Để leo dốc cao, cần chầm chậm trước tiên.

Shakespeare

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 26
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Kết Luận
ủy Diệt Sinh Thái Và An Ninh Quốc Tế
Vào cuối những năm 60, sự đồng thuận về chiến tranh lạnh giữa các tổ chức chính trị ở Washington đã sụp đổ. Theo lời của thượng nghị sĩ Mark O. Hatfield, đảng viên Cộng hòa từ tiểu bang Oregon, vào gần cuối thập kỷ: “Khuynh hướng trong Quốc hội đã bắt đầu thay đổi, nhưng hầu như không thể nhận ra được. Những căng thẳng trong nền kinh tế quốc dân đã bắt đầu xuất hiện, do đổ tiền quá nhiều vào chiến tranh Việt Nam. Liên Xô được công nhận đã đạt tới mức ngang ngửa với Mỹ về số lượng vũ khí chiến lược. Huyền thoại về khối gắn kết cộng sản trên thế giới rõ ràng đã bị bị xóa tan. Những việc này dần tác động đến Quốc hội, và vài nhân vật bắt đầu kêu gọi xem xét lại vấn đề này”. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã hủy hoại nhiệm kỳ tổng thống của Lyndon Johnson, và chấm dứt giấc mơ của ông về việc hoàn thiện “Xã hội Lớn” (Great Society), một “Chính sách mới” trong những năm 1960. Lời cam kết mạnh miệng nhưng mơ hồ của John Kennedy về việc “trả bất cứ giá nào” để ủng hộ các đồng minh chiến tranh lạnh ít ăn nhập gì với thảm cảnh ở Việt Nam. Tuyên bố dữ dội nhưng không kém phần mơ hồ của Richard Nixon rằng ông đã đạt được “hòa bình trong danh dự” trong việc triệt thoái một cách lộn xộn của Mỹ khỏi Việt Nam đã chấm dứt kỉ nguyên của chủ nghĩa can thiệp tự do. Cuộc chiến tranh bắt đầu như một cuộc xung đột chống du kích cấp thấp, một màn trình diễn nhỏ nhưng quyết liệt của công nghệ và giải pháp chiến tranh lạnh. Dã tâm sai lạc nhằm“Mỹ hóa” cuộc chiến của Johnson đã phủ định tầm quan trọng chiến lược của việc chiến đấu ngăn cản sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Đối với những số công dân tại Mỹ và trên toàn thế giới không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, họ đơn giản chỉ thấy sự hủy diệt nhân mạng cũng như thiên nhiên quá lớn, mà chính phủ Mỹ lại quá kiệm lời giải thích về những gì họ muốn đạt tới.
Sự thành công của phong trào chống chiến tranh diệt là do cuộc chiến không dính líu tới quá nhiều bên và nó đã vô hiệu hóa chiến lược ngăn chặn. Nếu không, những mối quan ngại đầu tiên về sinh thái tác động đến lương tâm tập thể của những nhà khoa học phản đối đã chấm dứt giữa những năm 60. Thật vậy, chính quyền Johnson, Lầu Năm Góc, và nhiều người trong cộng đồng khoa học đã rất nỗ lực dập tắt chiến dịch trước khi nó tạo được sức lôi kéo. Trên thực tế các nhà khoa học vẫn kiên trì. Họ quan ngại sâu sắc về những ảnh hưởng sinh thái của chiến tranh diệt cỏ, vừa như một cuộc khủng hoảng thực sự nổ ra tại Việt Nam, vừa như một thảm họa giả định có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào mà rừng và chiến tranh “gặp” nhau. Các nhà khoa học đã thành công bởi vì họ tận dụng sự khủng hoảng lòng tin mang tính cá biệt giữa những gì chính phủ Mỹ có thể biết và những gì họ đã biết về thiệt hại gây ra bởi chiến tranh diệt cỏ. Trên thực tế, những bảo đảm của chính phủ về sự an toàn đối với sức khỏe và những tác động ngắn hạn lên môi trường không có cơ sở; thật vậy, nghiên cứu năm 1947 của Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) kết luận rằng có thể phải mất một thế kỷ để sinh thái hồi phục hoàn toàn. Quy mô của chiến dịch Ranch Hand lớn chưa từng có trong lịch sử thuốc diệt cỏ, và vì thế nói một cách logic thì người ta không thể đánh giá chính xác được thiệt hại của nó dựa vào phương pháp ngoại suy. Nếu như chiến tranh diệt cỏ chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ và được kiểm soát cẩn trọng dưới sự cho phép của John Kennedy, thì các nhà khoa học đã không phản kháng. Nhưng đây cũng chỉ là một điều “nếu như” trong lịch sử, như cuốn sách này đã chứng minh, sự gia tăng cường độ ồ ạt của chiến dịch Ranch Hand dưới thời Lyndon Johnson không thể tách rời khỏi sự leo thang chiến tranh nói chung.
