Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 26
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Khảo Sát Một Thảm Họa
uộc chiến tranh của mỹ tại Việt Nam không phải là cuộc chiến đầu tiên tàn phá sinh thái với quy mô lớn ở đất nước này. Nhật cũng đã tàn phá rừng Việt Nam trong thời gian chiếm đóng trong thế chiến thứ II. Để đạt được mục đích chính của Nhật là bòn rút tài nguyên thiên nhiên từ Đông Dương nhiều nhất có có thể, lính Nhật đã đốn sạch năm mươi ngàn héc-ta rừng cây gỗ nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam. Rừng ở nơi đây lại tiếp tục bị tàn phá nặng nề trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), khiến một quan sát viên người Mỹ, trước khi Mỹ tham chiến ở Việt Nam, phải ví tình trạng rừng ở đất nước này và những người sống nhờ rừng giống như “một bệnh nhân ốm nặng mà ta cần bảo vệ và chăm sóc đặc biệt”. Những nhà khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ càng cảm thấy thương cảm hơn khi chiến tranh diệt cỏ được tiến hành trên khu vực đa dạng sinh học (và hầu như chưa được nghiên cứu đầy đủ.)
Vùng sinh thái chính của miền Nam Việt Nam (ngày nay là khu vực miền nam của Việt Nam thống nhất) nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có các nhánh sông và các đồng bằng phù sa với đất đai vô cùng màu mỡ, được mệnh danh là “vựa lúa” của Đông Nam Á. Dưới thời Sài Gòn (hay còn gọi là thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975), sông Mê Kông đổ ra Thái Bình Dương, hoàn tất cuộc hành trình hơn 4,300 km bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, uốn lượn qua Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia trước khi tới vùng đồng bằng do phù sa bồi đắp ở Việt Nam. Về phía bắc và phía đông là dải rừng rụng lá thường xanh phong phú. Về phía nam ven biển của vùng Cửu Long là các khu rừng đước ngập mặn rộng lớn (hình 11).
H11
Ở các khu vực khô hạn hơn, cây thông chiếm ưu thế. Các khu vực ẩm ướt ở bắc Sài Gòn có hệ sinh vật đa dạng, với rừng xích đạo đặc trưng. Miền Nam Việt Nam chịu ảnh hưởng gió mùa từ biển Đông. Vào mùa mưa, lượng mưa có thể lên tới hơn 2000 mm, kéo dài từ tháng năm tới tháng mười một, tiếp theo là một mùa khô kết thúc vào mùa xuân sau. Sự đa dạng của độ ẩm theo mùa và theo khu vực tạo ra đất đỏ, vàng, và màu xám ở cả vùng với mức độ axit và màu mỡ khác nhau. Ở các vùng đất canh tác, thổ nhưỡng phong phú cho phép trồng trọt hàng trăm loài cây lương thực và cây ăn quả. Về phía bắc, gần cố đô Huế và khu vực phi quân sự ở vĩ tuyến 17 trước đây là vùng Tây Nguyên. Những dãy núi chạy từ bắc xuống nam, qua những khu rừng nhiệt đới dày đặc nhất. Những khu rừng này đã bị đốn hạ suốt hàng ngàn năm qua để làm ruộng bậc thang trồng ngô và lạc. Khu vực này cũng sản xuất ra nhiều sản phẩm thương mại xuất khẩu như cao su và cà phê.
Các số liệu chính thức đã ước tính rằng có khoảng 2,500 loài cá, bò sát, chim và động vật có vú quý hiếm ở miền Nam Việt Nam. Sự đa dạng của quần thể động thực vật ở miền Nam Việt Nam khiến người ta không thể nào khái quát hóa về hệ sinh thái ở vùng này. Hay nói cách khác, so với những vùng khác, môi trường ở miền Nam phong phú đến kinh ngạc. Sự đa dạng sinh thái ở Việt Nam càng đặc biệt hơn khi ta xem xét về dấu ấn con người để lại nơi đây. Vùng này đã không còn “nguyên thủy” suốt 4000 năm qua. Theo như ghi chép của một nghiên cứu gần đây, nhiều khu vực ở Việt Nam “nằm trong số những môi trường bị tác động thường xuyên và lâu đời nhất trên thế giới”.
Các nhà khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ hiểu rất rõ điều này. Họ không cố gắng “bảo vệ” một “khu vườn địa đàng” mơ mộng nào đó khỏi sự ảnh hưởng của con người, họ chống lại chiến dịch Ranch Hand là để bảo vệ chính những người bằng xương bằng thịt ở vùng bị phun thuốc. Arthur Galston, giáo sư sinh vật học tại đại học Yale, đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu của mình khi ông đưa khái niệm “nạn hủy diệt sinh thái” vào hệ thống từ vựng hiện đại:
“Dường như đối với tôi, sự tàn phá môi trường có chủ đích trong thời gian dài ở nơi người ta có thể sống theo cách họ muốn, giống như một tội ác chống lại loài người, mà tôi gọi là“sự hủy diệt sinh thái”… Hiện tại, Mỹ là nước duy nhất có lẽ đang gây ra nạn hủy diệt sinh thái đối với một đất nước khác là Việt Nam, thông qua việc sử dụng những hóa chất gây rụng lá và thuốc diệt cỏ với số lượng lớn”.
Vào cuối những năm 60, các quan chức quân đội Mỹ quyết định dùng cách tiếp cận khác để làm dịu đi dư luận khoa học về chiến tranh diệt cỏ. Đây là một hướng đi tất yếu; bởi những cố gắng trước đây để ngăn cách hay thậm chí đánh lừa các nhà khoa học đang lo sợ về một thảm họa sinh thái đã không thể khiến họ quên đi chiến dịch Ranch Hand. Dù sao đi nữa chiến lược đó đã phản tác dụng. Vì thế, các quan chức quân sự đã chấp nhận cho phép các nhà khoa học của chính phủ tiến hành phân tích chương trình thuốc diệt cỏ về mặt sinh thái. Vào tháng Một năm 1968, C. E. Minarik, giám đốc của phòng nghiên cứu khoa học thực vật tại Fort Detrik (một điểm nghiên cứu thuốc diệt cỏ của quân đội khá lâu đời), đã đưa ra một bản báo cáo tại một hội thảo hàng năm của khu vực Đông Bắc về việc kiểm soát cỏ dại. Sau bài thuyết trình của Minarik vài ngày, MRI cũng công bố báo cáo của mình.
Bản báo cáo của Minarik đặc biệt nhấn mạnh giá trị quân sự của chiến tranh diệt cỏ và cho rằng nguy cơ Việt Nam phải chịu những tác hại sinh thái lâu dài là rất thấp. Minarik cũng chỉ ra những lợi ích bất ngờ của việc làm rụng lá: ông ta cho rằng chiến dịch Ranch Hand đã giúp những người lái đò có thể phát hiện ra khách hàng tiềm năng dọc những bờ sông thoáng đãng. Bài báo cáo cũng đề cao sự an toàn của Chất độc da cam và các loại thuốc diệt cỏ khác khi tiếp xúc với con người, và cho rằng Ranch Hand gần như là một dự án phát triển vì người dân nơi đây: những cây đã chết có thể làm than rất tốt (là chất đốt chủ yếu ở khu vực nông thôn); những khu vực đã bị rụng lá có thể làm ruộng cày; và khi dọn sạch những lùm bụi thì tạo điều kiện thuận lợi để đặt đường dân điện và điện thoại.
Tờ báo công nghiệp uy tín “Tuần báo hóa chất”, đã trích dẫn một nguồn tin giấu tên từ Lầu Năm Góc, viết rằng các cấp trên của Minarik ở Bộ quốc phòng đã hoàn toàn bác bỏ bản báo cáo đầu tiên của ông ấy. Mặc dù tính chính xác thông tin này không thể xác nhận được, nhưng cũng chẳng có lí do gì để không tin nó. Trong đánh giá ban đầu của mình, Minarik có thể đã nghi ngờ hoặc nói ngược lại với những đảm bảo lặp đi lặp lại của Lầu Năm Góc về tính an toàn sinh thái của chiến dịch Ranch Hand. John Foster, giám đốc của Chương trình Kỹ thuật và nghiên cứu quốc phòng tại Lầu Năm Góc, đã tóm tắt tình hình: “Các nhà khoa học có trình độ, cả trong và ngoài chính phủ nước ta, hay ở chính phủ các nước khác, đã đánh giá rằng những hậu quả xấu và trầm trọng sẽ không xảy ra. Nếu chúng tôi không tự tin về những đánh giá này thì chúng tôi đã không tiếp tục sử dụng thuốc diệt cỏ”. Foster không nêu đích danh những nhà khoa học này, và chắc chắn Bert Pfeiffer và đồng sự của mình sẽ không biết họ. Vấn đề là các quan chức Lầu Năm Góc nói vậy chứ không phải vậy. Nếu họ thật sự tin rằng chất diệt cỏ không gây hậu quả lớn thì những nhà khoa học biểu tình đã có cơ hội tiếp cận với khu vực bị phun thuốc vào năm 1968 chứ không phải tận năm 1970.
Việc giao tiếp nội bộ giữa NAS và AAAS vào tháng Năm đã chỉ ra tính đáng ngờ của bản báo cáo Minarik đệ trình. Harold J Coolidge, giám đốc điều hành của NAS, đã viết cho Dael Wolfle, quản lý của AAAS, về chuyến đi của ông tới Việt Nam vào tháng Một. Chuyến đi do phái đoàn khoa học giáo dục thuộc cơ quan phát triển quốc tế Mỹ dẫn đầu và có mục đích chính không liên quan gì tới nghiên cứu thuốc diệt cỏ. Nhưng Coolidge tự bàn luận vấn đề này riêng với các đồng nghiệp Việt Nam đang làm việc tại Cục kiểm lâm và Bộ Nông nghiệp. Ông đã viết cho Wolfle như sau: “Tôi hiểu rất rõ những mối quan tâm của mọi người về việc hàng ngàn héc ta rừng và đất trồng trọt đang bị ảnh hưởng… Không ai biết những chất độc ấy sẽ gây ra những tác động lâu dài gì, và không ai biết về các cuộc nghiên cứu khoa học đang được tiến hành ở miền Nam Việt Nam để xác định những tác động ấy”. Coolidge tiếp tục thuyết phục AAAS ủng hộ nghiên cứu độc lập của ông. Từ năm 1966, E. W. Pffeifer đã bắt đầu ngờ vực. Giờ đây, mọi việc đã rõ, những đảm bảo của Lầu Năm Góc về sự an toàn sinh thái là vô căn cứ nếu không có nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng minh cho tuyên bố ấy. Người lãnh đạo của AAAS có lý do để tin Pfeiffer đúng khi ông yêu cầu điều tra.
Phát hiện của Coolidge càng làm Wolfle bối rối hơn khi các quan chức quân sự tiết lộ rằng những chiếc phi cơ phun thuốc diệt cỏ đang sử dụng hợp chất diệt lúa có chưa thạch tín hóa trị 5. (Chất độc Xanh, tên gọi theo lược đồ cầu vồng của Ranch Hand). Các hóa chất như Chất độc da cam, 2,4-D và 2,4,5-T đều tỏ ra kém hiệu quả hơn trong việc diệt cây thân cỏ, hay các cây lá kim. Vào tháng Bảy, AAAS yêu cầu Lầu Năm Góc ngừng phun Chất độc Xanh vì hai lý do. Trước hết, các nhà khoa học coi việc tàn phá các cây lương thực của người Việt Nam với quy mô lớn là một mối đe dọa về một thảm họa lương thực đối với người dân; thứ hai, khác với Chất độc da cam, thạch tín đã được xác định là chất độc, cũng như chất độc da cam. Lầu Năm Góc bác bỏ lời kêu gọi của AAAS, lý lẽ rằng thuốc diệt cỏ có thạch tín vẫn được sử dụng trên các cánh đồng bông và thuốc lá của Mỹ, và bám lấy giả thuyết của thời Kennedy rằng chừng nào quân du kích giải phóng vẫn còn nguồn lương thực ổn định thì sẽ không thể bị đánh bại. Một cuộc họp ban giám đốc vào tháng Mười đã đề xuất một thay đổi lớn, vì bản đề xuất ban đầu của E. W. Pfeiffer không được các thành viên AAAS đón nhận nhiệt tình. Vào thời điểm sau này, mười hai trong số mười ba thành viên quản trị ủng hộ một nghị quyết mới, với nội dung rằng tuyên bố của Lầu Năm Góc về sự an toàn của toàn thể chiến dịch Ranch Hand là không có cơ sở.
Một trong những nhân tố chính làm bùng nổ tranh luận là các nhà khoa học dân sự và quân đội không trao đổi thông tin được với nhau. Vấn đề này phản ánh rõ nét khoảng cách giữa việc ra quyết định về chính trị, quân sự tại Việt Nam và trong xã hội Mỹ. Các nhà khoa học không chỉ đơn thuần muốn tiếp cận khu vực bị phun thuốc ở miền Nam Việt Nam; họ còn muốn biết quân đội Mỹ đã dựa vào những lý lẽ nào để đưa ra những đảm bảo về tính an toàn sinh thái của chiến dịch. Đến mùa thu năm 1967, vẫn không có cơ sở đáng tin nào cho những tuyên bố đó. Chỉ tới khi ấy, các quan chức ở đại sứ quán Mỹ và quân đội mới đồng ý thực hiện khảo sát sinh thái, sau đó chuyến đi lại bị hoãn 5 tháng bởi cuộc tấn công Tết Mậu Thân.
Để chắc chắn, Mác-vi giữ lại các ghi chép và phân tích chính xác của chiến dịch Ranch Hand. Cùng với đại sứ quán Mỹ, các quan chức quân sự tiến hành xem xét và phân tích, thống kê kỹ lưỡng về thuốc diệt cỏ để xác định giá trị quân sự để đánh giá giá trị quân sự của chương trình này. Thêm nữa, Lầu Năm Góc cũng ký hợp đồng với RAND và các tập đoàn quốc phòng khác để cung cấp các phân tích thống kê xã hội và các tập số liệu về thuốc diệt cỏ - chủ yếu là những thông tin có thể xử lý bằng máy tính. Mặc dù những nghiên cứu này rất hữu ích với các nhà toán học, nhân chủng học và các nhà lý luận quân sự, nhưng chúng không có nhiều giá trị với các nhà sinh vật học. Quan điểm về giá trị chiến thuật của chất độc da cam của các nhà khoa học phản chiến nằm ngoài chuyên môn của họ. Điều họ muốn biết về tác động của chiến tranh diệt cỏ, như Barry Commoner đã giải thích trong một bức thư gửi biên tập viên báo “Khoa học sinh vật” (BioScience), là mức độ tác động ở cấp độ tế bào của thực vật, động vật và con người. Commoner cũng nhân cơ hội đó để trình bày lại những quan điểm chính trị về hạt nhân theo những tranh cãi về thuốc diệt cỏ. Trước những nhân vật cho rằng chiến dịch Ranch Hand bảo đảm tính mạng cho lính Mỹ, Commoner đặt câu hỏi thế tại sao các loại vũ khí hạt nhân không được sử dụng cho mục đích tương tự.
Vào tháng Một năm 1968, đại sứ của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Ellsworth Bunker, đã lập ra Ủy ban đánh giá chính sách diệt cỏ liên ngành, đây là cơ quan đầu tiên công khai xếp tác động sinh thái vào hạng mục cần đánh giá. Theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao, nhiệm vụ được giao cho Fred Tschirley, một nhà sinh thái học nhiệt đới và trợ lý giám đốc của bộ phận nghiên cứu cây trồng của USDA. Tschirley là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, được nhiều đồng nghiệp trong giới nể trọng. Những lời phê bình công khai mạnh mẽ của ông về bản báo cáo của MRI cho thấy rằng ông sẽ không vì làm việc cho chính phủ mà thay đổi những đánh giá khoa học của mình. Tschirley dành một tháng để nghiên cứu tại thực địa, bắt đầu từ giữa tháng Ba 1968. Ngay trước khi có kết quả nghiên cứu, chuyến đi của ông vẫn là một thành công đối với Pfeiffer và đồng sự, vì nó chứng tỏ rằng quân đội có đủ khả năng hậu cần và thiện chí chính trị để hỗ trợ một cuộc nghiên cứu khoa học trong vùng địch.
Các cán bộ quan hệ công chúng của Mác-vi đã công bố một phần báo cáo của Tschirley với báo chí vào mùa thu sau đó, và vào tháng Một năm 1969, bản báo cáo hoàn chỉnh đã xuất hiện trên tờ “Khoa học” của AAAS. Các kết luận cơ bản của báo cáo đầy đủ cho thấy rằng những phát hiện của Tschirley giống với những đánh giá chính thức của Lầu Năm Góc. Bản báo cáo khá toàn diện, có chú thích đầy đủ, và trên hết là một nghiên cứu sinh học về chiến tranh diệt cỏ dựa trên các xem xét của Tschirley từ không khí, đất và nước ở những vùng bị phun nhiều ở miền Nam Việt Nam. Những phát hiện chính của bản báo cáo được diễn giải như sau:
1. Vì độ ẩm trong không khí cao, nên việc thảm thực vật rộng lớn bị biến mất sẽ không làm mất độ ẩm trong đất; do đó khả năng các rừng nhiệt đới biến thành bán hoang mạc hay sa mạc là không thể.
2. Quá trình đất bị đá ong hóa (cứng hóa), dẫn tới xói mòn đất, là một mối đe dọa thực sự đối với bất kỳ vùng đất nhiệt đới nào bị tiếp xúc với quá nhiều bức xạ mặt trời và gió - và đây là vấn đề của các khu vực bị khai quang. Khoảng 30 phần trăm đất ở miền Nam đang gặp phải tình trạng này ở các mức độ khác nhau.
3. Những vùng đất bị phun thuốc cộng thêm ánh nắng mặt trời rọi xuống tận nền rừng sau khi ba tán rừng bên trên bị khai quang trở thành khu vực lý tưởng cho các loài tre, cỏ tranh và các loài xâm lấn khác phát triển. Các loài chiếm ưu thế khác không thể phát triển được ở vùng đất bị loài xâm lấn hút sạch chất dinh dưỡng này. Vì vậy, rừng không tái sinh không phải vì bản thân thuốc diệt cỏ, mà vì các quá trình sinh thái mà thuốc diệt cỏ gây ra. Điều này xảy ra ở các khu rừng đước và bán rụng lá, khiến cả những loài cỏ cũng khó tái sinh, điều này gây ra sự hủy hoại triệt để.
4. Những mẫu đất, thực vật, và động vật để đo tỷ lệ độc hại của thuốc diệt cỏ cho thấy không có tác động lâu dài đến sức khỏe của người hoặc động vật. Báo cáo của Tschirley nhấn mạnh tính chất sơ bộ của các phát hiện và tính đảm bảo: “Chương trình rụng lá đã gây ra những thay đổi sinh thái. Tôi không cho rằng những thay đổi này sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng để phục hồi hoàn toàn có thể phải mất một thời gian dài.”
Bản báo cáo không chứng minh những điều các nhà khoa học quan tâm là đúng, nhưng cũng không bác bỏ những điều đó; phân tích của Tschirley cùng cấp nhiều lý lẽ cho phe phản chiến lẫn những người ủng hộ chiến tranh diệt cỏ mạnh mẽ nhất. Bản báo cáo cũng giúp lôi kéo thêm nhiều nhà khoa học tham gia hỗ trợ nghiên cứu của AAAS.
Ngay trước khi bản báo cáo của Tschirley được công bố, AAAS nhận tin tốt từ Bộ ngoại giao. Để đáp lại đề xuất thực hiện điều tra khoa học độc lập của AAAS vào hồi tháng Bảy, thứ trưởng Charles (Chip) Bohlen, đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ hết sức cho AAAS: hậu quả sinh thái của chiến tranh diệt cỏ vẫn chưa rõ, vì vậy cần được điều tra. Tschirley đã tới các khu vực bị phun thuốc đậm đặc và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Bohlen rất ấn tượng với thành công này của ông. Điểm bất đồng còn lại giữa Bộ ngoại giao và AAAS chỉ là vấn đề thời gian. Bộ ngoại giao muốn hoãn việc nghiên cứu tới một thời điểm nào đó trong tương lai; trong khi các nhà khoa học, do thấy rằng sẽ rất khó khăn để dự đoán ngày cuộc chiến kết thúc, nên chủ trương tiến hành nghiên cứu ngay lập tức. Dael Wolfle theo dõi những diễn tiến này bằng cách tạo quan hệ với với Bộ quốc phòng. Vào tháng Mười, ban chấp hành AAAS tổ chức hội thảo với sự tham dự của Tschirley, Minarik và các nhà khoa học quân sự khác, Wolfle cũng mời được một người trong bộ phận Nghiên cứu và kỹ thuật quốc phòng của Lầu Năm Góc có nhiệm vụ giám sát các hoạt động chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam. Ông Wolfle hiểu rằng các hoạt động can thiệp chính trị của AAAS sẽ không gây ra được ảnh hưởng nào tới các chính sách thực tế nếu không cải thiện được mối quan hệ giữa quân đội và các nhà khoa học.
E. W. Pfeiffer cho rằng tiến triển này là quá chậm chạp. Đối với Pfeiffer, người đẩy AAAS vào tranh luận xoay quanh thuốc diệt cỏ, sự kiên nhẫn chẳng có lợi gì. Pfeiffer chỉ quan tâm đến tính cấp bách của vấn đề, và năm 1968 lại là đỉnh điểm của chiến dịch diệt cỏ. So với năm trước đó, chiến dịch Ranch Hand đã tăng gấp đôi mức chi tiêu. Pfeiffer cứ khăng khăng đòi tới Việt Nam và ông đã thành công. Ông tới Việt Nam một năm trước khi AAAS thực hiện chuyến đi nghiên cứu. Sau khi Pfeiffer viết nhiều lá thư tới USDA để chỉ trích về nghiên cứu thuốc diệt cỏ mà cơ quan này đã thực hiện ở Việt Nam, một quan chức bực mình đã thách ông tự thực hiện cuộc nghiên cứu riêng để tìm ra các thiếu sót trong các nghiên cứu của chính phủ. Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng, Pfeiffer chấp nhận thách thức này, với sự tham gia của Gordon Orians từ Đại học California ở Berkeley. Với sự hậu thuẫn của Hội trách nhiệm xã hội trong khoa học (SSRS) đặt tại Bala Cynwyd, Pennsyvania và Viện thông tin khoa học cho quần chúng của Barry Commoner, Pfeiffer và Orians đã thực hiện chuyến đi của mình sau Tschirley một năm.
Pfeiffer và Orians đã có hai tuần ở Việt Nam, đó là thời gian tối đa có thể trong giới hạn ngân sách và trách nhiệm nghiên cứu. Bản báo cáo của họ đăng trong bản tin của SSRS, khác với nghiên cứu của Tschirley vài điểm. Pfeiffer và Orians đồng ý rằng các bằng chứng thu thập được lúc đó không thể chắc chắn rằng rằng thuốc diệt cỏ độc hại đối với động vật. Tuy vậy họ vẫn cố gắng chứng minh điều đó (tiếp tục cho tới ngày nay). Họ thấy rằng sẽ rất khó để xác định được mối tương quan, chứ chưa nói đến quan hệ nhân quả, giữa độc tính của thuốc diệt cỏ đối với con người trong một môi trường chiến tranh, nơi mà các nhà khoa học không thể kiểm soát được sự phơi nhiễm của người dân và hậu quả từ nhiều căn bệnh khác nhau. Như các biên tập viên SSRS lưu ý trong phân tích đi kèm của họ, các nhà khoa học Việt Nam thậm chí không biết thành phần hóa học của các chất diệt cỏ. Thảm họa đối với môi trường hoang dã nơi bị phun thuốc diệt cỏ, đặc biệt là các rừng đước ven biển rõ ràng hơn. Ở đó, Pfeiffer và Orians thấy số lượng các loài chim và động vật trên cạn bị giảm rất nhiều, thậm chí có những loài còn biến mất. Một trong số ít những loài họ thấy phát triển mạnh là hổ. Trong suốt những thập kỷ chiến tranh, loài động vật ăn thịt to lớn này đã có được phản xạ tìm xác để ăn khi nghe thấy tiếng súng.
Các nhà khoa học cũng ghi nhận tình trạng của các khu rừng rất khác nhau tùy theo số lần bị phun thuốc. Sau một lần phun đầu, các loài thực vật chiếm ưu thế vẫn có thể tái tạo khá nhanh, nhưng những lần phun tiếp theo sẽ làm các cây con bị tổn thương và các cây không khỏe mạnh chết hàng loạt. Cảnh tượng những vùng đất chết có khi rộng hàng nhiều héc-ta ấy, không có gì lạ. Xét cho cùng thì mục tiêu của chiến dịch Ranch Hand chính là làm rụng lá cây. Pfeiffer và Orians cũng phát hiện ra rằng hệ sinh thái ở những khu vực xung quanh các mục tiêu bị phun thuốc cũng bị tàn phá nặng nề. Đây là bằng chứng vững chắc chứng minh rằng thuốc diệt cỏ cũng lan tới các nơi xa hơn địa điểm được cho là có quân giải phóng. Điều này đặc biệt đúng đối với các đồn điền cao su (một số nằm dọc biên giới Campuchia). Sản phẩm của đồn điền rất có giá trị nên nó không bị phun thuốc trực tiếp.
Bản báo cáo cho thấy đánh giá tổng thể về tác động sinh thái của chiến tranh diệt cỏ không giúp định lượng chính xác (hay chủ quan) tác động của chiến tranh diệt cỏ. Trong khi Tschirley cũng đã đi tới nhiều địa điểm mà Pfeiffer và Orians khảo sát, nhưng Tschirley cho rằng chỉ thấy “rất ít” bằng chứng cho một sự tàn phá lâu dài, còn báo cao sau lại nhận định hậu quả tổng thể là “vô cùng khủng khiếp”. Các kết luận này dựa trên suy luận chuyên môn, đánh giá ngắn gọn, và sự tập hợp dữ liệu vội vã, đã được uốn theo quan điểm riêng của mỗi nhà khoa học.
Đối với Pfeiffer, chuyến đi ngắn ngủi này là một bước tiến tích cực hướng tới việc tăng cường hợp tác khoa học quốc tế (hình 12). Xét theo nghĩa nào đó, ông đã đi để trao đổi kiến thức: các nhà khoa học Mỹ biết cấu tạo hóa học chính xác của các chất diệt cỏ, nhưng rất ít về tác động của chúng đối với hệ sinh thái. Những đồng nghiệp của họ ở Việt Nam thì lại ngược lại. Pfeiffer kết luận rằng việc các nhà khoa học trong nước không quan tâm hoặc liên tục chỉ trích lẫn nhau cũng như chính sách bí mật quân sự của Mỹ ở nước ngoài là nỗi xấu hổ đối của Mỹ.
H12
Pfeiffer trở về Mỹ và gần như ngay lập tức rơi vào một cuộc tranh luận khoa học về những hoạt động của ông. Tại một cuộc họp báo tại New York Hilton, Pfeiffer kể mình đã đi dưới làn đạn khi đi trên sông như thế nào. Ông nói rằng nếu tầm nhìn ở hai bên bờ không được cải thiện nhờ chiến dịch rụng lá, ông có thể đã bị giết. Xét tới mong muốn lớn lao kết thúc chiến tranh diệt cỏ của Pfeiffer, rõ ràng đó là một cách nói không hề phù hợp để giới thiệu những phát hiện của ông. Sau nhiều bức thư chỉ trích Pfeiffer nặng nề về nhận xét nói trên gửi tới biên tập viên của tờ “Khoa học”, nhà động vật học từ Montana này cuối cùng đã làm vấn đề dịu đi tháng Hai năm 1971. Ông đã chỉ ra rằng nhiệm vụ tìm hiểu về thuốc diệt cỏ của AAAS vào tháng Tám năm 1970 cũng đã gặp phải nhiều nguy hiểm dù rừng đước ven bờ đã hoàn toàn bị khai quang. Pfeiffer nói lại rằng những lời trên báo chí chỉ là chuyện bên lề, và không hề có ý chứng minh mối tương quan thuyết phục giữa việc phun thuốc diệt cỏ và sự giảm sút khả năng chiến đấu của quân du kích.
Vào cuối thập kỷ này, các nhà khoa học phản chiến đã vận động được nhiều đồng nghiệp trong cơ quan hay giới nghiên cứu. Cùng với việc giảm hỗ trợ chiến tranh Việt Nam từ trong nước, các phong trào cấp tiến năm 1966 cũng quay về đường lối ôn hòa vào năm 1970. Ví dụ, vào cuối năm đó, thượng nghị sĩ Charles Goodell ở New York, người từng được coi là đảng viên gạo cội của đảng Cộng hòa, đã có một hành động nổi tiếng là ủng hộ luật cắt giảm tất cả mọi khoản ngân sách cho cuộc chiến. Nhưng liệu những chứng cớ mới có thể chứng minh những điều các nhà khoa học lo lắng là đúng không? Bên cạnh những bất đồng về hiệu quả quân sự của chiến tranh diệt cỏ, điều mà Pfeiffer đã nhắc đi nhắc lại là nằm ngoài chuyên môn của ông, thì các đồng nghiệp cũng đả kích phương pháp luận của ông. Họ còn đặt câu hỏi về giá trị của những điều ông phát hiện chỉ sau hai tuần ở hiện trường và cho rằng một nhà khoa học thuần túy không có nhiệm vụ phản đối các chiến thuật trong chiến tranh, đặc biệt là trong thời chiến. Fred Tschirley không hùa theo những chỉ trích này, không phải bởi vì kết quả nghiên cứu của ông tỏ ra vững chắc hơn của Pfeiffer, mà bởi vì mục đích của ông không phải là chống lại các chính sách quốc gia.
Có một nhân vật phản chiến đồng tình với Pfeiffer trong mối quan ngại về đạo đức nhưng lại nghi ngờ kết quả nghiên cứu của ông. Vào tháng Bảy năm 1970, William Haseltine, một nghiên cứu sinh ngành sinh vật tại Havard (sau đó thành lập công ty Khoa học nghiên cứu hệ gen người Human Genome Sciences) đã viết thư gửi tờ “Khoa học”, buộc tội Pfeiffer không thể tìm ra mối hiểm nguy lớn nhất mà chiến tranh diệt cỏ gây ra: chứng đột biến di truyền hàng loạt và bệnh ung thư ở những người phơi nhiễm hóa chất. Lời chỉ trích này xét ra không công bằng, vì Haseltine dựa vào những số liệu liên quan tới độc tố tiềm năng của Chất độc da cam, mà Pfeiffer chưa từng biết các số liệu này trước chuyến nghiên cứu.
Năm 1969, Haseltine bắt đầu tiết lộ những thông tin rằng các quan chức chính phủ đã che giấu các vụ quái thai do 2,4,5-T - hợp chất chiếm một nửa Chất độc da cam. Trong suốt kỳ học mùa thu, Haseltine giảng dạy tại Harvard, nơi ông đã gặp Anita Johnson, một sinh viên luật trẻ tuổi và là một thành viên của hội “Nder’s Raiders”, đây là một hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Washington D.C do Ralph Nader thành lập. Vào mùa hè năm 1969, Johnson nhận được một bản báo cáo mật, mang tên: “2,4,5-T: quái thai ở chuột” từ Giáo sư Marvin Legator, trưởng ban Chất độc di truyền của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm. Vào tháng Chín, Johnson gửi bản báo cáo này cho Haseltine, ông này sau đó chia sẻ cho Matthew Meselson. Matthew Meselson là giáo sư ngành hóa học phân tử ở Harvard và sắp trở thành giám đốc ủy ban về thuốc diệt cỏ của AAAS. Haseltine đã nhớ lại: “Nếu thứ thuốc ấy gây ra quái thai ở động vật, thì có thể nó rất nguy hiểm cho con người. Nếu chúng ta lan truyền tin này thì Chất độc da cam có thể sẽ bị cấm”. Với suy luận đơn giản này, Haseltine đã giúp chấm dứt việc sử dụng chất độc da cam tại Việt Nam.
Đối với cá nhân Haseltine, câu chuyện này là một vòng lặp; ông đã từng lớn lên ở một căn cứ quân sự ở California nơi bố ông làm trong ngành công nghệ vũ khí. Thông qua Matt Meselson, Haseltine đã liên hệ với Michael Klare, một học giả trẻ tuổi làm việc cho với Ủy ban hỗ trợ những người bạn của Mỹ (AFSC) và là sáng lập viên của Hiệp hội nghiên cứu về liên hợp quân sự- công nghiệp quốc gia (NARMIC). Với những thông tin của Klare, Haseltine thực hiện chuyến diễn thuyết vòng quanh đất nước. Tự nhận mình là một người theo phái Tân Tả, quan điểm chống vũ khí hóa sinh học và phản chiến của Haseltine linh hoạt hơn những cố vấn học thuật của mình. “Tôi hiểu về chương trình diệt cỏ”, Haseltine nhớ lại, “nhưng không ai biết nó có hại đối với con người, họ chỉ nghĩ nó tiêu diệt cây cỏ. Nếu có bất cứ cách nào để khiến mọi người quay lưng lại với chiến tranh và hiểu rằng họ đang tiếp tay cho chiến tranh thông qua việc đóng thuế, và để họ biết rằng khoa học đang được sử dụng sai mục đích, thì chắc chắn tôi đã làm”.
Vào tháng Một năm 1970, Haseltine công khai câu chuyện trên tờ “Cộng hòa mới”, trong bài báo mà ông hợp tác viết cùng Arthur Galston và Robert Cook, một trong những nghiên cứu sinh tại đại học Yale, học trò của Galston. Câu chuyện thực sự như một quả bom: Thật kinh khủng nếu các quan chức chính phủ có thông tin về những hiểm họa về sức khỏe con người từ Chất độc da cam mà lại che giấu. Vào tháng Sáu năm 1966, Bionetics Research laboratories, một công ty tư nhân làm việc cho các hợp đồng nhà nước, thông báo cho Viện ung thư quốc gia (NCI) rằng loài chuột thí nghiệm được tiêm một lượng 2,4,5-T nhỏ sẽ có tỉ lệ sinh quái thai rất cao. NCI gửi các kết quả lại cho Bionetics, và các nhân viên ở đây lại có một phát hiện đáng lo khác: 100 phần trăm chuột cái đẻ non hoặc quái thai nếu bị tiêm hóa chất liều cao. Vào lúc này, NCI mời lãnh đạo quân y, viện sức khỏe quốc gia, các đại diện từ Viện Khoa học quốc gia cùng và liên lạc viên chính phủ của Dow và các công ty hóa chất khác. Mọi người đều đồng ý ngồi lại để thảo ra bản báo cáo.
Người ta không rõ các đại diện tại cuộc họp đã đồng ý sẽ cùng giữ bí mật về các phát hiện, hay họ chỉ mặc định rằng việc rò rỉ thông tin là khó tránh khỏi. Điều người ta chắc chắn hơn là, ngay tại cuộc họp, các lãnh đạo của Dow và các tập đoàn hóa chất khác đã bác bỏ các phát hiện của Bionetics, cho rằng thuốc được sử dụng tại phòng thí nghiệm có nồng độ cao hơn nhiều so với loại được sử dụng ở mặt trận. Phó chủ tịch của Dow, bà Julius Johnson khẳng định: “Nếu 2,4,5-T gây hại cho bất cứ ai, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ thuốc trong thị trường ngay ngày hôm sau”. Năm tháng sau, Dow tuyên bố rằng dioxin, một thứ sản phẩm phụ có độc tính sinh ra trong quá trình sản xuất 2,4,5-T có thể là nguyên nhân gây ra đột biến, chứ không phải bản thân thuốc diệt cỏ. Tuy đối với những người lính Mỹ hay những người Việt Nam phơi nhiễm với Chất độc da cam điều này không tạo ra khác biệt gì, nhưng đây lại là một điểm quan trọng đối với phong trào phản đối các công ty hóa chất. Vào lúc đó, những số liệu có sẵn ở Việt Nam không chỉ ra được sự tương quan giữa khả năng xảy ra dị tật bẩm sinh và việc tiếp xúc với Chất độc da cam.
Matthew Meselson đã có cơ sở tốt để buộc chính phủ phải hành động trước khi câu chuyện của Haseltine vỡ lở. Vào cuối những năm 1950, ông và đồng nghiệp của mình là nhà sinh hóa học Franklin Stahl đã nghiên cứu nhân rộng DNA hiệu quả, mở ra lĩnh vực di truyền học hiện đại. Vào cuối năm 1963, tổng thống Kennedy mời Meselson tham gia Cơ quan kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. Với sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp tại Harvard là Henry Kissinger và McGeorge Bundy, Meselson nhanh chóng trở thành một trong những nhà khoa học giao kết giỏi nhất ở Washington. Ban đầu, các giám sát viên của Meselson giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu về vũ khí hạt nhân chiến thuật, một lĩnh vực mà ông “không biết gì hết”. Sau khi xem xét lại, ông quyết định tập trung vào vũ khí sinh hóa học. Cấp trên sớm nhận ra rằng ông không quan tâm tới việc phát triển của tổ chức này. Động lực chống lại vũ khí sinh hóa học của ông đơn giản xuất phát từ suy nghĩ rằng: “Chiến tranh hiện đại càng tốn kém càng tốt”. Không giống như vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh hóa học khá rẻ và dễ sản xuất, do đó có thể được sản xuất một cách khó kiểm soát.
Trở lại tình hình Harvard vào tháng Mười năm 1969, Meselson liên lạc với Lee A. DuBridge, một nhà vật lý học đồng thời là cố vấn khoa học của tổng thống Richard M. Nixon. Meselson yêu cầu một lời giải thích về việc che giấu sự thật của Bionetics. DuBridge hứa sẽ xem xét việc này nghiêm túc. Trong khi đó, Bryce Nelson, phóng viên của tờ “Thời báo Los Angeles”, đã biết được câu chuyện, và bằng cách nào đó Nhà Trắng đã biết kế hoạch công khai thông tin này của Melson. Với cố gắng giữ gìn thể diện cho chính phủ trước khi bài báo của Nelson được đăng, DuBridge đã đưa ra phát biểu của Nhà Trắng, hứa hẹn rằng “các cơ quan chính phủ sẽ có một loạt các hành động để hạn chế việc sử dụng thuốc diệt cỏ 2,4,5-T. Mục đích của các hành động này là đảm bảo an toàn cho người dân trong khi các quan chức tiến hành tìm kiếm thêm các bằng chứng”. Tại Việt Nam, DuBridge đã có một cam kết mơ hồ rằng các phi cơ Ranch Hand sẽ sử dụng Chất độc da cam ở “những khu vực xa dân cư”. Tuy vậy, chính sách của chính phủ không được thực hiện nhanh chóng như lời DuBridge nói: việc sử dụng 2,4,5-T ở Việt Nam và trong nước không hề giảm đi cho tới mùa xuân năm sau. Một bức thư do một quan chức USDA gửi tới AAAS giúp ta hiểu rõ hơn về phản ứng chậm chạp này:
“Như quý vị đã biết, thuốc diệt cỏ 2,4,5-T là một công cụ sản xuất quan trọng, giúp tăng năng suất lương thực ở Mỹ và nước ngoài. Người nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ mùa màng khỏi sự xâm lấn của cỏ dại và cây bụi, và để mở rộng đồng cỏ, bãi chăn thả và đồng ngũ cốc. Sản lượng lương thực tăng sẽ giúp giảm đói nghèo ở các nước đang phát triển, và thúc đẩy phát triển chương trình “Lương thực vì tự do” của chúng ta. Chúng tôi cảm thấy rất không hay khi cứ để phe phản đối chiến tranh Việt Nam lo lắng quá nhiều về chương trình khai quang chỉ bởi những diễn giải chưa đúng về kết quả của một cuộc nghiên cứu độc tính sơ bộ. Và càng không hay nếu vì đó mà mà ta phải chấm dứt sử dụng một công cụ nông nghiệp quan trọng, rất hiệu quả trong việc tăng nguồn cung lương thực trên thế giới, và giảm thiểu tổn thất binh lính trước những cuộc mai phục của quân địch ở Đông Nam Á”.
Guồng máy chính phủ quan liêu phản ứng chậm trễ nhưng cá nhân nhiều quan chức chính phủ vẫn tin rằng những mối đe dọa về chất độc da cam không đủ khiến người ta bỏ qua những lợi ích mà nó mang lại (dù những lợi ích ấy có thật hay không). Các công ty hóa chất cũng đồng tình với ý kiến này. Vì thế, cuộc tranh luận cứ thế kéo dài hàng thập kỷ giữa những người coi trọng đạo đức khoa học và phe cổ động cho lợi ích thiển cận trong kinh doanh và chính trị. Tuy vậy, trong cuộc tranh cãi về thuốc diệt cỏ, phe chỉ trích chiến dịch Ranch Hand chẳng bao lâu nữa sẽ thắng thế. Giống như thành công trong việc bảo vệ sức khỏe người dân của Barry Commoner trước bức xạ khí quyển, việc che giấu sự thật của Bionetics và những mối lo về sức khỏe bởi chất độc da cam sau đó đã tạo đà chấm dứt chiến tranh diệt cỏ.
Vào tháng Tư năm 1970, chính phủ liên bang bắt đầu nỗ lực hạn chế để người dân tiếp xúc với 2,4,5-T, cả ở Mỹ lẫn miền Nam Việt Nam. Bộ trưởng các bộ Nông nghiệp, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Phúc lợi đã đồng thông báo về “lệnh đình chỉ lập tức” việc “sử dụng thuốc diệt cỏ ở xung quanh nhà cửa, ao hồ, các bờ mương và tất cả các cánh đồng lương thực phục vụ cho con người”. Lệnh đình chỉ không hề đả động tới việc người dân Mỹ sử dụng 2,4,5-T để kiểm soát cỏ trong các khu rừng, đất chăn thả hay các khu vực xa dân cư khác. Song song với lệnh cấm trong nước là yêu cầu hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam. Bước đầu, Bộ Quốc phòng tuyên bố phi cơ Ranch Hand sẽ không rải Chất độc da cam ở những khu vực có người sống, mà nếu như vậy thì chiến thuật diệt cỏ xem như vô dụng.
Tuy nhiên lời khẳng định ấy khá vô lý: ta không thể nào định được ranh giới chính xác giữa vùng bị phun thuốc và vùng có dân cư sinh sống. Khi phân biệt khu vực quân giải phóng chiếm đóng và khu vực có người dân, đồng nghĩa với việc coi quân du kích không phải con người. Lầu Năm Góc đã mặc nhiên cho rằng việc quân giải phóng tiếp xúc với thứ hóa chất có khả năng chứa độc tố là hoàn toàn phù hợp với chính sách của Mỹ. Lập luận này dẫn tới một câu hỏi phức tạp: liệu chất độc da cam có phải là một loại vũ khí hóa học bị cấm theo Nghị định thư Geneva 1925 hay không. Điều này sẽ được kiểm chứng ở các trang sau, khi các nhà khoa học AAAS thành công trong việc thuyết phục SCFR đồng ý với lập luận này. Để đề phòng các vấn đề tương lai có thể xảy ra, Bộ Quốc phòng thay đổi chính sách về 2,4,5-T ở Việt Nam cho phù hợp với thông cáo tháng Tư. Thứ trưởng quốc phòng David Packard quyết định đình chỉ hoàn toàn việc sử dụng Chất độc da cam bởi “cần phải có đánh giá kỹ càng hơn về tình hình hiện tại”.
Điều gì đã xảy ra sáu tháng sau khi sự thật của Bionetics được hé lộ, khiến chính sách nhà nước phải thay đổi? Trước mắt, các nhà khoa học tại Viện khoa học sức khỏe môi trường quốc gia cũng khẳng định rằng 2,4,5-T nguyên chất có thể gây ra dị tật đối với chuột thí nghiệm khi chúng bị tiêm liều cao và liên tục. Vì điều này, việc đổ lỗi cho “những lô hàng 2,4,5-T hỏng nào đó” có chứa dioxin gây hại do sức khỏe bởi công nhân không tuân theo các quy định an toàn sản xuất là vô lý. Tuy vậy, Dow vẫn tiếp tục bảo vệ sản phẩm của mình. Tuy nhiên phát hiện này là sự kiện quan trọng chứng minh nhà khoa học phản chiến đã đúng khi luôn cho rằng chỉ riêng việc thiếu thông tin và hiểu biết đầy đủ cũng đủ trở thành lý do thích đáng để chấm dứt chiến tranh diệt cỏ rồi.
Lúc này, AAAS đang ở trong tình huống chưa từng có: chính phủ Mỹ đã nghe theo (hay ít nhất có những động thái thuận theo) ý kiến của AAAS về chiến tranh ở Việt Nam. Theo văn bản E. W. Pfeiffer trình bày tại cuộc họp thường niên của AAAS vào tháng Mười Hai năm 1969, có tên là “Ủy ban các nhà khoa học về chiến tranh sinh hóa học”, khá giống với tuyên bố của Lee DuBridge vào tháng Mười khi ông Lee kêu gọi hạn chế sử dụng 2,4,5T. Sự thay đổi xuất hiện cả ở các cấp cao nhất của tổ chức. Chủ tịch AAAS, ngài Walter Orr Roberts đã thảo một bức thư gửi đại sứ Ellsworth Bunker vào tháng Một năm trước, phản đối những đảm bảo lúc đầu của Robert rằng thuốc diệt cỏ “mang lại những ưu thế quân sự quan trọng”. Trong bầu không khí chính trị căng thẳng giữa những nhà khoa học phản chiến và các quan chức chính phủ, những hành động nhỏ như bức thư này là không cần thiết và có thể phản tác dụng, khi AAAS đang cố gắng đấu tranh chấm dứt chiến tranh diệt cỏ. Điều đáng mừng là Ellsworth Bunker đã có một hồi âm tốt cho đề xuất thực hiện chuyến nghiên cứu thực địa của AAAS. Theo thông báo của Roberts gửi tới ban lãnh đạo AAAS, đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn rất coi trọng đề nghị thực hiện một cuộc nghiên cứu sinh thái quy mô lớn về chiến tranh diệt cỏ của Fred Tschirley, họ còn đoan chắc rằng chỉ chỉ có AAAS mới đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ này.
Các hoạt động hậu cần góp phần vào sự thành công của Ủy ban đánh giá thuốc diệt cỏ (HAC) của AAAS bắt đầu được xúc tiến và thành lập trong một cuộc họp thường niên của AAAS vào tháng Mười Hai năm 1969. Matthew Meselson đồng ý chỉ đạo nhiệm vụ. Vai trò này của ông có ý nghĩa chính trị nhiều hơn là khoa học, vì Meselson là một nhà sinh hóa học, không có chuyên môn về sinh thái học nhiệt đới, nhưng cách ông giải quyết các tranh cãi xung quanh Bionetics và khả năng lôi kéo sự quan tâm từ Washington khiến ông trở thành người thích hợp nhất. Walter Roberts đã ca ngợi “tài bặt thiệp” của Meselson khi hỗ trợ ông. Meselson còn đề nghị nhận được 50 ngàn Đô-la chi phí thành lập HAC “cùng với sự trợ giúp nhiệt tình”. Là một nhà khoa học được nhiều người quý trọng, có danh tiếng chính trị nhất định, Meselson yêu cầu được toàn quyền quyết định đối với sứ mệnh của HAC ở miền Nam Việt Nam. Trong một bức thư gửi Dael Wolfle, Meselson đã đưa ra những yêu cầu khi chỉ đạo phái đoàn nghiên cứu: “Tôi sẽ có toàn quyền quyết định về công việc và đối với cấp dưới cũng như các cố vấn; Tôi có thể mời thêm một số người tham gia nghiên cứu không phân biệt quốc tịch hay phe phái; Tôi mong muốn Bộ Quốc phòng sẽ hợp tác nhiệt tình; Tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam từ cả hai phía; và cuối cùng, trách nhiệm của tôi sẽ kết thúc sau 1 năm nữa”.
Gần như ngay tức khắc, Meselson đã chứng minh khả năng lôi kéo sự hợp tác từ nhiều phía cho một vấn đề khá nhạy cảm. Một mặt, ông chỉ định Arthur Westing làm chủ tịch HAC. Ông này là một trong những người phản đối chiến dịch Ranch Hand và các công ty hóa chất một cách công khai và thẳng thắn nhất. Mặt khác, Meselson yêu cầu được các quan chức ở Dow cam kết hợp tác. Để tạo thuận lợi cho Meselson, vào tháng Ba năm đó, Lầu Năm Góc chính thức thông báo quyết định hậu thuẫn HAC - có thể là vì đại sứ Ellsworth Bunker mong muốn nhiệm vụ được suôn sẻ. Lúc này, các quan chức Bộ Quốc phòng đã ngừng tuyên bố rằng theo đánh giá của quân đội, chiến tranh diệt cỏ đảm bảo an toàn cho dân, vì khi sự thật Bionetics được tiết lộ, những tuyên bố đó trở nên lố bịch. Theo như một trợ lý bộ trưởng quốc phòng thừa nhận, HAC là “nghiên cứu có hệ thống” đầu tiên về những tổn thất mà chiến dịch Ranch Hand mang lại.
Vào tháng Sáu năm 1970, HAC đã gần kết thúc công cuộc chuẩn bị cho chuyến đi tới Việt Nam vào tháng Tám. Mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo chuyến đi suôn sẻ và bao quát được nhiều vấn đề. Liên kết với đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng chỉ đạo các hoạt động hậu cần cần thiết để đưa các nhà khoa học tới Việt Nam và sau đó tới vùng bị phun thuốc. Nhiệm vụ thứ hai là tích lũy tất cả các thông tin về thuốc diệt cỏ. Để đạt được điều này, Meselson đã triệu tập một hội nghị tại Woods Hole, Massachusetts vào giữa tháng Sáu. Ông mời những học giả người Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp tư nhân, các nhà thành viên chính phủ có liên quan tới tranh cãi về thuốc diệt cỏ và tác hại tiềm năng của nó với con người. Thông qua hội nghị này, HAC đã có được một kế hoạch nghiên cứu toàn diện. Meselson cũng đã mời John Constable, một bác sĩ phẫu thuật người Pháp tại bệnh viện đa khoa Massachusetts, tham gia và dẫn đầu phái đoàn nghiên cứu tác động sức khỏe người dân tại Việt Nam. Constable đã lập một bản khảo sát, phân phát cho những người đứng đầu làng xã ở vùng bị phun, nhằm xác định thời gian và địa điểm mà những người dân địa phương đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (sử dụng thức ăn từ động vật hoặc thực vật nhiễm độc) với hóa chất diệt cỏ. Các nhóm khác trong hội nghị cũng đưa ra một kế hoạch nghiên cứu các hiệu ứng sinh thái đối với rừng (đặc biệt chú trọng tới các rừng đước dễ bị nhiễm độc), dinh dưỡng và thành phần đất, cũng như chương trình tàn phá mùa màng với sự chú trọng vào những tác động kinh tế và xã hội tới cộng đồng nông dân ở các khu vực mà phi cơ Ranch Hand rải thuốc.
Mặc dù mục đích chính thức của HAC không phải là vận động kết thúc chiến tranh diệt cỏ, nhưng đó lại là kết quả tốt đẹp mà HAC mang lại. Những lời chứng thực sống động của các nhà khoa học phản chiến trước Quốc hội sau chuyến đi sẽ tạo ra cơ sở chính thức kết thúc chiến tranh diệt cỏ. Để ngăn chặn lệnh cấm có thể được ban hành đối với chiến dịch Ranch Hand, quân đội Mỹ đã giảm thiểu phạm vi của chiến dịch này trước khi HAC sang Việt Nam. Các quan chức đã lấy những ràng buộc về ngân sách làm lý do cắt giảm các đợt phun thuốc của Ranch Hand và điều C-123 cũng như các phi cơ trong chiến dịch làm nhiệm vụ khác. Thời điểm Mác-vi đưa ra quyết định so với thời gian HAC dự tính thực hiện nhiệm vụ vừa đúng thời điểm xuống chiến tranh và không khớp với những tin đồn trước đó về việc dừng chương trình. Nếu quân đội Mỹ không còn giữ bí mật được về tác động của chiến tranh diệt cỏ trước dư luận, thì ít nhất họ cũng thu hẹp tối đa phạm vi chương trình để làm dịu phản ứng của các nhà khoa học. Điều này không có nghĩa là các quan chức quân sự không còn đánh giá cao những giá trị chiến thuật mà chiến tranh diệt cỏ mang lại. Khi bị buộc phải giảm thiểu các đợt phun thuốc, họ sử dụng những chiếc máy cày, máy san ủi khổng lồ san bằng các khu vực rừng rộng lớn. Đây thực chất là một hình thức khai quang cực đoan nhưng lại không liên quan tới tranh luận về chiến tranh diệt cỏ.
Ngày 27 tháng Bảy năm 1970, HAC rời Boston tới Paris. Robert Cook, một nghiên cứu sinh, học trò Arthur Galston cũng tham gia cùng Meselson, Constable và Westing. Cook đã cùng viết bài báo nổi tiếng trên tờ “Cộng hòa mới” với William Haseltine, sau này trở thành giám đốc của vườn ươm tại Harvard. Mạng lưới quan hệ với các nhà khoa học khiến Cook rất thích hợp với việc này: ông đã từng gặp Meselson lần đầu tiên khi còn là sinh viên tại Harvard, sau đó Arthur Galston giới thiệu ông vào phái đoàn. Tại Paris, nhờ E. W. Pfeiffer sắp xếp, phái đoàn này đã có cuộc gặp gỡ với Alexandre Minkowski, một nhà sinh vật học người Pháp, và Bửu Hội, nguyên là cố vấn khoa học của tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông đã rời miền Nam Việt Nam sau khi Diệm bị ám sát. Lúc đầu ông Bửu Hội ủng hộ việc phê chuẩn chiến tranh diệt cỏ của Diệm nhưng sau đó, ông vô cùng hối hận. Các thành viên HAC đã dành 3 ngày ở Paris để trao đổi với nhóm Việt Kiều các nhà khoa học Pháp có biết về tranh luận về thuốc diệt cỏ.
Vào ngày mùng 1 tháng Tám, cả đoàn đặt chân tới Sài Gòn, các nhân viên USAID chờ sẵn để đó. Trong bữa sáng ngày hôm sau, Meselson nhấn mạnh tính nhạy cảm (và phi chính trị) của nhiệm vụ họ đang làm. Ông nói với cả đội tránh mọi sự tiếp xúc với các Phật tử phản chiến, “những người âm mưu lật đổ cánh tả” các nước, và giới báo chí. Là khách của các cơ quan của Mỹ ở Việt Nam, Meselson muốn HAC tránh xa các hoạt động chống chiến tranh công khai. Cho dù hoạt động của HAC cũng tính là trên cơ sở phản chiến, nhưng, Meselson muốn tránh mọi rắc rối có thể cản trở việc điều tra khoa học. Trong một cuộc họp với Ellsworth Bunker vào 2 ngày sau, Meselson nhẹ cả người khi nghe thấy ngài đại sứ lặp lại rằng ông rất quan tâm và sẽ hỗ trợ phái đoàn. Tuy vậy, sự quan tâm của Bunker cũng phải không là chiếc chìa khóa vàng; các quan chức Mác-vi dù tỏ ra rất thân mật nhưng lại không cho phép các nhà khoa học có được những thứ giá trị. Các nhà khoa học đã đề nghị được tham gia một chuyến bay Ranch Hand nhưng bị từ chối. Họ cũng không thể tiếp cận được các tài liệu Ranch Hand liên quan tới toàn bộ chương trình, bao gồm nhật ký chuyến bay, loại thuốc diệt cỏ được sử dụng và nồng độ phun thuốc từng vùng. Các quan chức Mác-vi viện dẫn hàng loạt quy định khiến không thể phân loại lại tài liệu theo yêu cầu đột xuất. Khó khăn hơn nữa là các nhà khoa học Việt Nam tuy sẵn lòng giúp đỡ nhưng mù tịt về những thông tin cơ bản nhất liên quan tới chiến tranh diệt cỏ.
Các nhà khoa học đã không thể lấy được các tài liệu quân sự của chiến dịch Ranch Hand. Tuy vậy, các cơ quan chính phủ (của miền Nam Việt Nam và Mỹ, bao gồm cả hãng hàng không Air America) đã tận tình giúp đỡ với việc hỗ trợ việc di chuyển của họ, đồng thời viết những bức thư giới thiệu và cho những lời khuyên vô giá về cách tìm đường ở những khu vực bị chiến tranh tàn phá. Với máy bay, trực thăng, xe jeep và tàu tuần tra, trong tháng sau đó, các nhà khoa học đã khảo sát hầu như toàn bộ những khu vực chính bị phun thuốc (hình 13).
H13
Phần “Nhiệm vụ đánh giá thuốc diệt cỏ”, tài liệu của Matthew S. Meselson, Khoa sinh vật học, trường đại học Harvard, Cambridge, Mass.
Do chiến dịch Ranch Hand đã phun thuốc trên diện tích tương đương một phần bảy diện tích cả nước, các nhà khoa học đã chuẩn bị cho một chuyến đi dài một tháng trên cả nước. Mục tiêu của HAC thiên về chiều rộng hơn là chiều sâu. Thời gian của phái đoàn ở Việt Nam có hạn, và các nhà khoa học lại cho rằng cuộc nghiên cứu sẽ là một khởi đầu của cuộc nghiên cứu lâu dài về các mặt sinh thái học và dịch tễ học của chiến tranh diệt cỏ, nên họ di chuyển khá nhanh. Ở một vài khu vực phun thuốc xa Sài Gòn, họ tìm kiếm các mẫu đất và động vật, phỏng vấn các trưởng làng, chụp ảnh những khu vực có môi trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ thuốc diệt cỏ. (hình 14) Tại Sài Gòn, các nhà khoa học đã dành hầu hết thời gian của mình điều tra nguyên nhân của chứng thai chết lưu và dị tật của con người với tỉ lệ cao. Họ thấy trong vùng bị phun thuốc, động vật chịu tác động xấu, và có số liệu dự đoán rằng con người cũng bị như vậy, nhưng cho tới ngày nay suy luận đó vẫn chưa được chứng minh đầy đủ. Cuốn nhật ký mà Robert Cook đã ghi chép tỉ mỉ về những cuộc phỏng vấn với những người nông dân cho thấy rằng bài báo cáo của Bionetics đã đưa ra một sự thật về việc sử dụng thuốc diệt cỏ.
H14
“Ngày 13 tháng Tám năm 1970,
Chúng tôi lái xe lên Phú Cường. Tại đây chúng tôi gặp một người kiểm lâm của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tên là Nguyen Tri Phuong (theo nguyên bản). Đây là một người rất tốt, nói tiếng Anh khá giỏi và đã nhiệt tình hộ tống chúng tôi cả ngày. Chúng tôi lại ngược lên phía bắc, tới Beu Cat, nơi chúng tôi gặp phó quản lý hành chính, Nguyen Cao Tuan. Ông đã nói về những đợt phun thuốc tại thôn Lai Kai, làng Lai Kai, huyện Beu Cat. Ông ấy nói rằng khu vực này mới được phun vài tuần trước. Trong tổng số mười nghìn con gà trong thôn, năm nghìn con đã ốm sau đợt đó, một nghìn con đã chết. Trong 200 con lợn, có 100 con bị ốm và 15 con chết. Những con gà bỏ ăn và khi sắp chết, chúng chạy vòng quanh. Chúng tôi tới làng và thấy rằng quả thực chiến dịch làm rụng lá đã xảy ra ở đây 5 tuần trước đó bởi nhiều chiếc lá khô vẫn còn ở trên cây. Khoảng 10 tới 20% cây ở đây bị rụng lá, tất cả những cây mít đều bị rụng lá. Chúng vẫn sống, nhưng còn quá sớm để nói về số phận của chúng bởi hoạt động phun thuốc chỉ mới diễn ra. Chúng tôi đã uống Cô-ca-cô-la ở trong làng và sau đó đi tới nhà của một phụ nữ có gà bị ảnh hưởng. Bà ấy đã mất khoảng 80 con. Một vài lá chuối dưới đã héo, lá cây xoài quăn lại và những cây rau thì đều bị tác động. Chúng tôi đoán chừng rằng chiếc máy bay cũng ở tầm khá cao bởi khoảng thực vật rụng lá rộng khoảng 500 mét. Chúng tôi xem những con gà; chúng vẫn ở trong chuồng, được che chắn kỹ và chúng tôi phát hiện ra rằng chúng vẫn luôn bị nhốt trong những cái chuồng này. Hai bên chuồng được để thoáng. Người phụ nữ dẫn chúng tôi tới một chuồng riêng cho những con gà ốm. Một con không thể đứng được. Tôi quan sát nó khá gần; lông của nó nhìn rất xấu và có thể nó mắc bệnh gì đó. Vì vậy, chúng tôi cho rằng chúng tôi đã xác minh được điều cần xác minh, và trường hợp lợn và gà ở đây đã chứng minh điều đó. Chúng tôi cảm ơn người phụ nữ và rời khỏi đó”.
Vậy liệu những con số thiệt hại về gia cầm, gia súc đã được ghi chép có ý nghĩa gì đối với con người hay không? Theo các nhà khoa học, các số liệu ấy không kết luận được gì theo quan điểm dịch tễ học với con người. Theo như báo cáo của HAC về độc tính của thuốc diệt cỏ tại miền Nam Việt Nam, tỉ lệ thai chết lưu trong mười năm trước đó đã thực sự giảm, trong khi tỉ lệ dị tật bẩm sinh, kể cả ở những khu vực được phun thuốc nhiều nhất, cũng không cho thấy có mối liên hệ nào với việc phơi nhiễm Chất độc da cam. Ngược lại, những phát hiện này cũng không chứng minh tính an toàn của những chất hóa học diệt cỏ khi con người tiếp xúc. Nếu những số liệu ấy có thể hiện được điều gì, thì đó chính là chúng đã tiên phong nhấn mạnh được tầm quan trọng của từng chi tiết số liệu đối với việc đưa ra các quan điểm về tác động của chất độc da cam tới sức khỏe. Các ghi chép tại bệnh viện Việt Nam vào thời chiến tranh loạn lạc vừa lộn xộn vừa không lạc hậu. Các số liệu có sẵn và số liệu thực tế không khớp nhau. Lầu Năm Góc còn khiến mọi việc phức tạp hơn khi họ liên tục từ chối cung cấp cái mà Meselson sau này gọi là “thông tin cơ bản nhất mà chúng tôi cần - một danh sách những vùng bị phun, thời gian và phương tiện”. Nếu không có những thông tin này, bằng chứng về tác động tới sức khỏe của chiến tranh diệt cỏ sẽ không khác gì lời phàn nàn của bà chủ trại gà với Robert Cook.
Các nhà khoa học cho rằng, dù tác động thực tế của Chất độc da cam tới sức khỏe con người là gì, thì quân đội Mỹ cũng đã không tách biệt được vùng cần phun và khu vực dân cư. Làm sao mà phân biệt được khi mà trận chiến không có chiến tuyến cố định, còn toàn bộ chiến lược của đối phương xoay quanh khả năng trà trộn vào dân làng. Chính việc người dân tiếp xúc với thuốc diệt cỏ là điều làm HAC lo lắng nhất: cho dù tác động đến sức khỏe người dân vẫn mập mờ, nhưng hậu quả ngoài dự kiến mà người dân Việt Nam phải chịu sau các đợt tấn công Ranch Hand là quá rõ, đặc biệt là tác hại của chương trình phá hủy mùa màng đối với nhu cầu dinh dưỡng của người dân. Khi trở về Mỹ với các mẫu đất và sữa mẹ, Meselson và nhóm khảo sát đã viết thư gửi các quan chức chính phủ cấp cao, kể cả tổng tư lệnh MACV là ông Creighton Abrams, đại sứ Bunker và ngoại trưởng William Rogers. Lá thư gồm những thông tin chi tiết đối lập với tuyên bó của quân đội là chỉ tiến hành Ranch Hand ở vùng xa dân cư.
Những tranh cãi xung quanh bài báo cáo của Bionetics đè nặng lên HAC. Bốn năm trước, E. W. Pfeiffer đã yêu cầu có điều tra khoa học độc lập để tìm hiểu về những tác động lâu dài của chiến tranh diệt cỏ đối với môi trường Việt Nam, chứ không phải là con người. Nhưng phái đoàn HAC đã gióng lên hồi chuông báo động mới, rằng không chỉ đời sống thực vật mà cả sức khỏe con người đều đang ở trong tình trạng vô cùng nguy cấp. Ngay cả khi kết luận về tác động tới sức khỏe con người còn chưa rõ lắm, thì các thành viên phái đoàn vẫn khẳng định rằng hệ sinh thái miền Nam Việt Nam đang ở trong tình trạng thiệt hại lớn và có thể không phục hồi được. Tờ “Khoa học” đã đưa tin về những kết quả chính của chuyến đi và kết quả này cũng được báo cáo tại cuộc họp thường niên của AAAS tại Chicago năm 1970:
— Một phần năm tới một nửa rừng đước của miền Nam Việt Nam, tổng diện tích khoảng 1400 km vuông, đã bị “hoàn toàn bị phá hủy,” và ngay cả bây giờ, nhiều năm sau khi phun thuốc, hầu như không có dấu hiệu của sự tái sinh.
— Khoảng một nửa số cây ở rừng gỗ cứng trưởng thành phía bác và tây Sài Gòn đã chết, và một sự xâm lấn ồ ạt của những cây tre vô giá trị có khả năng sẽ chiếm toàn bộ diện tích này trong các thập kỷ tới.
— Chương trình tàn phá mùa màng của Quân đội, với mục đích chặn nguồn lương thực của binh lính đối phương, đã “thất bại” hoàn toàn, bởi vì gần như toàn bộ lương thực bị phá hoại thực chất là của những người dân địa phương, đặc biệt là người Thượng ở Tây Nguyên.
Các nhà khoa học khám phá ra thiệt hại tiềm năng lớn nhất là một hiện tượng mà họ gọi là “mất dinh dưỡng”. Sau mỗi đợt phun thuốc, các rừng cây lá ba tán bị rụng lá gần hết, đất rừng trở nên bão hòa với sự phân hủy chất, và sẽ không thể hấp thụ những chất dinh dưỡng từ lá cây như khi chúng rụng ở tỉ lệ thông thường nữa. Ở các khu rừng trong vùng gió mùa, lượng nước mưa sẽ tạo ra các dòng chảy, cuốn cách chất dinh dưỡng từ đất đi và gây ra xói mòn, do đó, cây cối khó ra lá, các loài động vật phụ thuộc vào thực vật xung quanh cũng gặp tình trạng tương tự.
Nhờ báo cáo của HAC, các kênh truyền thông quan tâm hơn tới thuốc diệt cỏ. Hoạt động phản đối chiến dịch Ranch Hand vốn xuất hiện ngay khi chương trình này bắt đầu nay tập trung vào những điều mập mờ và đòi hỏi một sự giải thích rõ ràng.
Bởi quân đội Mỹ không công khai các hoạt động của mình để các tổ chức và cá nhân có thể độc lập xem xét, nên các nhà phản chiến, những người bình thường và các nhà khoa học tuy lo lắng nhưng nỗi lo đó dựa trên suy đoán và giả định chứ không phải những nguy cơ đã được khẳng định. Nay báo cáo của HAC giúp họ thêm tự tin.. Một phóng viên khoa học của tờ “Boston toàn cầu” gọi Ranch Hand - ngay cả khi nó đã giảm quy mô - là “sức mạnh tàn phá bất trị”. Một phóng viên khác của tờ “Thời báo Luân Đôn” lại gọi các đợt phun thuốc diệt cỏ là “cơn mưa hủy diệt”. Nhà bình luận chuyên đề của “Thời báo Luân Đôn” Anthony Lewis đã chỉ trích những khẳng định của Lầu Năm Góc khi khẳng định những lợi ích kinh tế mà chiến tranh diệt cỏ mang lại. Anthony coi đây là những xác nhận “bất cần đạo lý và hoàn toàn sai sự thật”. Một nhóm các giáo sư và sinh viên ngành sinh vật học tại Stanford còn coi chiến tranh diệt cỏ như một “sự tàn phá Đông Dương”. Các bức ảnh do HAC chụp từ trên không cho thấy quang cảnh các khu rừng trước và sau đợt phun thuốc đã xuất hiện trên tờ “Washington Post”, “Thời báo New York” và “Thời báo Los Angeles”. Đây là những minh chứng cho những đặc tính đã nêu trên (hình 15).
H15
Tính đến thời điểm đó, các nhà khoa học là những người bỏ nhiều công sức để đưa ra ánh sáng và tố cáo “chất hủy diệt sinh thái” ở Việt Nam. Các nhà khoa học đã dành hầu hết cuộc đời khoa học, và cả thời gian nghỉ hưu của mình cho sự nghiệp này. Sự kiên trì đó cũng ứng với niềm tin ngay từ đầu rằng để xác định được đầy đủ các hậu quả của chiến tranh diệt cỏ sẽ mất hàng thập kỷ. Arthur Westing, chủ tịch của HAC và đồng thời là cây bút phê bình chiến tranh diệt cỏ sung mãn nhất, đã lập tức bắt đầu công bố những trải nghiệm của mình khi ông trở về. Mặc dù chuyên ngành nghiên cứu chính của ông là về lâm nghiệp, ông vẫn có những bài báo về hậu quả của chiến dịch Ranch Hand với tiêu đề khiến người đọc mường tượng ra một thảm họa. Vào đầu những năm 1980, Westing trở thành một thành viên của Viện nghiên cứu vì hòa bình Stockholm, nơi ông đã viết hai cuốn sách về chủ đề hòa bình và giúp mở ra ngành nghiên cứu chiến tranh môi trường non trẻ. Ngày nay, khi đã về hưu, Westing tiếp tục làm cố vấn về các vấn đề liên quan tới xung đột và môi trường quốc tế. E. W. Pfeiffer, người tiên phong đưa AAAS tham gia vào cuộc tranh luận thuốc diệt cỏ, chưa bao giờ tham gia vào cuộc nghiên cứu loại thuốc này với tư cách là đại diện chính thức của tổ chức. Pfeiffer là nhà khoa học phản chiến công khai nhất trong nhóm này, vì thế ban chấp hành AAAS coi ông “là một người tiêu biểu cho sự cực đoan” và giữ khoảng cách với ông. Người vợ góa của ông, Jean, đã hồi tưởng và kể lại rằng AAAS chưa bao giờ coi Pfeiffer là “người của họ”. Tuy vậy Pfeiffer vẫn tận tụy với sự nghiệp cho đến khi ông mất vào năm 2005. Cùng với Westing và các đồng nghiệp khác, Pfeiffer viết cuốn Thu hoạch cái chết vào năm 1972. Cuốn sách kể chi tiết về tác động của chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam. Những năm sau đó, ông thường xuyên có ấn phẩm về chủ đề này. Năm 1982, Pfeiffer làm đạo diễn một bộ phim tài liệu mang tên “Hủy diệt sinh thái: Một chiến lược chiến tranh”, trong đó có nhiều cảnh quay chính ông ở những khu vực bị phun thuốc.
Matthew Meselson và John Constable cùng viết một bài báo trong tờ “Tập san” của Câu lạc bộ Sierra về công trình nghiên cứu của mình ở Việt Nam; sau đó cả hai người theo đuổi hai hướng khác nhau. Meselson đồng ý làm chủ tịch phái đoàn HAC với điều kiện nhiệm kỳ của ông sẽ chấm dứt sau mười hai tháng. Và ông đã làm tốt với thỏa thuận này. Constable, một bác sĩ phẫu thuật tạo hình, là một trong những người thể hiện sự hoài nghi lớn đối với mối tương quan giữa việc tiếp xúc với Chất độc da cam và hàng chục căn bệnh đe dọa hiểm nghèo mà các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và cả những người dân nơi đây đều cho là do thuốc diệt cỏ. Constable tham gia vào cuộc bút chiến này với mong muốn tìm ra mối quan hệ nhân quả ấy. Ông đã kết luận rằng số liệu không tương quan với nhau - mặc dù những cuộc nghiên cứu gần đây đã chứng minh chất 2,4,5-T nhiễm dioxin tồn tại dai dẳng ở khắp miền Nam Việt Nam. Constable yêu cầu chính phủ Mỹ phải có chính sách nhìn nhật mọi chứng bệnh liên quan tới chất độc da cam, ông nhấn mạnh: “Các ngài phải nhớ rằng, khi các binh lính trong chiến tranh Việt Nam trở về, họ không phải là anh hùng trong thế chiến thứ I hay thứ II, họ không được đối xử công bằng… ít nhất chúng ta có thể làm tất cả để giúp đỡ họ về mặt y tế, dựa trên giả định về ảnh hưởng chất độc ngay cả khi khoa học không chứng minh được giả định này”.
Theo quan điểm của Constable, không có bằng chứng thuyết phục nào chứng tỏ chất độc da cam gây ra cái chết hay một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là không hỗ trợ y tế cho các bệnh nhân.
So với các nhà khoa học phản chiến khác, Arthur Galston tham gia vào chiến dịch Ranch Hand chủ yếu ở cấp độ triết học và chính trị. Chính Galston là người đã nghĩ ra khái niệm “hủy diệt sinh thái”, người đã khiến cuộc tranh luận về thuốc diệt cỏ trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam trở thành một cuộc tranh luận về khoa học và trách nhiệm xã hội. Với tư cách một nhà giáo dục, Galston quan tâm đặc biệt tới cuộc tranh luận về đạo đức khi khoa học và chính trị bắt tay với nhau. Năm 1969, Trong bài diễn văn của ông trước Hiệp hội thực vật học của Mỹ với tư cách là chủ tịch, ông đã nhấn mạnh điều này như để giải thích về sự quan tâm của ông đối với những tranh cãi về thuốc diệt cỏ:
“Đối với bất cứ ai đang giảng dạy tại một trường đại học hay cao đẳng, ở Mỹ hay bất cứ phương trời Tây nào, thì một trong những điều mấu chốt phải quan tâm là sự liên quan. Hơn bao giờ hết, sinh viên đang hỏi liệu ngành học của họ có liên quan gì tới thế giới bên ngoài?… Chúng ta có nên lo lắng cho một thế hệ “bàng quan” vì khoa học hay không? Chúng ta có nên tìm cách đáp lại dư luận từ những người bất mãn với trật tự hiện tại hay không? Tôi cho rằng việc thờ ơ với những yêu cầu đối thoại của một nhóm sinh viên dù hay ít không chỉ bất lịch sự hay kiêu ngạo mà còn nguy hiểm. Khi sự bất bình không được hướng vào một con đường đúng đắn, bạo lực và phá hoại thường xuyên xảy ra”.
Galston tự nhận mình là người tôn thờ con đường “trung đạo” của chủ nghĩa xã hội Scandinavi, đã làm đúng như những tuyên bố của mình nỗ lực kết nối hợp tác khoa học trong sự phân cực do chiến tranh lạnh. Những chuyến đi của ông tới Trung Quốc và Việt Nam những năm 1970 đã tạo ra được sự cộng tác giáo dục lâu dài giữa các nhà khoa học Mỹ và các đồng nghiệp ở châu Á, vượt ra khỏi những tranh cãi về chiến tranh diệt cỏ. Galston thích nói đùa rằng, chính ông chứ không phải Richard Nixon mới là người Mỹ đầu tiên “mở cửa” Trung Quốc vào năm 1972. Trở về quê hương ở New Haven, năm 1977 ông phát triển chương trình giảng dạy mới về “đạo đức ngành sinh vật học” ở trường Đại học Yale. Cho tới giờ, khóa học nhập môn của bộ môn này vẫn nằm trong các môn đông sinh viên nhất.
Năm 1964, khi các nhà khoa học lần đầu biết tới chiến dịch Ranch Hand, ngay lập tức họ hiểu rằng quy mô chưa từng có của chương trình này - xét về việc sử dụng hóa chất trong chiến tranh lẫn việc tiến hành chiến dịch như như biến thể của hoạt động kiểm soát cỏ dại trong nông lâm nghiệp - sẽ khiến các nhà khoa học phải đau đầu về những hậu quả sinh thái và dịch tễ của chiến tranh diệt cỏ trong một thời gian dài, kể cả sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng tới năm 1970, khi HAC trở về Mỹ, các nhà khoa học trong phái đoàn và đồng nghiệp hiểu rằng họ cần phải thực hiện một nhiệm vụ cấp bách hơn: dừng chiến dịch Ranch Hand và chiến tranh diệt cỏ vĩnh viễn. Để làm được điều đó, các nhà khoa học phải thực sự dấn thân vào vũ đài chính trị, đối mặt với chính quyền Nixon cũng như bộ máy Lầu Năm Góc, những người dự định sử dụng chất độc da cam để giải quyết các xung đột sau này. Các nhà khoa học hiểu rõ sứ mệnh mới mà họ đang đảm nhiệm và coi đó là cơ hội để đền bù cho những vết thương trong chiến tranh Việt Nam trên đất nước này lẫn quê hương của họ. Họ cũng bắt đầu nhìn nhận bản thân như những người đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, với cơ hội đặc biệt để đưa “liên hợp quân sự- công nghiệp” của Mỹ phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Jeffrey Race, một giáo sư khoa học chính trị, đồng thời từng là sĩ quan quân đội Mỹ, đã miêu tả tâm trạng của các nhà khoa học và tầm quan trọng của họ rất thật- như những gì người ta đã tưởng tượng trong một xã hội sinh thái-chính trị hàng trăm năm sau:
“Thế hệ các nhà khoa học năm 2072, khi điều tra sẽ đưa ra những nhận định sau: quốc gia giàu và mạnh nhất cuối thế kỷ XX đã sử dụng khoa học hiện đại để đàn áp quá trình cách mạnh xã hội của một vùng đất nghèo khổ và xa xôi; bởi có rất ít các nhà khoa học phản chiến, nên những phát minh vốn nhằm nâng cao sức khỏe con người và sản lượng nông nghiệp lại gây ra nghèo đói và tàn phá mùa màng; người da trắng đã sử dụng các hóa chất mà hậu quả lâu dài còn chưa được rõ để rải lên vùng đất của người châu Á với số lượng đáng kinh ngạc, chưa từng có từ trước tới nay; và các nhà lãnh đạo chính trị có lẽ có đạo đức, của cường quốc ấy lại cố gắng nói dối, lập lờ và cẩn trọng lảng tránh khi bị hỏi về những hành động của mình”.
Nhờ có một sai lầm lớn của Richard Nixon khi đưa ra các chính sách mới về chiến tranh sinh hóa học mà các nhà khoa học đã có cơ hội ngăn chặn sự “lảng tránh” trong tương lai ấy. Sau một cuộc tranh luận căng thẳng giữa Thượng nghị viện Mỹ và Nhà Trắng vài năm sau đó, chất hủy diệt sinh thái đã chính thức bị cấm bởi luật quốc tế.
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam