưởng tôi không từng suy nghĩ như cậu ư? Tôi từng tìm và khẳng định có một mối liên hệ giữa mô đá, con rùa, bác thợ cày, con trâu, cô Tấm với các thiết chế quyền lực từng chi phối lịch sử. Chẳng hạn theo tôi, Cải cách ruộng đất là một dị bản của truyện Tấm Cám, đúng hơn là một chương nối dài. Và như vậy, những vận đen của lịch sử có điểm bám rễ rất sâu - Nói đến đây ông ngước nhìn lên trời.
Đi Tìm Nhân Vật Đi Tìm Nhân Vật - Tạ Duy Anh