Từ những mối quan ngại đầu tiên của các nhà khoa học vào năm 1964 đến những lời khai của họ trước Thượng nghị viện năm 1971, đến lúc Gerard Ford chính thức từ bỏ chiến tranh diệt cỏ vào năm 1975, các nhà khoa học canh cánh một mối lo sâu sắc hơn, cụ thể là những cảm xúc của họ về chiến tranh nói chung. Với tư cách những công dân tự do, Arthur Galston cùng các đồng nghiệp của ông phản đối chiến tranh một cách rõ ràng - nhưng họ đã cẩn thận tách riêng tình cảm này của họ với chiến dịch kết thúc chiến tranh diệt cỏ. Tuy nhiên, thái độ cá nhân của các nhà khoa học đã tôi luyện sự cương quyết về chính trị của họ. Như Galston đã thẳng thừng nói với tác giả trong một cuộc phỏng vấn, nếu thuốc diệt cỏ có thể làm lộ diện những pháo thủ của Đức trên những bãi biển ở Normandy thì ông sẽ cương quyết ủng hộ việc đưa chúng vào kho vũ khí của Đồng Minh. Tuy nhiên đối với Galston và các đồng nghiệp của ông, thế chiến thứ II là một cuộc chiến tranh “nhân đạo”, trong khi chiến tranh ở Việt Nam thì không. Nếu việc kết thúc sự hủy diệt sinh thái giúp chấm dứt chiến tranh thì càng tốt.
Nhưng các nhà khoa học thấy rằng chẳng có lý do gì phải công khai hợp nhất những mục tiêu này. Đây là chiến lược thận trọng; nó cho phép các nhà khoa học giữ được trọng điểm hẹp và nhờ vậy tránh được việc tạo khoảng cách với các quan chức quân đội và chính trị, bởi sự hợp tác với những người này đóng vai trò chủ chốt trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Còn đối với khía cạnh môi trường trong chương trình hành động của họ, họ đã nhường công cuộc phản chiến to lớn hơn cho những người khác. Vào cuối thập kỷ ấy, những yêu cầu đưa quân Mỹ ra khỏi Việt Nam của dân chúng từ một vấn đề nhỏ lẻ đã phát triển thành vấn đề chính trị chủ yếu. Cùng lúc đó, luận điểm của các nhà khoa học rằng những tổn hại về môi trường tại mảnh đất ở bên kia địa cầu hẳn liên quan tới quan ngại về sự tồn vong của sinh thái và địa cầu trong thập niên 60. Như nhà lịch sử môi trường học Adam Rome nói: một nền văn hóa sống trong ám ảnh về sự hủy diệt hạt nhân hàng loạt tự nhiên sẽ tiếp cận các vấn đề sinh thái ở góc độ vượt ngoài biên giới quốc gia. Vào cuối thập kỷ, vấn đề môi trường cốt yếu là liệu loài người có thể sống sót không chứ không phải người Mỹ có sống sót không. Đó là câu hỏi Rachel Carson đã đặt ra trong cuốn Mùa xuân im lặng.
Tuy ngày càng lo lắng hơn về chiến tranh Việt Nam và tình trạng môi trường trên thế giới, các nhà khoa học lại lúng túng vì hai phong trào môi trường và phản chiến nằm ngoài tầm hiểu biết chuyên biệt của họ. Họ không thể thành công nếu thiếu một trong hai phong trào, nhưng họ không dấn thân vào cái nào. Điều này cho phép Arthur Galston và đồng sự của mình giữ được vẻ khách quan khoa học, mà nếu không có nó, họ sẽ không tiếp cận được những vùng chiến bị phun thuốc và hưởng sự đồng tình từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (SCFR). Từ có ý nghĩa nhất ở đây là từ “bầu không khí”, bởi vì dĩ nhiên không có gì khách quan trong chiến dịch vận động kết thúc chiến tranh diệt cỏ cả. Chương trình hoạt động của họ là sự chính trị hóa khoa học xuất sắc.
Chinh tại hội đồng Thượng viện, các nhà khoa học đã nêu đầy đủ một tầm nhìn mới về an ninh quốc tế - một tầm nhìn không hề liên quan đến những chiến thuật, chiến lược phản ánh các chính sách của Mỹ từ khi bắt đầu chiến tranh lạnh. Vì chính những chính sách này tạo ra chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam, các nhà khoa học phản đối đã giành được quyền xác định ý nghĩa của chiến dịch Ranch Hand. Cái mà các quan chức quân sự và chính trị coi là chiến thuật không thể thiếu để chiến thắng, thì các nhà khoa học lại xem là hành động hủy diệt sinh thái - một thảm họa đạo đức và một sự vi phạm các quy tắc quốc tế. Thảm họa môi trường mà chiến dịch Ranch Hand gây ra - và viễn cảnh các quốc gia lớn nhỏ đều có thể lặp lại thảm họa đó ở bất cứ đâu - khiến các nhà khoa học tin rằng nỗi sợ hãi lớn nhất trước sự xâm lấn toàn cầu của cộng sản không thể biện hộ cho việc sử dụng thuốc diệt cỏ trong tương lai. Và trái với những điều được thổi phồng về các chính sách vũ khí hóa sinh học của Richard Nixon, không có cơ hội nào tốt hơn để chặn đứng chiến tranh sinh hóa bằng việc từ bỏ các loại vũ khí mà Mỹ đã sử dụng trong thực tế - chứ không chỉ là những loại mà quân đội Mỹ dự trữ cho các cuộc chiến theo giả thuyết trong tương lai.
Sự bất mãn gây ra bởi chiến tranh Việt Nam cùng với hệ quả là sự mất niềm tin vào các chính sách ngăn chặn của Mỹ đã tạo điều kiện định lại khái niệm an ninh quốc tế theo những cách mới. Giữa những quan ngại ngày càng sâu sắc về nguồn tài nguyên sụt giảm nhanh chóng đi kèm với sự bùng nổ dân số toàn cầu, theo cách nhìn của giới khoa học, bóng ma hủy diệt sinh thái diện rộng trong chiến tranh là hành động điên rồ cực đoan. Chiến tranh diệt cỏ tạo ra tai ương thực sự tại một nơi cụ thể, nhưng nó cũng là một thảm họa mang tính giả định (nhưng thực tế) chực chờ xảy ra trên toàn cầu. Lời khẳng định rằng Mỹ cam kết chính thức từ bỏ chiến tranh diệt cỏ hoàn toàn không có tác dụng giúp Việt Nam hồi phục. Thay vào đó, nó là một lời giải thích khéo léo và hợp lý khi để các mối đe dọa môi trường dễ dàng vượt qua các ranh giới về chính trị. Thực tế này đòi hỏi quốc tế hóa chiến thắng về mặt lập pháp của các nhà khoa học bên ngoài phạm vi Washington.
Đối với Arthur Galston và các đồng nghiệp của ông, việc phê chuẩn Nghị định thư Geneva là một thành công vô cùng to lớn và tiêu tốn nhiều thời gian. Mối tranh cãi về thuốc diệt cỏ là một tập phim mà trong đó, việc vận động hành lang và biểu tình chính trị của một nhóm các diễn viên phi chính phủ có khả năng thay đổi chính sách chính thức của Mỹ ở mức độ cao nhất - một điều hiếm có trong lịch sử đấu tranh phản chiến lâu dài và phức tạp trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Nhưng thành quả của các nhà khoa học sẽ còn dang dở nếu họ chỉ giới hạn hành động trong tầm vóc quốc gia. Mặc dù lời phủ nhận chính thức của Gerard Ford đối với việc sử dụng chiến tranh diệt cỏ lần đầu tiên có đủ sức nặng pháp lý và chính trị cho vấn đề cần giải quyết, đó là vấn đề môi trường đã đi vào phạm vi an ninh quốc tế, nhưng dĩ nhiên, bản thân Nghị định thư Geneva không phải một công cụ của luật hay chính sách môi trường quốc tế. Và do đó, nếu các nhà khoa học không tiếp tục đấu tranh ở phạm vi toàn cầu, nhằm tạo ra một cơ cấu hợp tác môi trường quốc tế - một chế độ môi trường quốc tế - họ sẽ không thể hài lòng là đã hoàn thành nhiệm vụ.
May mắn thay, một cơ chế như vậy đã bước đầu được hình thành và có tiềm năng tiếp nhận những vấn đề “nóng” như chiến tranh Việt Nam. Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) là một tổ chức mà sự phát triển của nó có mối liên hệ trực tiếp tới những rạn nứt quốc tế được sinh ra và khoét sâu thêm bởi chiến tranh Việt Nam. Điều quan trọng là UNEP đã cung cấp cho các nhà khoa học một cơ sở chính trị chính thức mà những hiệp hội không chính thức như Ngày Trái Đất vốn thiếu. Những người điều hành hiệp hội ấy tuy có chung tầm nhìn sáng lập với UNEP nhưng lại thiếu sự hỗ trợ về thẩm quyền từ Liên Hiệp Quốc và các nước thành viên. Trong diễn đàn mới này, các nhà khoa học tin rằng chiến dịch chấm dứt chiến tranh diệt cỏ của mình, với vai trò bảo vệ môi trường xuyên quốc gia, có thể được ghi nhận vào nhiệm vụ của chính sách quốc tế.
Sự thôi thúc đưa các vấn đề môi trường vào phạm vi bảo trợ của Liên Hiệp Quốc là nhờ Thụy Điển. Năm 1968, đại diện nước này đã thành công trong việc thông qua nghị quyết “tạo ra một cơ cấu tổ chức để Liên Hiệp Quốc có thể xem xét kỹ càng các vấn đề về môi trường sống của con người để tập trung sự chú ý của chính phủ các nước và công luận vào tính quan trọng và cấp bách của vấn đề này. Sau hai năm, với một số ủy ban kế hoạch được thiết lập, nhà tư bản công nghiệp người Canada tên Maurice Strong đã trở thành tổng thư ký của UNEP và thường xuyên cảnh báo về các hiểm họa khắp hành tinh bởi sự suy thoái môi trường đặt ra. Trong cuộc tranh luận tại Đại hội đồng và trong các cuộc họp toàn thể về hội nghị môi trường sắp tới, cụm từ giờ đã lỗi thời “môi trường loài người” mà Strong sử dụng có ba lớp nghĩa: trước hết, thuật ngữ này thể hiện một mối liên hệ chặt chẽ (tuy chưa được công nhận) giữa các xã hội loài người và môi trường mà chúng phụ thuộc; thứ hai, Strong đã cố ý sử dụng một thuật ngữ có nghĩa rộng, để UNEP có thể cùng với các nước thành viên đưa ra các chính sách diện rộng nhằm làm dịu các vấn đề môi trường có tác động vượt khỏi phạm vi quốc gia; thứ ba, việc cụm từ có nghĩa khá mơ hồ cũng là có chủ đích bởi các nhà soạn thảo của UNEP hiểu rằng tổ chức mới sẽ thừa hưởng những vấn đề cũ thuộc hệ thống Westphalia, cụ thể là, làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích quốc gia của các nước có chủ quyền và lợi ích chung của sự thống trị của các siêu cường quốc.
Trong một bài diễn văn của Strong nhằm thu hút sự quan tâm và hỗ trợ đối với UNEP và hội nghị khai mạc sắp tới của tổ chức này, tổng thư ký nêu ra rằng những vấn đề môi trường loài người đang đối mặt đòi hỏi sự hợp tác mới mang tầm quốc tế:
“Những mối đe dọa từ chiến tranh hạt nhân đối với sự tồn vong của loài người có thể tạm thời chưa xảy ra cho tới khi ai đó “nhấn nút”; nhưng hiểm họa đe dọa sự sinh tồn của loài người xuất phát từ việc chúng ta can thiệp vào môi trường tự nhiên thì mang bản chất khác. Mỗi người chúng ta ở đây đều đang đặt ngón tay lên nút ấy, và trách nhiệm này đỏi hỏi chúng ta phải hành động bây giờ nhằm tránh những nguy hiểm chưa xảy ra cho thế hệ kế tiếp hoặc xa hơn nữa, nhưng vẫn chực chờ ở đời con hoặc cháu chúng ta, một khi chúng đã trở thành những mối đe dọa gần kề thì vô phương cứu vãn. Những vấn đề này liên quan đến quan hệ nhân quả, bị tách rời khỏi các ưu tiên cấp thiết và tức thời. Việc giải quyết các vấn đề này đòi hỏi đòi hỏi một ý chí chính trị được khai sáng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người từ những dân tộc và quốc gia trên thế giới…
Trong tháng sáu năm 1972, Stockholm đã tổ chức Hội nghị thường niên đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về Môi trường Con Người. Vai trò trung tâm của Thụy Điển trong việc xây dựng UNEP cũng như điều hành nó và mối quan hệ căng thẳng giữa Thụy Điển và Mỹ về vấn đề Việt Nam không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nổi bật giữa các nước nằm ngoài quỹ đạo cộng sản, kể từ giữa những năm 60, các nhà cầm quyền Thụy Điển đã nhiều lần phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, cho rằng đây là một thảm họa kinh hoàng và không cần thiết. Đối với Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, hội nghị UNEP năm 1972 là một nền tảng hợp lý để tiếp tục việc đả kích chiến tranh Việt Nam mà ông đã thực hiện kể từ khi vào chính phủ Thụy Điển gần mười năm trước đó. Người đứng đầu chính phủ Thụy Điển, ông Palme không hề cho rằng mình cần phải hạ giọng trong bài hùng biện phản đối chiến tranh của mình, mặc dù ông biết rất rõ rằng những nhận xét của ông có thể làm lạc hướng hội nghị. Trong bài diễn văn khai mạc, ngài thủ tướng đã công khai chỉ trích “nạn hủy diệt sinh thái” ở Việt Nam. Ông tuyên bố “Điều quan trọng nhất là chiến tranh sinh thái dừng lại ngay lập tức”.
Kể từ khi nghị định Geneva thất bại tại Thượng viện và chính quyền Nixon bắt đầu quan tâm tới những tranh cãi và sự phẫn nộ liên quan Chất độc da cam, tổng thống đã phái Russell Train, đại diện của Mỹ tại UNEP, gạt những vấn đề liên quan tới nạn hủy diệt môi trường ở Việt Nam ra khỏi chương trình nghị sự chính thức. Thực tế, việc UNEP hứa không đả động tới việc tàn phá môi trường ở Việt Nam là điều kiện tiên quyết để Mỹ tham gia hội nghị. Theo như miêu tả của một tờ báo, khi nghe thủ tướng Palme lên án “nạn hủy diệt sinh thái” của Mỹ, Train tỏ ra vô cùng tức giận, gọi phát biểu của Palme là một hành động “chính trị hóa cuộc thảo luận về môi trường một cách vô cớ” và đe dọa rằng đại biểu của Mỹ sẽ rút khỏi hội nghị. Ngày tiếp theo, đoàn đại biểu của Trung Quốc tiếp tục thêm vào những nhận xét của Palme. Theo như một bức điện tín của Bộ ngoại giao, đại biểu nước này đã phản đối, cho rằng không có lý do chính đáng nào cho việc loại bỏ hồ sơ về các chính sách “gây nhiễm độc môi trường Việt Nam” của Mỹ khỏi tài liệu chính thức của hội nghị. Bất kể có “lý do chính đáng” hay không, Mỹ cũng đã cố gắng gạt được những vấn đề về Việt Nam ra khỏi hồ sơ.
Những người gièm pha UNEP thì coi việc tổ chức này loại nạn hủy diệt sinh thái ra khỏi hội nghị là một bằng chứng cho thấy những người tổ chức hội nghị Stockholm chỉ muốn diễn một màn kịch khéo, thay vì giải quyết các vấn đề nổi cộm vào lúc đó. Nếu chấp nhận việc Russell Train phản đối “chính trị hóa” các vấn đề môi trường là hợp lý, thì mọi tranh luận trọng yếu khác trong chương trình của UNEP đều không hợp để bàn tới. Cụ thể hơn, Điều 21 của Tuyên bố Stockholm (biên bản tóm tắt diễn tiến hội nghị) chỉ ra rằng “các quốc gia có chủ quyền được quyền khai thác tài nguyên của nước mình, tuân theo các chính sách môi trường của riêng nước đó, miễn là hoạt động nằm trong tầm kiểm soát của họ không gây ảnh hưởng tới môi trường của các nước khác”. Một nhà phê bình đã đưa ra nhận xét về Điều 21: “Tóm lại, các nước thành viên đồng ý hợp tác, nhưng họ muốn làm rõ rằng sự hợp tác này không xâm phạm tới các quyền quyết định của họ”. Một đánh giá khác thậm chí còn thẳng thừng nêu ra rằng ngoài những lời khoa trương của tổng thư ký ra, không có ý kiến nào trong UNEP thực sự cho rằng vấn đề môi trường không còn là vấn đề quốc gia - mặc dù tinh thần nền tảng của UNEP coi lối suy nghĩ như thế là lỗi thời, thậm chí nguy hiểm.
Tuy vậy, quy luật của những hậu quả không lường trước - như trường hợp của chính quyền Nixon và việc họ tính sai về tầm quan trọng của những tranh cãi về thuốc diệt cỏ - đã mang lại những kết quả thú vị nhất tại hội nghị. Thực tế có hai hội nghị được tổ chức song song ở Stockholm: một là dưới sự bảo trợ chính thức của Liên Hiệp Quốc, và một hội nghị huyên náo hơn ở các con phố và công viên gần đó. Một số người có mặt đã khéo đặt tên hội nghị thứ cấp này là “Woodstockholm”. Sự kiện này xứng với tên gọi của nó, với hàng ngàn người trong thành phố dựng lều trại, dàn dựng các buổi hòa nhạc rock và các cuộc tuần hành phản đối. Mặc dù những người tham gia hội nghị thứ cấp này không có gì hơn một chương trình nghị sự thống nhất hơn so với các quan chức cầm quyền, họ đều hiểu rằng những hạn chế và ràng buộc trong văn bản chính thức sẽ khiến UNEP không thể đưa ra những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường có thực xuyên quốc gia. Mặt khác, những người tham gia “Woodstockholm” cũng nhận ra rằng, xét về khía cạnh tuyên truyền, hội nghị Stockholm là một sự kiện nổi bật: hội nghị kéo dài mười một ngày đã thu hút khoảng 1200 nhà ngoại giao và nguyên thủ, vài ngàn chuyên gia về các vấn đề môi trường và quản trị toàn cầu cũng như sự hiếu kỳ của truyền thông quốc tế. Đó là một cơ hội hiếm hoi để thu hút sự chú ý về môi trường.
Hai trong số các nhà khoa học chủ chốt phản đối chiến tranh diệt cỏ, Arthur Westing và E. W. Pfeiffer, đã tham gia một hội nghị khác tổ chức trùng thời gian, tuy họ rất hy vọng Mỹ cho phép nêu ra vấn đề Chất độc da cam trong diễn đàn chính thức. Tuy vậy, đây cũng là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Hai ngày trước khi hội nghị chính thức bắt đầu, Westing và Pfeiffer đã giúp tổ chức một hội nghị về hậu quả của nạn hủy diệt sinh thái ở Việt Nam và những tác hại khác đối với thiên nhiên và con người Việt Nam do hậu quả chiến tranh. Mặc dù cuộc họp khô khan hơn các sự kiện sôi động diễn ra sau đó, nhưng đã nối kết được các nhà lý luận pháp lý và các nhà khoa học trên toàn thế giới. Trong suốt các cuộc nói chuyện và thuyết trình, họ đều hiểu rõ tại sao đoàn đại biểu chính thức của Mỹ lại gạt vấn đề về Việt Nam ra khỏi chương trình nghị sự: nếu không, UNEP sẽ trở thành một ủy ban lâm thời về tội ác chiến tranh, chủ yếu dựa trên giả thuyết rằng chiến tranh diệt cỏ vi phạm Nghị định thư Geneva. Như Arthur Westing nhớ lại, đây là những luận điệu nghiêm trọng cáo buộc hành vi tội ác thu hút sự chú ý của các quan chức chủ chốt. Ví dụ, thủ tướng Olof Palme đã phải đề cập đến nạn hủy diệt sinh thái trong bài diễn văn khai mạc của mình sau khi ông được nghe Westing và Pfeiffer kể về công trình cũng như kinh nghiệm của họ trong việc nghiên cứu sự hủy diệt sinh thái ở Việt Nam.
Người ta không thể đo lường chính xác được những ảnh hưởng của các nhà khoa học liên quan tới vấn đề hủy diệt môi trường và ứng xử quốc tế. Dù vậy khó mà bỏ qua công lao của họ trong việc gạt bỏ chiến tranh diệt cỏ trong xung đột quốc tế thời kì hậu (chiến tranh) Việt Nam. Những nỗ lực của các nhà khoa học đã kết hợp nghị định Geneva và chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) lại thành cú đấm liên hoàn. Ở Washington họ đã buộc các chính sách của chính phủ phải tuân thủ theo một hiệp ước quốc tế dựa trên lý lẽ liên quan đến môi trường hơn là pháp lý; ở Stockholm, họ đã đối đầu và vô hiệu hóa những gì được họ coi là nỗ lực hèn nhát của Hoa Kì nhằm kiểm duyệt tất cả những tài liệu tham khảo có liên quan đến chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam - một chiến dịch thời chiến có ảnh hưởng ấn tượng nhất, giao thoa giữa vấn đề môi trường và quốc tế trong thời hiện đại.
Tuy nhiên, chiến thắng của các nhà khoa học vẫn có ý nghĩa khi một cơ chế quốc tế nhằm kết hợp những điều cấm trong hiệp ước với phạm vi một thỏa thuận quốc tế được tạo thành. Điều đó có nghĩa là, kể cả nghị định Geneva cũng như hội nghị Stockholm đều không được thiết kế đặc biệt nhằm hoàn thiện mục tiêu cơ bản của các nhà khoa học: ngăn chặn sự phá hủy môi trường có chủ đích trong chiến tranh. Thuốc diệt cỏ có giá rẻ và rất sẵn, nhưng các nhà khoa học đã nhận ra rằng những bộ luật hướng tới việc cấm chiến tranh diệt cỏ một cách quá cụ thể chỉ kích thích “tổ hợp quân sự- công nghiệp” tại Mỹ cũng như tại những nơi khác phát triển những phương tiện công nghệ khác để đạt được cùng một mục đích. Dấu hiệu đầu tiên của một giải pháp hoàn thiện hơn cho những nỗ lực của các nhà khoa học đã đến vào năm 1974, khi Mỹ và Liên Xô nhận ra cơ hội cùng tuyên bố tự nguyện hạn chế chiến tranh môi trường. Tại thời điểm đó, tổng thống Ford đã sẵn sàng để tuyên bố từ bỏ chiến tranh diệt cỏ; vậy một thuật ngữ mang nghĩa chung hơn là “chiến tranh môi trường” rõ ràng sẽ đặt thuốc diệt cỏ trong vùng hạn chế của một hiệp ước tương lai mà không cần trực tiếp công nhận rằng, chính mong muốn ngăn chặn hành động hủy diệt sinh thái trong tương lai là động lực xây dựng hiệp ước như vậy.
Thỏa thuận này cuối cùng đã được chuyển thành “Công ước về việc cấm sử dụng các kĩ thuật biến đổi môi trường cho mục đích quân sự hay bất kì hành động thù địch nào khác” của Mỹ, được đưa ra ký kết tại Geneva vào ngày 18 tháng Năm năm 1977.
Đa số các quốc gia trên thế giới đều kí kết hiệp ước này. Mặc dù có nhà khoa học từng tham gia phản đối thuốc diệt cỏ chỉ trích rằng ENMOD, tức khái niệm “kĩ thuật biến đổi môi trường”, có quá nhiều sơ hở, không thể khống chế và kiểm soát nghiêm ngặt sự tuân thủ, nhưng rõ ràng nhờ vào Nghị định Geneva, hội nghị Stockholm hay một hiệp ước được thiết kế một cách cụ thể nhằm ngăn chặn phá hủy môi trường trong giai đoạn chiến tranh (hay sự kết hợp của cả 3) mà không một quốc gia lớn nào khởi động chiến dịch nhằm làm hại môi trường một cách có hệ thống và có tính toán trong suốt giai đoạn chiến tranh.
Ngoại lệ lớn nhất của chuẩn mực quốc tế này là sự phá hủy các vùng đầm lầy phía nam Iraq của Saddam Hussein trong những năm sau chiến tranh Vùng Vịnh Ba Tư. Chính sách của những người thuộc Đảng Xã hội phục hưng A-rập (BAATH) về việc xây đập thượng nguồn của các con sông Tigris và Euphrates đã tàn phá một cách có chủ ý nếp sống cổ xưa của người Marsh Arabs (người A-rập đầm lầy), phần lớn trong số họ là người Hồi giáo dòng Shia mong muốn có quyền tự trị lớn hơn từ Saddam sau khi quân đội của ông bị đánh đuổi bởi lực lượng liên quân trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”. Chiến tranh chống lại người Marsh Arabs và những vùng đất tổ tiên của họ đã được công nhận trong các tài liệu pháp lí như một hành động diệt chủng môi trường và là sự vi phạm những điều khoản của hiệp ước ENMOD. Điều đáng chú ý là, chúng ta nhận thấy Saddam Hussein, thủ phạm chính của chiến tranh môi trường kể từ sau chiến tranh Việt Nam cũng, có thể, là người vi phạm nhiều nhất những chuẩn mực quốc tế nói chung trong thời gian gần đây. Một điều đáng chú ý không kém là Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã dẫn đầu những nỗ lực quốc tế nhằm lôi kéo sự quan tâm của thế giới đến tình cảnh khó khăn của người Marsh Arabs và khu vực sống của họ.
Cuối cùng, nhìn vào những gì được xem như là nhân tố môi trường trong nỗ lực không ngừng của Washington nhằm xóa bay “hội chứng Việt Nam” dù dưới bất kì hình thức nào, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã cho ra đời một dự án tái định cư và phục hồi các vùng đầm lầy chỉ vài tháng sau khi Mỹ xâm lược Iraq tháng 3 năm 2003. Dự án đang được tiến hành này đã mang lại những khôi phục đáng kể trong khu vực và đưa hàng ngàn người dân tị nạn trở về với vùng đất tổ tiên của họ.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước cuộc khủng hoảng vùng đầm lầy Iraq cho thấy không chỉ quan niệm về diệt chủng môi trường mà cả chuẩn mực hiện tại về những vấn đề môi trường giữa các tổ chức quốc tế đã được hình thành. Không giống sự suy thoái môi trường đi kèm với quá trình sản xuất công nghiệp và khai thác tài nguyên; hành động diệt chủng môi trường đã và vẫn đang là một chiến thuật của chiến tranh nhằm vào con người thông qua hủy diệt môi trường. Luật quốc tế thừa nhận khả năng tiến hành tấn công chống lại bên nào muốn xúc tiến hành động hủy diệt sinh thái trong cuộc chiến tương lai. Đoạn mở đầu trong tuyên bố sáng lập Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) năm 1972 đã tóm lược những mối quan tâm về sinh thái cũng như chủ nghĩa quốc tế, mà nhờ đó, làn sóng chống đối lại chiến tranh diệt cỏ, kéo theo nhiều lệnh cấm về chiến tranh môi trường, đã được phát động:
Con người vừa là sinh vật, vừa là người hình thành nên môi trường sống của mình, điều này đã cho họ sự bổ sung về thể chất và ban cho họ cơ hội có được trí tuệ, đạo đức, phát triển xã hội cùng như tâm hồn. Trong quá trình tiến hóa lâu dài và phức tạp của loài người trên hành tinh này, chúng ta đã tới giai đoạn mà, thông qua sự gia tăng nhanh chóng của khoa học và công nghệ, con người có được sức mạnh để biến đổi môi trường của mình bằng vô số cách và trên quy mô chưa từng thấy. Cả hai mặt của môi trường: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo, đều vô cùng quan trọng để con người được hưởng những quyền lợi cơ bản và sự thịnh vượng.
Việc bảo vệ và cải thiện môi trường nhân sinh là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến hạnh phúc của mọi người và sự phát triển kinh tế trên toàn cầu; đó là niềm mong mỏi cấp thiết của nhiều dân tộc trên khắp thế giới và cũng là trách nhiệm của chính phủ các nước.
Vào năm 1965, tư tưởng này được xem vào cấp tiến, nó tiến thêm một bước vào năm 1972 và ngày nay có thể coi là đã trưởng thành. Trong những tranh luận lịch sử không ngừng xung quanh bài học về Việt Nam, nghiên cứu này phản ánh quá trình nhóm người phi chính phủ thúc đẩy một tầm nhìn về an ninh quốc tế dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau và hiểm họa môi trường chung của loài người. Được coi như là những vết thương cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, những di chứng đau thương và phức tạp của chất độc da cam đã để lại một bài học mạnh mẽ về việc giải quyết vấn đề chính trị. Kể từ khi chấm dứt chiến dịch Ranch Hand vào năm 1971, chiến tranh Việt Nam vẫn là chiến trường duy nhất sử dụng chất độc da cam. Xét thời điểm giữa thập niên 60, khi phong trào phản đối của các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu, thật khó lòng tưởng tượng nổi thành tựu và các chế định quốc tế mà làn sóng đó tạo ra.
Hết
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam