We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 26
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chiến Tranh Diệt Cỏ
ào đầu Tháng mười hai năm 1961, ngay sau khi Tổng thống John F. Kennedy phê chuẩn triển khai hoạt động diệt cỏ, những chiếc phi cơ vận tải C-123 trang bị hệ thống phun gắn cánh cất cánh từ nhiều căn cứ không quân Mỹ. Mặc dù mãi tới nửa cuối thập kỷ đó thực chất của cụm từ “chiến tranh hóa học” mới trở thành một đầu đề gây tranh cãi, khi những người phản đối chiến tranh và bảo vệ môi trường cùng hợp sức lên án “hành động hủy diệt sinh thái” tại Việt Nam và sự mập mờ về tính hợp pháp của chiến dịch Ranch Hand khi chiếu theo Nghị định thư Geneva 1925, còn các quan chức chính phủ thì ngay từ đầu đã sử dụng thuật ngữ này. Quân đội Mỹ gọi chương trình khai quang là chiến tranh hóa học ngay sau khi Mỹ rút chân khỏi cuộc xung đột. Trước khi Kennedy phê chuẩn việc tiến hành chiến dịch vào ngày 30/11/1961, phụ tá Walt Rostow đã giải thích sự phê chuẩn của tổng thống là vô cùng cần thiết, bởi việc sử dụng “thuốc diệt cỏ” của quân đội Mỹ cũng là “một dạng chiến tranh hóa học”. Những ghi chép của Rostow thể hiện sự mâu thuẫn khi xét tới tính hợp pháp và khía cạnh chính trị của chiến dịch Ranch Hand, ông cũng thể hiện quan điểm chấp nhận gánh trách nhiệm sau này để được lợi thế chiến thuật ngay trước mắt. Mặc dù rất nhiều đơn vị quân đội khi viết báo cáo đánh giá về thuốc diệt cỏ đều ca ngợi giá trị chiến lược và chiến thuật của chiến dịch Ranch Hand trong việc thực hiện nhiệm vụ mở rộng hoạt động đàn áp tại miền Nam Việt Nam (từ đó chứng minh rằng những người trước đây ủng hộ chương trình đã đúng), nhưng không có lời lẽ nào chứng minh được rằng chương trình này đáp ứng được những quy tắc về “chiến tranh công bằng” (jus in bello), hay hành động chiến tranh thỏa đáng.
Nếu như thời điểm chiến dịch Ranch Hand bắt đầu vào mùa đông năm 1961- 1962 đánh dấu sự khởi đầu của chiến tranh hóa học quy mô lớn chưa từng xuất hiện trong các trận đánh lớn ở mặt trận phía tây thời thế chiến thứ I - tại sao không ai nghe lời cảnh báo của chính những người trong chính phủ? Roger Hilsman, giám đốc trung tâm tình báo và nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, sau là trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Viễn Đông, đã kể lại sự phản đối của mình đối với hoạt động diệt cỏ vào tháng Ba năm 1962, khi mà chiến tranh diệt cỏ mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm:
“Việc làm rụng lá những cánh rừng rõ ràng khiến người ta liên tưởng tới chiến tranh khí độc… Nó khiến ta mất đi sự ủng hộ từ quốc tế, và Việt Cộng cũng (có thể) tận dụng nó để tranh thủ lợi thế tuyên truyền như một ví dụ về việc người Mỹ đã gây chiến tranh với những người nông dân chất phác.”
Đáp lại quan điểm đó, hầu hết các cố vấn của Kennedy đều cho rằng chiến tranh diệt cỏ không thể xếp ngang bằng hay thậm chí không đáng để so sánh với cuộc tấn công bằng khí độc trong thế chiến thứ I. Ngoại trưởng Dean Rusk nhấn mạnh với tổng thống rằng cụm từ “diệt cỏ” chỉ thay thế cho “chiến tranh hóa học” mà thôi, từ đó dự báo khả năng chương trình này sẽ bị lên án kịch liệt trong tương lai. Cùng lúc đó, quân đội lặp lại điệp khúc yêu cầu đưa chất diệt cỏ vào danh mục vũ khí dùng trong hoạt động quân sự chống quân du kích. Trong trận địa mà những chiến thuật và vũ khí thông thường của Mỹ không tiện triển khai, thì chỉ có hóa chất mới hứa hẹn đưa tới thắng lợi. Một quan chức quân sự cũng đồng ý với lập luận này:
“Cách tốt nhất giúp Mỹ có thể đạt được những mục đích quân sự tại Đông Nam Á là chiến tranh hóa học. Mỹ sẽ không bao giờ có đủ lực lượng để xới từng cánh đồng trong vùng chiến sự ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta cũng không thể đưa xe bọc thép xuống từng kênh tưới tiêu. Chúng ta cũng không thể sản xuất đủ phi cơ và có đủ người lái để lùng các nhóm du kích ẩn náu trong rừng. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể “làm vệ sinh” cho khu vực này bằng vũ khí hóa học, khí độc và thuốc phun, để hủy diệt động vật và cây trồng. Chúng ta có thể tạo ra một vùng đất không bóng người, khiến quân du kích không thể di chuyển. Chúng ta có thể dọn sạch cả khu vực này để quân địch không dám hoạt động ở đây nữa.”
Sự tách bạch vũ khí giết người và và vũ khí hủy diệt cây cỏ là lý do khiến Kennedy gật đầu phê chuẩn chiến dịch diệt cỏ. Tuy vậy vào lúc đó, đằng sau sự tách bạch này là sự thật: ngay từ đầu ngài tổng thống đã biết rằng chiến dịch Ranch Hand sẽ đánh dấu lần đầu tiên một cường quốc sử dụng hóa chất trong chiến tranh kể từ thế chiến thứ I. Ngài tổng thống chưa bao giờ cố rêu rao rằng chiến tranh diệt cỏ là một cách tiến hành chiến tranh “nhân đạo hơn”. Vì thế, ông đã không liệt thuốc diệt cỏ vào danh sách các vũ khí thích hợp để sử dụng ở miền Nam Việt Nam. Khác với những người tiền nhiệm, Kennedy cũng nhận ra tầm quan trọng của quyết định “Mỹ hóa” chiến tranh tại miền Nam Việt Nam bên cạnh các chính sách khác về Việt Nam. Quyết định này đòi hỏi những kỹ thuật và công cụ tiên tiến để đàn áp quân giải phóng, nhưng ngài tổng thống không định biến Mỹ thành nước đầu tiên sử dụng lại vũ khí hóa học gây tử vong cho con người trong chiến tranh.
Chiếc phi cơ C-123 và những người lính đầu tiên tình nguyện tham gia chiến dịch này xuất phát từ Căn cứ không quân Pope, Bắc Carolina vào ngày 28 tháng Mười một năm 1961. Trên đường bay theo hướng tây tới miền Nam Việt Nam, phi hành đoàn đã dừng chân tại Căn cứ Travis ở California, Căn cứ Hickam ở Hawaii, đảo Wake và Guam ở Bắc Thái Bình Dương. Vào mùng 6 tháng Mười Hai đội hình phi cơ C-123 hạ cánh tại Căn cứ không quân Clark, Phillipines, đây cũng là chặng dừng cuối cùng tại lãnh thổ thuộc Mỹ trên hòn đảo Thái Bình Dương mà Mỹ đã xây dựng từ những năm 1890. Phi hành đoàn nhận lệnh chờ ở Phillipines một vài tuần cho đến khi các công việc hậu cần của Đoàn cố vấn viện trợ quân sự của Mỹ ở Việt Nam (MAAG) được thực hiện. Đại úy Carl W. Marshall, chỉ huy chiến dịch với tên gọi mới Ranch Hand, đã tận dụng thời gian nghỉ này một cách hợp lý: vì cho rằng binh lính còn thiếu kinh nghiệm, Marshall đã dành một tháng để họ tập trận giả, rải hóa chất gần căn cứ không quân trên bờ biển Phillipines.
Mặc dù chiến dịch Ranch Hand sắp được thực hiện ở miền Nam Việt Nam dưới sự chỉ huy và triển khai trực tiếp của quân đội Mỹ, nhưng việc xác định phi hành đoàn thuộc nhóm quân sự hay dân sự vẫn còn bỏ ngỏ mãi cho tới tháng Mười Hai năm 1961. Tuy Nhà Trắng đã quyết rằng hoạt động tàn phá mùa màng vẫn sẽ trá hình là chương trình của Việt Nam Cộng Hòa, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Robert McNamara vẫn đề xuất rằng những chiếc máy bay rải thuốc không nên có ký hiệu và phi công nên mặc quần áo dân sự. Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn khi đó là Frederik Nolting cũng đồng ý với đề xuất này. Ông ta lo rằng những chuyến hàng vận chuyển thuốc diệt cỏ sắp tới nếu ghi rõ là dành cho chương trình quân sự Mỹ, sẽ bị Ủy ban kiểm soát quốc tế (ICC) phản đối. Được ủy thác theo Nghị định thư Geneva 1954, ICC có trách nhiệm rà soát các chuyến hàng quân sự Mỹ đưa tới miền Nam Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Roswell Gilpatric đã chuẩn bị một chiến lược “ăn miếng trả miếng” nếu các giám sát viên của ICC chặn các chuyến hàng thuốc diệt cỏ: ông lập luận rằng miền Bắc Việt Nam xâm lược miền Nam và do đó vi phạm Nghị định thư Geneva; và chiến tranh diệt cỏ chỉ là một phản ứng hợp lẽ của Mỹ để bảo vệ đồng minh. Gilpatric cũng hướng dẫn Hội đồng tham mưu liên quân (JCS) và các chỉ huy không quân, lục quân và hải quân nhắc lại tuyên bố sau nếu họ gặp phải bất cứ vấn đề gì về chiến dịch Ranch Hand: “Mỹ chấp thuận yêu cầu tăng hỗ trợ về người và thiết bị của chính phủ Việt Nam, và quyết tâm giúp gìn giữ độc lập cho đất nước này. Đây là mục đích duy nhất của Mỹ. Mỹ sẽ dừng ngay các biện pháp này khi miền Bắc Việt Nam chấm dứt hành động xâm lược của mình”.
Do đó, chiến dịch Ranch Hand cùng lúc nhắm tới hai mục đích khá trớ trêu: nó trở thành một trong những “củ cà rốt” đầu tiên hay phần thưởng ngoại giao mà Mỹ định dùng để kết thúc sự can thiệp của miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, nếu quân giải phóng và du kích hoạt động độc lập với Hà Nội, thì chiến tranh diệt cỏ sẽ chẳng liên quan gì tới Nghị định thư Geneva lẫn mối đe dọa mà ông Diệm phải đối mặt từ miền Bắc.
Những lý lẽ này không làm hài lòng các quan chức quân sự Mỹ trong cuộc. Nolting tin rằng sự biện hộ này không đủ để bào chữa cho chiến dịch Ranch Hand vốn dựa trên yêu cầu thực hiện hoạt động diệt cỏ của Tổng thống Diệm. Gần như ngay sau đó, lực lượng không quân đã tạm ngừng mọi hoạt động để che giấu quốc tịch của phi hành đoàn Ranch Hand. Philip F. Hilbert thuộc văn phòng Thứ trưởng Không quân đã gửi một bức thư khẩn tới trợ lý Bộ trưởng Bộ quốc phòng là William Bundy để nhấn mạnh rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm che giấu nguồn gốc thực của chiến dịch Ranch Hand hay các chuyến hàng thuốc diệt cỏ đều cực kỳ ngớ ngẩn. Mặc dù không có quan chức chính phủ nào trong chiến dịch diệt cỏ xem nhẹ những mũi dùi mà Mỹ và miền Nam Việt Nam phải chịu về mặt tuyên truyền, nhưng địa vị của không quân vẫn cao hơn: Nếu tiến hành chiến dịch Ranch Hand thì sẽ tiến hành một cách công khai. Vào ngày 14 tháng Mười Hai năm 1961, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng đồng tuyên bố: “Những phi công và phi cơ Mỹ tham gia vào hoạt động phun thuốc khai quang sẽ không cần che giấu danh phận nữa”. Nếu gạt sang bên hậu quả về mặt chính trị của chiến dịch này, thì mục tiêu của Ranch Hand chính là buộc quân du kích giải phóng phải lộ diện mà mà không cần phải ngụy trang.
James Brown trở lại miền Nam Việt Nam vào giữa tháng Mười Hai năm 1961, sau một tháng hội ý với đồng sự tại Fort Detrik về kết quả đầy hứa hẹn của các cuộc thử nghiệm thuốc diệt cỏ. Trước khi rời khỏi đó, Brown đã có cuộc gặp gỡ với William Godel, phó giám đốc Cơ quan nghiên cứu dự án chuyên sâu của Lầu Năm Góc, và nhờ đó Brown biết được việc Tổng thống Kennedy đã phê chuẩn hoạt động diệt cỏ cũng như quyết định của Bộ quốc phòng giao hầu-như-toàn-bộ quyền chỉ huy trong hoạt động phun thuốc cho Brown. Brown là một nhà khoa học, vì thế, việc để ông chỉ huy một hoạt động quân sự là rất bất thường. Việc ra chỉ thị cho một nhà khoa học chỉ huy binh lính là một minh chứng rằng các quan chức ở Washington muốn “kiềm chế” hoạt động diệt cỏ ngay từ đầu. Nếu không như vậy, khí thế của một quan chức quân đội nào đó trong hoạt động phun thuốc có thể đã khiến quy mô chiến dịch Ranch Hand vượt xa chỉ thị của tổng thống rằng “phải thực hiện chương trình phun thuốc một cách chọn lọc và kiểm soát cao độ”.
Việc đầu tiên mà Brown làm khi trở lại Việt Nam là thực hiện chương trình ba giai đoạn để khởi động chiến tranh diệt cỏ của Mỹ. Như trung tướng Lionel McGarr của MAAG nêu rõ vào tháng Mười năm 1961, kế hoạch yêu cầu tập trung phun thuốc khu D, nằm ở phía nam Sài Gòn và là căn cứ của quân giải phóng. Thuốc diệt cỏ được dùng để phá hủy đất trồng mùa, làm rụng lá các khu rừng, những con đường tiếp tế, phục kích và những lối mà binh lính Cộng Hòa cũng như các cố vấn của Mỹ thường qua lại.
Cách mã hóa để phân biệt từng loại thuốc diệt cỏ cụ thể dựa trên màu sắc nẹp buộc ngang các thùng hóa chất bắt đầu được sử dụng trong suốt những cuộc thử nghiệm trước đó của Brown dưới sự bảo trợ của Trung tâm phát triển và thử nghiệm tác chiến (CDTC). Các tên mã đó cũng được ghi trên các nẹp sắt màu buộc ngang các thùng hóa chất. Khi Brown trở lại miền Nam Việt Nam, đã có hai mươi nghìn ga-lông các chất độc Hồng và Chất độc Xanh được điều chế từ 2,4,5-T, hợp chất hóa học cấu thành hơn một nửa Chất độc da cam vào năm 1965, cũng là năm mà số lần xuất kích và lượng thuốc diệt cỏ dùng trong chiến dịch Ranch Hand tăng vô cùng mạnh mẽ (hình 5). MAAG ở Việt Nam cũng nhận mười lăm ngàn ga-lông axit cacodylic, hay còn gọi là Chất độc Xanh, một hợp chất làm khô chiết xuất từ thạch tín, và luôn là một vũ khí hủy hoại mùa màng chính trong suốt chiến dịch Ranch Hand. Mặc dù những con số này đã rất lớn, Brown vẫn yêu cầu bổ sung thêm 200 ngàn ga-lông Chất độc Tím (với tỉ lệ 50:50 hỗn hợp hai chất 2,4-D và 2,4,5-T, gần giống với Chất độc da cam sau này), được Lầu Năm Góc thu mua và đã bắt đầu được vận chuyển từ Kho quân nhu Naval ở Oakland, California, để kịp lúc phi hành đoàn Ranch Hand tới nơi.
H5
Vào ngày mùng 7 tháng Một năm 1962, lúc 9 giờ sáng, đội hình phi cơ C-123 phun thuốc, nòng cốt của chiến dịch Ranch Hand đã hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Đó là khởi đầu của “chuyến đi nổi tiếng nhất trong lịch sử của một đơn vị Không quân Mỹ bay trên phi cơ không vũ trang”, theo hồi tưởng của một thành viên phi hành đoàn, và vì không vũ trang, họ trở thành lực lượng bị bắn hạ nhiều nhất trong cuộc chiến tại Việt Nam. Bởi các quan chức Mỹ vô cùng lo lắng về mức độ công khai của chương trình này, các phi công thực hiện nhiệm vụ có cái tên rất khiêm nhường “Các chuyến bay phun thuốc và rà soát đặc biệt”. Thêm nữa, MAAG cũng hạ lệnh cho phi hành đoàn hạ cánh tại một khu vực riêng biệt, được thiết kế riếng cho các đội phi cơ chiến đấu của tổng thống Diệm. Khu vực này được canh gác nghiêm ngặt bởi Không quân miền Nam Việt Nam và chỉ huy bởi Trung tá Nguyễn Cao Kỳ, người sau này trở thành phó tổng thống miền Nam Việt Nam.
Vào ngày mùng 8 tháng Một, những thùng thuốc diệt cỏ từ California đã tới Sài Gòn. Ngay sau đó, MAAG đã ra lệnh trinh sát hình ảnh trên không để xác định các mục tiêu phun thuốc tối ưu. Các cơ quan chính phủ tại Sài Gòn cũng đồng thời tổ chức các buổi họp với lãnh đạo tỉnh để giải thích mục đích của hoạt động phun thuốc. Họ gieo rắc vào tâm trí các quan chức miền Nam Việt Nam “luận cứ” về tầm quan trọng sống còn của các hoạt động diệt cỏ. Họ chuẩn bị những điều này để đón đầu những luồng tuyên truyền mà quân giải phóng và Hà Nội có thể tung ra sau những đợt phun thuốc. Lãnh đạo các tỉnh cũng rải đơn ở các khu vực xa Sài Gòn. Một tờ tuyên truyền điển hình do lính đánh bộ Việt Nam Cộng hòa và không quân Mỹ cùng thực hiện thường mô tả hoạt động diệt cỏ nhưng là công cụ sống còn để chặt đứt các hoạt động khủng bố của quân du kích Giải phóng. Trong đó cũng ghi rõ chính phủ đảm bảo hóa chất an toàn với người dân và hứa sẽ đền bù bất cứ thiệt hại mùa màng nào mà chiến dịch phun thuốc này gây ra.
Sau hai ngày “chuẩn bị tâm lý” cho nhân dân địa phương, chiến dịch Ranch Hand đã triển khai những đợt thử nghiệm phun thuốc diệt cỏ đầu tiên gần Đường 15, một hành lang quan trọng nằm ở phía tây bắc Sài Gòn dễ bị quân giải phóng phục kích. Hầu như mọi thứ mới ở giai đoạn thử nghiệm: chiếc phi cơ C-123 vốn sở trường vận chuyển đường dài, chưa từng được thử nghiệm để rải thuốc dạng lỏng như thuốc diệt cỏ. Chiếc MC-1 hay “Đồng hồ cát”, cũng có hệ thống phun và miệng vòi được gắn thêm vào dưới thân máy bay. Hơn nữa, Brown đã không được thử nghiệm Chất độc Tím trên hệ thực vật Việt Nam trong quá trình nghiên cứu thực địa trước đó của ông. Ba ngày sau, Ranch Hand thực hiện nhiệm vụ đầu tiên trên diện rộng.
Vào buổi sáng ngày 13 tháng Một, hai đại úy Carl Marshall và William F. Robison Jr., thuộc lực lượng Không quân Mỹ, đã thực hiện hai chuyến bay đầu tiên dọc đường 15, rải gần 2 ngàn ga-lông Chất độc Tím trên khoảng 800 héc-ta. Sự khởi đầu chiến tranh diệt cỏ minh họa dạng thức phối hợp chiến đấu mà Tổng thống Kennedy đã mường tượng ra khi vạch chiến dịch đàn áp ở miền Nam Việt Nam. Do bản thân tổng thống Diệm cũng rất hào hứng với chiến tranh diệt cỏ nên sự tham gia của quân Việt Nam Cộng Hòa vào chiến dịch Ranch Hand sẽ vô cùng hữu ích về mặt chính trị lẫn quân sự đối với cả Sài Gòn và Washington. Có nhiều vấn đề dài hạn đòi hỏi phải có sự kết hợp hợp lý về mặt chiến thuật, đặc biệt là do những chiếc phi cơ C-123 ì ạch và bay thấp rất dễ “dính đạn” của quân giải phóng dưới mặt đất. Để đề phòng rủi ro này, Không quân Việt Nam Cộng hòa cử lính bộ đóng quân ở dọc đường 15 nhằm tuần tra và phát hiện quân giải phóng đang phục kích. Để an tâm hơn nữa, những chiếc máy bay của Không quân Việt Nam Cộng Hòa còn hộ tống những chiếc C-123 để tăng cường các hoạt động giám sát mặt đất. Mặt nhạy cảm của liên minh này không phải ở khía cạnh chính trị mà là quân sự: để nhìn từ bên ngoài, người ta thấy rằng những người ra chỉ thị trong chiến dịch Ranch Hand đều là quan chức quân sự Việt Nam Cộng hòa, tất cả các chuyến bay đầu tiên đều có một quan chức chỉ huy Việt Nam Cộng hòa mặc dù người đó không có thực quyền đối với các quyết định liên quan tới hoạt động diệt cỏ.
Về phương diện triển khai, Brown và các phi công Ranch Hand không coi những chuyến rải thuốc đầu tiên này là thành công tuyệt đối. Nhiệm vụ tại đường 15 kết thúc vào ngày 16 tháng Một, cũng là thời điểm mà đô đốc Harry Felt, Tổng tư lệnh Liên quân Thái Bình Dương của Mỹ đã đánh giá lại toàn bộ các khu vực là mục tiêu tiềm năng để rải thuốc. Sự phối hợp thành công giữa chiến dịch Ranch Hand và quân Việt Nam Cộng hòa hứa hẹn một tương lai hợp tác tốt đẹp trong khuôn khổ chương trình đàn áp. Việc phối hợp đồng bộ các hoạt động phức tạp để tiến hành chiến dịch Ranch Hand - từ việc thu mua thuốc diệt cỏ và vận chuyển qua Thái Bình Dương, tới việc đưa các phi cơ và các phi hành đoàn từ vô số căn cứ quân sự từ Mỹ đến, đến các tính toán của Washington nhằm tìm ra sự cân bằng giữa lợi thế chiến thuật và hậu quả chính trị - tất cả cùng được tiến hành tại miền Nam Việt Nam vào giữa tháng Một năm 1962. Tuy vậy, những vấn đề quan trọng nhất quyết định tương lai của chiến dịch Ranch Hand vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng: Liệu việc phun thuốc diệt cỏ từ trên không có đủ để làm rụng lá các thảm rừng? Liệu những khu vực bị khai quang có làm quân du kích giải phóng suy yếu và buộc phải thay đổi chiến thuật, từ đó làm giảm bớt ảnh hưởng của họ lên Sài Gòn hay không? Cuối cùng, liệu những người dân địa phương có yên tâm với lời đảm bảo chính thức của quân Việt Nam Cộng hòa về sự an toàn và cần thiết của hoạt động diệt cỏ về lâu về dài hay không?
Vấn đề trọng tâm nằm ở tác động sinh lý của các hoạt động diệt cỏ đối với các mục tiêu dự kiến. Nếu không có các phương tiện đủ hiệu quả để khai quang các khu vực bị quân giải phóng chiếm đóng, thì tất cả các vấn đề xoay quanh đó sẽ đều phải lật lại. Báo cáo của Brown về hiệu quả diệt cỏ trong đợt phun thuốc tháng Một: “Những hóa chất được sử dụng sẽ tiêu diệt hầu hết các loại thực vật ở Việt Nam nếu: (1) Chúng được áp dụng với đúng loại cây, (2) Chúng được áp dụng trong quá trình tăng trưởng tích cực của cây… Về thời điểm phun, những hóa chất này thực ra là chất điều chỉnh sự phát triển của cây, vì thế chỉ tác động vào cây một cách hiệu quả khi cây trong giai đoạn tích cực của chu kỳ phát triển” (hình 6).
H6
Brown cũng chú ý đến một hiệu ứng phụ trớ trêu xảy ra khi binh lính rải thuốc lên tầng cây cao nhất trong rừng: tầng cây này rụng lá, khiến mặt trời chiếu xuống nền rừng, tạo điều kiện cho các cây ở thấp phát triển rậm rạp, đặc biệt là tre và cỏ trâu. Trong trường hợp này, tiện ích chiến thuật của chiến dịch Ranch Hand đối với việc trinh sát trên không là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, việc cây cỏ mọc ở nền rừng gây khó khăn cho tầm nhìn từ ven đường hay các căn cứ quân sự. Các báo cáo quân sự đánh giá hiệu quả chương trình diệt cỏ luôn cố che giấu phát hiện này. Vào khoảng cuối thập kỷ, các nhà phản đối chiến tranh diệt cỏ đã vin vào hiệu quả phản tác dụng này để bác bỏ sự khẳng định của các quan chức quân sự rằng chương trình này đã cứu sống những người lính Mỹ.
Brown luôn tự tin rằng các hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T sẽ thành công trong việc làm rụng lá các khu rừng cũng như ngăn chặn khả năng cây mọc trở lại trong tương lai. Theo ông, chương trình có giá trị vì người ta có thể căn cứ vào vòng phát triển theo mùa của cây để định lịch phun thuốc định kỳ. Nhận xét về báo cáo của Brown, Trạm Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp hết sức đồng tình với việc mở rộng hoạt động diệt cỏ bởi hiệu ứng của loại thuốc này đối với một khu vực không thể đại diện cho tác động của nó đối với hệ thống rừng cây rộng lớn và đa dạng ở miền Nam Việt Nam. Mặc dù bài nhận xét này không mâu thuẫn với những phát hiện cơ bản của Brown, nhưng nó cũng không hồi đáp gì về yêu cầu tạm ngừng phun thuốc của ông ta. Nhưng điểm này chẳng bao lâu sau đó lại nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara, Tổng tư lệnh Liên quân Thái Bình Dương của Mỹ Admiral Felt và chỉ huy viện trợ quân sự của Mỹ ở Việt Nam Trung tướng McGarr. Sau khi đã có được sự hậu thuẫn từ Ngoại trưởng Dean Rusk, McNamara đã trình bày vấn đề với tổng thống Kennedy: “Ở Việt Nam, thực vật vô cùng đa dạng. Có những loài chưa từng được đưa vào thử nghiệm. Những khu vực hạn hẹp đã được phun thuốc không có sự đa dạng thực vật và các điều kiện cần thiết để đánh giá một cách toàn diện về mức độ hiệu quả của các chất hóa học được sử dụng, cũng như phạm vi ứng dụng của chúng. Chúng ta cần thử nghiệm tất cả các loài cây trong các điều kiện khác nhau, cũng như hiệu quả của kỹ thuật khai quang trong các điều kiện cụ thể”.
Sau đó McNamara đưa ra sáu khu vực mục tiêu được Bộ chỉ huy viện trợ quân sự của Mỹ ở Việt Nam (MAAG) cho rằng thích hợp áp dụng hoạt động diệt cỏ, danh sách này bao gồm cả các căn cứ không quân và kho đạn dược, vì cho rằng các kho quân sự của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đặt trong rừng rất dễ bị phá hoại và phục kích. Tổng thống Kennedy phê duyệt các mục tiêu mới, đồng tình rằng một đợt hoạt động đơn lẻ thì không đủ để đánh giá năng lực khai quang của chiến dịch Ranch Hand. Vào ngày 8 tháng Hai, quân đội Mỹ bắt đầu các đợt phun thuốc ở các khu vực mục tiêu mới, sau khi chiến dịch này tạm ngừng 5 tháng để đánh giá giá trị của chiến tranh diệt cỏ trong một chương trình đàn áp quy mô lớn hơn của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.
Cũng vào ngày McNamara đưa ra chỉ thị này, một trong sáu chiếc C-123 của Ranch Hand rơi xuống khi đang diễn tập khiến phi hành đoàn tử vong. Các thanh tra không tìm được nguyên nhân vụ rơi máy bay. Sự ra đi của Trung úy Fergus C. Groves II, trung úy Robert D. Larson và trung sĩ Milo B. Coghill là những trường hợp mất mát đầu tiên của Không quân Mỹ tại Việt Nam. Brown đã có phản ứng hết sức đáng sợ trước tai nạn này: ông nhận thấy những khu vực không bị phun thuốc cách xa vị trí máy bay rơi không bị cháy, và cho đó là “bằng chứng xác thực” chứng minh rằng rừng Việt Nam sẽ không cháy nếu chỉ dùng các phương pháp đốt rừng thông thường, ví dụ thả bom na-pan. Trong Chiến dịch Hoa Hồng và chiến dịch Rừng Sherwood sau này cho thấy những loại vũ khí đạn dược gây cháy như bom Na-pan sẽ có hiệu quả cao hơn khi thả tại những khu vực rừng đã bị khai quang trước đó.
Vào tháng Tư năm 1962, sau khi Ranch Hand đã rải thuốc diệt cỏ trên diện tích khoảng 4000 héc ta, chương trình Nghiên cứu các dự án tiên tiến (ARPA) của Lầu Năm Góc đã làm cuộc đánh giá lớn đầu tiên về chiến dịch này. Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là Chuẩn tướng Fred J. Delmore, gồm các đại diện từ Cơ quan hóa chất quân đội Mỹ và các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp. Báo cáo của họ xác nhận lại những gì mà các nhà sinh lý học thực vật đã khám phá vào những năm 1940: những loài cây khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau với cùng một loại thuốc diệt cỏ. Những khảo sát mới đó đã liệt kê hai loại thực vật chính ở miền Nam Việt Nam: dải rừng đước nằm dọc bờ biển phía nam và đồng bằng sông Cửu Long, cùng với các khu vực rừng nhiệt đới thường xanh phủ khắp Tây Nguyên, từ khu vực phi quân sự đến tận vùng ngoại vi phía nam Sài Gòn.
Bản báo cáo mà Delmore gửi McNamara vào tháng Năm, đã nhấn mạnh rằng nếu chiến dịch Ranch Hand mở rộng, những hoạt động phun thuốc sẽ gây ra mức độ rụng lá không đồng đều. Ngoài ra, các điều kiện khí tượng như độ ẩm và gió sẽ liên tục cản trở việc nhắm chính xác mục tiêu. Thêm nữa, mức độ hiệu quả của hoạt động phun thuốc sẽ chỉ đạt tối ưu vào mùa mưa (Tháng Năm tới tháng Mười), khi cây phát triển mạnh mẽ nhất và do đó dễ bị ảnh hưởng bởi tác động điều chỉnh của hormone hóa học nhất. Delmore cho rằng, mặc dù có những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng bù lại, nhờ có những đợt phun của Ranch Hand mà tầm nhìn đã tăng đáng kể, ví dụ như 85% rừng ngập mặn ở miền Nam Việt Nam đã bị khai quang. Kết luận đáng chú ý nhất của báo cáo này là tối thiểu sau một năm mới đánh giá được hiệu quả tổng thể của chiến tranh diệt cỏ. Không ai có thể biết quân giải phóng sẽ đáp trả như thế nào khi mà tác động của thuốc diệt cỏ lên hệ sinh thái đã quá rõ ràng, hơn nữa còn được đưa vào kế hoạch phun thuốc định kỳ.
Điều có thể chắc chắn hơn là: hoạt động diệt cỏ chỉ gây khó khăn cho quân giải phóng khi di chuyển hay buộc họ thay đổi chiến thuật nếu Mỹ thực hiện chiến dịch Ranch Hand trên quy mô cực lớn, đủ để “lột” lớp vỏ rừng tươi tốt tại miền Nam. Diện tích khu vực này không phải là nhỏ, hơn nữa Mỹ triển khai chiến dịch dựa trên giải thuyết rằng quân giải phóng sẽ không kháng cự ở những khu vực nông thôn rộng lớn ấy, vì thế các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự buộc phải quyết định mở rộng quy mô đáng kể hoặc từ bỏ hoàn toàn chiến dịch này. Phương pháp trung lập mà Kennedy phê chuẩn lúc đầu là kiểu triển khai “hạn chế” hay chỉ tập trung xử lý một khu vực. Tuy nhiên, phương án ấy là lợi bất cập hại vì sẽ không thể ngăn quân giải phóng di chuyển khắp đất nước. Trong trường hợp này, không một quan chức quân đội nào có thể biện minh cho các chi phí quân sự hay trách nhiệm chính trị mà chiến dịch Ranch Hand mang lại.
Vào tháng Tám năm 1962, Nhà Trắng có dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ họ sẽ mở rộng hoạt động diệt cỏ từ giai đoạn thử nghiệm thành một phần quan trọng trong chiến lực quân sự của Mỹ nhằm hậu thuẫn miền Nam Việt Nam. Phái bộ hỗ trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV, đọc theo âm tiếng Việt là Mắc-vi), được các quan chức quân sự thành lập vào tháng Hai năm 1962 nhằm hỗ trợ (và sau này sáp nhập với) MAAG, đã chọn bán đảo Cà Mau ở cực nam Việt Nam là trọng điểm để tiếp tục hoạt động phun thuốc quy mô lớn. Trong suốt vài tháng trước đó, ngày càng nhiều quân giải phóng thâm nhập vào khu vực này, trong khi các rừng đước, nơi họ hoạt động, đã được chứng minh là nhạy cảm với thuốc diệt cỏ nhất. Theo lời khuyên của McNamara, tổng thống Kennedy đã phê chuẩn việc “hủy diệt” các rừng đước ở khu vực này, mặc dù ngài tổng thống đã yêu cầu các phi công Ranch Hand tránh phun phải những loại cây trồng vì thuốc diệt cỏ có thể trôi tới tận Campuchia.
Đợt phun này kéo dài từ đầu tháng Chín tới giữa tháng Mười, với 28 ngàn ga-lông Chất độc Tím rải khắp hơn 3600 héc-ta rừng. Sau hoạt động này, các báo cáo đều cho biết tầm nhìn được cải thiện từ 90 tới 95% sau vài tuần phun thuốc. Vì sau một cuộc tấn công Ranch Hand, thân và cành cây vẫn được giữ nguyên vẹn (tạo khả năng tái sinh, không giống như khai quang các cây rụng lá vào mùa xuân), nên con số nào tiệm cận 100%, cũng đã thể hiện sự thành công vượt bậc của thuốc diệt cỏ, vì như vậy nghĩa là nó làm rụng hầu hết lá cây trong rừng. Vào tháng Mười, khi mùa mưa sắp qua, các phi công Ranch Hand tập trung rải thuốc ở khu vực biên giới với Lào, cụ thể hơn là đường mòn Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một con đường bình thường mà còn là nơi giao cắt của nhiều tuyến đường bộ, và là nơi quân giải phóng nhận tiếp viện lương thực từ miền Bắc. Một mặt Mỹ thực hiện chiến dịch Cà Mau nhằm hỗ trợ lính bộ Việt Nam Cộng Hòa “tìm và diệt” du kích trong nước, một mặt hoạt động diệt cỏ được đưa ngược lên phía bắc, cụ thể là Mỹ tìm cách chặn đường liên lạc giữa quân giải phóng và Cộng Sản ở miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc.
Sau khi đợt phun thuốc tại biên giới kết thúc, hoạt động phun thuốc tạm ngừng cho tới tận tháng Năm. Trong thời gian này, Không quân Mỹ điều người và phi cơ Ranch Hand sang vận chuyển lính bộ và đạn dược. Trong khi đó, các chỉ huy quân sự và dân sự bắt đầu họp bàn để đi tới quyết định, liệu chiến tranh diệt cỏ có nên hỗ trợ cho hoạt động đàn áp tổng thể mà tổng thống Kennedy luôn ủng hộ khu vực miền Nam Việt Nam độc lập và thân Mỹ này. Các đánh giá nhìn chung đều cho kết quả rất khả quan. Về cơ bản, tức là khi ta chỉ xem xét hiệu quả làm rụng lá chứ không bàn tới tới những cân nhắc chính trị và chiến lược khiến Kennedy phải phê chuẩn hoạt động này, (do đó chịu sự phản ứng dữ dội của quốc tế), thì hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T tỏ ra vô cùng hữu hiệu trong việc tiêu diệt cây cỏ.
Vào tháng Tám năm 1962, Tướng Paul Harkins, tư lệnh Mác-vi, báo cáo về tầm nhìn ngang và đứng đều được cải thiện từ 60 đến 95% ở những khu vực được phun thuốc tối thiểu một lần. Vào thời điểm này, những con số ấy đã chứng tỏ những người ủng hộ chiến tranh diệt cỏ khi nó còn trên giấy là đúng. Mặc dù các nhà khoa học thực vật trong quân đội đã chứng minh rằng các hóa chất dùng trong nông nghiệp có thể được điều chế và sử dụng để khai quang các khu vực bờ biển và vùng núi, nhưng vẫn khó đưa ra được những số liệu “vững chắc” về tương quan tác động tới các trận phục kích của quân giải phóng trong khu vực đã phun thuốc. Thậm chí tới mùa thu năm 1963, xung đột này vẫn còn quá mới để có thể đưa ra các phân tích thống kê chính xác để từ đó thay đổi chiến thuật và chính sách cho phù hợp.
Tuy vậy, việc thiếu các số liệu tương quan không hề làm giảm tâm huyết của phe chủ trương đàn áp. Kennedy, người luôn phản đối Mỹ can thiệp sâu rộng thêm vào xung đột tại Việt Nam, vẫn tự tin rằng công nghệ sẽ thay thế sức người một cách hiệu quả. Thời điểm đánh giá hoạt động diệt cỏ ban đầu rơi đúng vào giai đoạn quan trọng của cuộc chiến tranh. Chuyến đi thực địa của thượng nghị sĩ Mike Mansfield ở Việt Nam vào tháng Mười Hai năm 1962 và sự nổi dậy của các phật tử chống chế độ Sài Gòn vài tháng sau đó đã tạo ra hai khó khăn cho chính sách của Kennedy ở Việt Nam. Trước hết, Mansfield là một trong những nhà chính trị gia lớn đầu tiên ở Washington yêu cầu các bằng chứng về việc Mỹ đã xác định được những mục tiêu rõ ràng và khả thi ở Việt Nam. Thứ hai, xu hướng độc tài của Diệm, được thế giới biết đến qua bức ảnh tự thiêu của một nhà sư tại Sài Gòn, đã làm lung lay hình tượng của ông Diệm với tư cách đại diện cho Mỹ trong việc chống chủ nghĩa cộng sản nhằm bảo vệ tự do và nền dân chủ. Các cố vấn dưới quyền Kennedy phản ánh lại những chỉ trích về chính sách của Mỹ ở mức gay gắt nhất. Sau các chuyến đi thực tế, Bộ ngoại giao và Bộ Quốc phòng lần lượt kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ Diệm nhưng cũng cảnh báo rằng làm vậy có thể châm ngòi nội chiến Phật giáo- Công giáo. Đáp lại báo cáo miệng của hai quan chức trong Phòng Bầu dục, Kennedy nhận xét: “Rõ ràng là hai vị đến thăm cùng một đất nước đấy nhỉ.”
Sự lạ thường và giản đơn của chiến lược đằng sau chiến dịch Ranch Hand đã thể hiện rõ mục tiêu cốt lõi của Mỹ ở Đông Dương: như Kennedy nói, nếu thực sự du kích Cộng sản hoạt động ở các khu vực nông thôn có rừng bao phủ là mối đe dọa chính tới sự bền vững của nước Việt Nam Cộng Hòa thân Mỹ và “tự do”, thì quân đội Mỹ sẽ làm tất cả để đè bẹp lợi thế chiến thuật (nếu không phải là chính trị) lớn nhất của họ. Những lợi thế của kẻ địch cũng cho thấy rõ trách nhiệm chính của quân Mỹ là ở đâu. Tướng William Westmoreland, người kế thừa chức chỉ huy Mác-vi của tướng Harkins, đồng thời là người ủng hộ chiến tranh, từng ví Mỹ tại Việt Nam như một “người khổng lồ không có mắt”. Westmoreland hiểu rõ rằng người khổng lồ Mỹ này sẽ hầu như hoạt động “mù” trong các khu rừng rậm rạp ở Việt Nam, cho dù đằng sau nó là mười sáu nghìn cố vấn dưới thời tổng thống Kennedy hay năm trăm nghìn lính bộ đóng ở miền Nam Việt Nam vào thời kỳ chiến tranh lên cao, khi Lyndon Johnson còn nắm quyền vào năm 1968. Các giải pháp chiến tranh công nghệ cao mà chiến dịch Ranch Hand mang lại là một điềm báo về các cuộc chiến trong tương lai với công nghệ ngày càng thay thế sức người - cái mà một nhà lịch sử học đã đặt tên là “chiến tranh công nghệ”.
Mặc dù chiến dịch Ranch Hand có màu sắc vị lai nhưng nó lại có mối liên hệ sâu sắc với quá khứ. Về cơ bản, chương trình này là sự tiếp diễn của những gì E. J. Kraus còn dang dở trong kế hoạch dự phòng chống lại Nhật Bản trong thế chiến thứ II. Hơn nữa, như nhà lịch sử môi trường John McNeill đã nói, từ khi loài người có chiến tranh, là quân đội đã muốn kiểm soát được các khu rừng rồi. Chính phương thức tiến hành chứ không phải kết quả đã biến chiến dịch Ranch Hand thành chiến thuật chiến tranh kiểu mới. Cuối cùng, chính quyền của Kennedy luôn nhấn mạnh rằng thuốc diệt cỏ sử dụng ở miền Nam Việt Nam “tương tự và không độc hại hơn các loại thuốc được dùng rộng rãi ở Mỹ, Liên Xô và những nơi khác” nhằm cố gắng làm giảm trách nhiệm của mình trong cuộc chiến tranh khí độc này. Với cách nói này, ngài tổng thống ví mục tiêu của cuộc chiến - Việt Cộng - không khác gì các loài gây hại và ký sinh trùng làm giảm năng suất nông nghiệp. Một nhà lý luận người Mỹ đã viết về chiến lược nông thôn của Việt Cộng như sau: “Giống như một căn bệnh, tổ chức cách mạng xâm nhập vào “cơ thể” một cách khôn khéo, vào những nơi khó kháng cự nhất - từ khu vực ngoại thành hay những cộng đồng sống tách biệt ít bị nhà nước kiểm soát. Bằng cách phá hủy bộ máy chính quyền và thay thế bằng sự kiểm soát của Việt Cộng của từng ngôi làng một, vùng Cộng sản ngày càng mở rộng về phía Trung ương của bộ máy chính phủ.”
Vì những lý do này, hầu hết các nhà quan sát ban đầu đều cho rằng chiến dịch Ranch Hand có nhiều mặt lợi hơn mặt hại. Đối với các quan chức, họ đánh giá cao tầm quan trọng của chiến lược rụng lá, thể hiện qua bản báo cáo đánh giá hoàn thành vào tháng Chín năm 1963 của Mác-vi phối hợp với đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn thực hiện. Bản báo cáo này gọi là Báo cáo Olenchuck, được đặt tên theo tác giả chính, người đã nghiên cứu kỹ lưỡng về những ảnh hưởng quân sự và chính trị của chiến dịch Ranch Hand. Trung tướng Peter Olenchuck và đồng sự nhắc tới khó khăn họ gặp phải khi những người nông dân đòi bồi thường những phần ruộng đất bị tàn phá trong quá trình phun thuốc. Đây là nhược điểm chính của chiến dịch này. Nhưng nếu xét tới những ưu điểm của Ranch Hand, vấn đề này chỉ là chuyện nhỏ.
Tác giả của bản báo cáo cũng đề cập tới thành công trong “chiến dịch tâm lý” nhằm thuyết phục người dân rằng thuốc diệt cỏ không có hại tới con người cũng như động vật; rằng thời gian từ khi được phê chuẩn tới khi thực hiện nhiệm vụ đó khá dài nhưng lại rất có tổ chức; và điều quan trọng nhất là hiện tại, chiến tranh diệt cỏ tỏ ra rất có giá trị, những giá trị ấy sẽ còn lớn hơn nếu quy mô được mở rộng. Ở phần kết luận, tác giả cho rằng: “Quá trình khai quang và phá hoại mùa màng có ảnh hưởng tốt, trực tiếp và lâu dài tới các hoạt động dân sự và quân sự ở Việt Nam Cộng hòa.” Khi ký vào bản báo cáo, đại sứ Henry Cabot Lodge Jr. và tướng Harkins đã đẩy chiến dịch Ranch Hand leo thang từ một chương trình thử nghiệm thành một hoạt động quân sự thường xuyên với quy mô lớn tại căn cứ không quân Đà Nẵng.
Tiến trình nâng cấp chiến dịch bao gồm quyết định phân cấp quyền lực trong hoạt động phun thuốc của Bộ Ngoại Giao và việc Mỹ bắt đầu trực tiếp tham gia vào hoạt động “chặn nguồn lương thực”, hay nói cách khác là phá hủy mùa màng. Hoạt động thứ hai khi trước chỉ là một hoạt động mà Mỹ hỗ trợ cho không quân Việt Nam Cộng Hòa do quan ngại về trách nhiệm chính trị. Loại thuốc được lựa chọn là một hợp chất làm từ thạch tín, có tên là Chất độc Xanh, tỏ ra có hiệu quả lớn đối với cây lúa. Từ đó, các bản báo cáo đánh giá quân sự luôn cho rằng việc chặn nguồn lương thực là phần vô cùng quan trọng trong chiến dịch diệt cỏ với mục đích ngăn chặn hay cản trở hoạt động của quân giải phóng. Theo như một bản báo cáo sau hành động: “Việc khai quang rừng và phá hoại mùa màng gây ra khó khăn cho Việt Cộng lâu dài và nặng nề hơn bất cứ loại vũ khí nào từng được sử dụng. Bởi các hoạt động này mà họ mất một nguồn cung cấp lương thực đáng kể và cũng mất đi nơi trú ẩn.”
Theo quan sát của nhà sử học Geogre Herring, trong những tháng cuối đời, Kennedy từ chối “đối mặt với các vấn đề khó khăn” khi quan hệ Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ khủng hoảng. Các vụ ám sát tổng thống Mỹ và tổng thống Diệm vào tháng Mười một năm 1963 khiến khoảng cách giữa hai nước càng lớn hơn. Diệm, nạn nhân của một cuộc đảo chính tiến hành bởi một tướng Việt Nam Cộng hòa với sự hỗ trợ ngầm của Mỹ, đã hủy hoại những nỗ lực của Mỹ và miền Nam Việt Nam trong việc trấn áp quân giải phóng. Đối với những tướng lĩnh lật đổ, cái chết của Diệm là cơ hội để “hâm nóng” quan hệ với Washington trong khi tiếp tục tập trung đàn áp quân giải phóng và tránh được các phật tử Huế - Nhà Trắng và đại sứ quán tại Sài Gòn nhanh chóng nắm lấy điều này. Tất nhiên, Kennedy không bao giờ biết chắc vụ ám sát Diệm sẽ mang lại cơ hội mới cho Mỹ để đạt được mục đích chống Cộng ở Đông Dương hay là một thảm họa chiến lược. Tuy vậy, Kennedy đã chết và để lại một chiến lược đàn áp đạt được sự đồng thuận của các tầng lớp chính trị và quân đội cả ở Mỹ lẫn miền Nam Việt Nam.
Bất cứ lập luận về việc Kennedy sẽ làm gì trước tình hình ở Việt Nam và những cải cách của người kế nhiệm vị tổng thống bị ám sát, Kyndon B. Johnson, đều cần xét đến mục tiêu của từng người khi tình hình miền Nam ngày càng xấu đi nhanh chóng. Sau khi tuyên bố quyền kiểm soát và trong suốt năm 1964, bộ máy chính phủ lung lay tại Sài Gòn không thể ngăn quân giải phóng chiến thắng oanh liệt cũng như không chặn nổi con đường viện trợ từ Hà Nội. Khả năng tồn tại của miền Nam Việt Nam dường như yếu nhất khi các chiến lược đàn áp thực hiện trong thời kỳ Kennedy nắm quyền đã tới thời kỳ phát triển cao nhất. Điều này có thể lý giải theo hai hướng khác nhau: Kỹ thuật chiến tranh diệt cỏ, mô hình ấp chiến lược và chương trình phát triển nhằm “chiến thắng con tim và khối óc” của người nông dân đã thất bại trước khi những người ủng hộ các chương trình đó có cơ hội thực hiện chúng một cách trọn vẹn; hoặc là Mỹ đã phí công sức vào miền Nam mà không trực tiếp tấn công miền Bắc.
Theo như một nhà khoa học chính trị quan sát và nhận xét, dường như Kennedy có xu hướng coi việc mở rộng hoạt động đàn áp ra ngoài Sài Gòn là “cơ chế hoạt động để thiết kế các chiến lược ngăn chặn những năm 60 tại mọi nơi trên thế giới”. Nhà lý luận quân sự Robert Kipp nhận định thêm: “Việc sử dụng hỏa lực một cách “xa xỉ” chưa từng có thay cho sức người là một đặc điểm nổi bật trong chiến thuật quân sự của Mỹ ở Việt Nam”. Thế nên, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, khó có khả năng Kennedy áp dụng một chiến lược giống như của Johnson là vừa duy trì hoạt động đàn áp ở nông thôn miền Nam Việt Nam (mặc dù Kennedy có trực tiếp triển khai đông đảo lính bộ) vừa đồng thời thực hiện một chiến dịch đánh bom trường kỳ ở miền Bắc Việt Nam năm 1965.
Kennedy đã liên tục bác bỏ đề nghị triển khai lực lượng chiến đấu ở Việt Nam. Hơn nữa, đơn giản là ngài tổng thống đã đầu tư quá nhiều vào chiến lược đàn áp của mình, đó vừa là điển hình chói sáng cho chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt, vừa là cơ hội để áp dụng kinh nghiệm quân sự ở miền Nam Việt Nam tới bất cứ nơi nào đồng minh của Mỹ vấp phải sự uy hiếp của cộng sản. Nhận định quan trọng của John Gaddis rằng “kết quả mà Việt Cộng đạt được đã khiến cho chính quyền Johnson, vào cuối năm 1964, phải thực hiện những gì mà Kennedy không làm: đưa quân Mỹ tham gia chiến đấu ở Việt Nam. Nhận xét này càng củng cố thêm cho luận điểm rằng những chính sách của Kennedy sẽ không thay đổi triệt để. Thật ra, sức mạnh tổng hợp của quân giải phóng có thể càng làm tăng gấp đôi niềm tin của tổng thống về khả năng thông qua đàn áp để giành chiến thắng mà không cần phải hy sinh xương máu và của cải của người Mỹ quá nhiều.
Kennedy làm vậy bởi ông hiểu rõ hơn rất nhiều so với người kế nhiệm của mình về độ kiên nhẫn của người dân Mỹ đối với các cam kết quân sự không minh bạch và không biết khi nào mới kết thúc trên khắp thế giới. Trên hết, Fredrik Logevall đã chịu khó tìm tòi và chứng minh rằng: sự đồng lòng của hai đảng phái chính của Mỹ về chính sách chiến tranh lạnh “cam kết hỗ trợ bảo vệ miền Nam Việt Nam hết sức có thể” chỉ giảm bớt vào năm 1964, vì sự đồng lòng đó tồn tại là do Mỹ muốn vạch lằn ranh chiến tuyến với phe cộng sản ở Việt Nam.
H7
Vậy đâu là mối liên hệ giữa một bên là quyết định của tổng thống về chiến tranh leo thang ở Việt Nam và một bên là tình trạng của chiến dịch Ranch Hand khi nó được kế thừa và phát triển dưới quyền Lyndon Johnson? Ta không thể nào hiểu được biểu đồ của hình 7 nếu không xem xét các quyết định chính dẫn đến chiến tranh.
Nếu Kennedy không chết thì những biểu đồ này có thể sẽ rất khác. Mặc dù rõ ràng là số lượng hoạt động trong chiến dịch Ranch Hand tăng theo diễn biến mở rộng của cuộc chiến (trước thời điểm đình chỉ các hoạt động phun thuốc trong Cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968), thì mối tương quan giữa lực lượng lính bộ ở miền Nam Việt Nam và tần suất tiến hành phun thuốc cũng làm cho mục đích ban đầu của chiến tranh diệt cỏ trở nên khó cắt nghĩa hơn với vai trò là một nhân tố chính trong chiến lược đàn áp của Kennedy: việc dùng các phương pháp công nghệ cao thay thế cho lực lượng lính bộ chuẩn bị cho một trận đánh quyết định mà Russell Weighley đã đặt cho cái tên nổi tiếng là “Chiến tranh kiểu Mỹ”. Trong một trong những kết luận xác thực nhất về hậu quả của chính sách đàn áp của Kennedy ở Việt Nam, nhà sử học William Duiker cho rằng “những hành động và bình luận của Kennedy về Việt Nam trong suốt thời kỳ đương nhiệm cho thấy ngài tổng thống có một sự “đấu tranh nội tâm” lớn khi giải quyết các vấn đề liên quan tới đất nước này. Nhiều cố vấn của Kennedy cho rằng không có cách nào khác ngoài bảo vệ miền Nam Việt Nam, nhưng khác với họ, Kennedy luôn nghi ngờ về tính đúng đắn của việc tham gia vào cuộc chiến này, nhưng cũng lo sợ cái giá của việc thu quân là quá cao”.
Tổng thống Johnson cũng “đấu tranh nội tâm” rất nhiều khi giải quyết các vấn đề về Việt Nam, và ông chắc chắn không hề kém phần nhạy cảm (dù phản ứng chậm hơn) Kennedy về những hiểm họa lịch sử đang lặp lại. Khi Mỹ tăng cường triển khai đông đảo lính bộ tới miền Nam Việt Nam vào tháng Bảy năm 1965, Thứ trưởng Bộ ngoại giao George Ball - người khá thân cận với Johnson - đã cảnh báo ngài tổng thống “Chúng ta nên nhìn lại những gì Pháp đã trải qua hơn một thập kỷ trước. Pháp đã gây chiến ở Việt Nam, và cuối cùng bị đánh bại - sau cuộc chiến đẫm máu kéo dài bảy năm, mà khi họ hãy còn 250,000 lính tinh nhuệ tại đây, lại thêm 205,000 lính của miền Nam Việt Nam”. Trước bài học lịch sử đó, Johnson không dám đưa ra các bước tiến định mệnh vào chiến tranh một cách dễ dàng. Chính xác hơn, ông làm vậy mà không hoàn toàn xác định được nên điều chỉnh các chiến thuật đàn áp được thiết lập ở miền Nam Việt Nam suốt bốn năm trước đó như thế nào khi có thêm hàng trăm ngàn lính Mỹ. Sự do dự này thật lạ, vì Johnson giữ lại hầu hết các cố vấn chính sách đối ngoại của Kennedy, vốn là những người đã phát triển chiến lược đàn áp cũ.
Kết quả là một hiệu ứng bóng tuyết của lịch sử, như biểu đồ về chiến tranh diệt cỏ trong sách này. Việc triển khai đông đảo lính bộ ở miền Nam Việt Nam, mà không có bất cứ sự đánh giá lại toàn bộ nào đối với chương trình diệt cỏ, đã phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực ngăn chặn tai họa chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành nạn hủy diệt sinh thái ở miền Nam Việt Nam khi tổng thống Kennedy cố gắng hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động diệt cỏ. Mặc dù Không quân Mỹ đã nỗ lực hết sức và còn đánh bom chiến lược miền Bắc Việt Nam, nhưng họ không bao giờ chặn sự tiếp tế của Hà Nội cho quân giải phóng. Ban chỉ huy quân giải phóng dần dần áp dụng lối đánh du kích chống lính bộ Mỹ ở hầu như khắp mọi nơi ở miền Nam Việt Nam, từ cực nam của Đồng bằng sông Cửu Long tới vùng phi quân sự ở bắc Huế. Quân du kích được tiếp tế đầy đủ phải đối mặt với lực lượng binh lính Mỹ vô cùng đông đảo, nhưng luôn có cơ hội tổ chức tấn công bất ngờ vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu trên khắp đất nước. Vì quân giải phóng có khả năng hoạt động trên khắp cả nước, một báo cáo trước Quốc hội Mỹ vào tháng Tư năm 1965 đã kêu gọi thêm viện trợ kinh phí để thực hiện chiến tranh diệt cỏ:
“Ngay lúc này vấn đề lớn nhất của chúng ta ở Việt Nam là phải làm lộ diện lực lượng du kích Cộng sản đang trú ẩn ở khu vực rừng rậm ở Việt Nam và Lào. Hóa chất diệt cỏ sẽ làm trụi lá những nơi được phun. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn Cộng sản tiến vào chiếm miền Nam Việt Nam”.
Bởi vì mục đích của chiến dịch Ranch Hand là lùng sục quân giải phóng (vừa là một biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ binh lính khi đi tuần tra trên bộ hay trên tàu, vừa là một chiến thuật tấn công nhằm xác định cứ điểm quân giải phóng ở các khu vực đã được khai quang mà trước đó không phát hiện được khi dò tìm trên không), nên thường sau khi bị tấn công, hành động đáp trả đầu tiên là gọi C-123 đến phun thuốc. Mặc dù quá trình phê chuẩn hành động đã suôn sẻ hơn vì vào năm 1964 chiến dịch Ranch Hand đã đi vào quy củ, nhưng, thời gian từ lúc yêu cầu tới khi thực hiện vẫn có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Đầu tiên, chỉ huy lính bộ của Mỹ hoặc Việt Nam Cộng hòa sẽ làm yêu cầu. Yêu cầu này được gửi tới Mác-vi rồi được phê duyệt lần cuối tại đại sứ quán Mỹ. Trong quá trình xem xét, một hoặc nhiều đại diện của Mác-vi sẽ lên các chuyến bay do thám trong chiến dịch Ranch Hand để đảm bảo các tọa độ địa lý cần phun phù hợp với yêu cầu ban đầu. “Con ngựa thồ” của phi đội Ranch Hand, chiếc C-123 Provider, có thùng chứa một ngàn ga-lông và máy bơm ở thân dưới phi cơ. Phi cơ C-123 ì ạch và bay tầm thấp là một trong những máy bay dễ bị bắn hạ nhất trong phi đội Không quân, thường được thay thế với trực thăng phun thuốc ở những khu vực quân du kích có hỏa lực mặt đất mạnh, hoặc khi C-123 được trưng dụng để vận tải (hình 8).
Việc mở rộng chiến dịch Ranch Hand từ năm 1966 tới năm 1968 có thể được lý giải bằng đoạn văn sau đây, được trích trong một bản báo cáo đánh giá thuốc diệt cỏ: “Có quá nhiều địa điểm cần phun thuốc, và đôi khi điều này hạn chế ích lợi của quân đồng minh từ việc khai quang các cơ sở và căn cứ quân địch. Việt Cộng ở các khu vực có thảm thực vật rộng lớn trên cao nguyên thường không quá bận tâm tới việc rừng rụng lá. Mặc dù điều này có gây ra một số bất tiện, nhưng họ cảm thấy rằng họ có thể dễ dàng chuyển tới một khu vực có rừng rậm rạp khác”.
H8
Nói cách khác, chính việc phun thuốc này lại dẫn tới việc phun thuốc khác. Ngay khi Mỹ quyết định trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, nơi mà du kích buộc lính Mỹ phải rời ranh giới phòng thủ cố định và tấn công, thì các chỉ huy quân sự đã ra lệnh cho phi công Ranch Hand phun thuốc ở những khu vực rừng cao nguyên, đồng ruộng và rừng ngập mặn ven biển rộng lớn. Nói theo thuật ngữ quân sự, hoạt động này “cứ lặp đi lặp lại”: quân đội tiến hành hoạt động phun thuốc diệt cỏ để đảm bảo cho một khu vực nào đó sẽ không có các hoạt động của du kích, và sẽ lặp lại chu trình này ở bất cứ nơi nào du kích di chuyển tới.
Theo chiến lược này, cuối cùng chiến dịch Ranch Hand đã rải thuốc trên hơn hai triệu héc-ta đất ở miền Nam Việt Nam, tương đương với 12 phần trăm diện tích cả nước. Trong quá trình phun, họ đã không phân biệt rõ ràng giữa khu vực quân địch và khu vực dân cư. Đây chính là vấn đề. Thực tế, ở những giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, Mác-vi đã biến nhiệm vụ khai quang thành một phần của hoạt động “bình định nông thôn”. Dân cư ở những khu vực khai quang được đưa tới các ấp chiến lược. Hậu quả của một đợt phun thuốc ở một tỉnh phía nam của Tây Ninh, như được miêu tả trong một báo cáo sau khi hành động, đã thể hiện mối quan hệ cộng sinh giữa việc khai quang và bình định:
“Khai quang rừng Bời Lời, ngăn chặn Việt Cộng tiếp tục sử dụng làm vị trí cố thủ.
Tàn phá mùa màng được trồng trong khu vực này, chặn nguồn lương thực của dân chúng và buộc họ phải nhờ đến sự hỗ trợ từ chính phủ (miền Nam) Việt Nam.
Chuyển dân cư ở rừng Bời Lời vào các ấp chiến lược dưới sự kiểm soát của chính phủ (miền Nam) Việt Nam”.
Quá trình tàn phá các khu vực phủ rừng không phù hợp cho dân thường sinh sống đã khiến nhà khoa học chính trị Samuel Huntington xác định lại một mục tiêu bao quát cho chiến dịch đàn áp của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, phát triển từ năm 1968. Vào thời điểm này, nhiều người Mỹ bắt đầu yêu cầu một lời giải thích về mục tiêu quân sự của Mỹ khi tiến hành chiến tranh. Huntington đã đưa ra lập luận của mình:
“Người Mỹ ở Việt Nam có lẽ đã có câu trả lời sai lầm cho “các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”. Chính đô thị hóa và hiện đại hóa mới khiến Việt Nam thoát khỏi giai đoạn mà phong trào cách mạng ở khu vực nông thôn có khả năng đủ lớn mạnh để chiếm chính quyền… Trong thời gian trước mắt, với một nửa số dân vẫn còn ở nông thôn, Việt Cộng sẽ vẫn là một lực lượng hùng mạnh, không thể đánh bật khỏi nơi khu vực hậu phương này, chừng nào hậu phương còn tồn tại.”
Đây liệu có thực sự là tình trạng của chiến dịch đàn áp 5 năm sau cái chết của Kennedy không? Không một quan chức chính phủ nào - và chắc chắn là không có binh lính Ranch Hand nào - mô tả mục đích của Mỹ tại Việt Nam bằng những từ ngữ như vậy. Những lập luận gần nhất với phân tích của Huntington là trong tác phẩm Walt Rostow viết năm 1952 “Quá trình phát triển kinh tế: một tuyên ngôn phi Cộng Sản”. Trong đó, ông này viết rằng những xã hội không thể chuyển từ hệ thống xã hội truyền thống/nông thôn sang xã hội tiên tiến/công nghệ sẽ dễ bị Cộng sản lật đổ. Rostow tin rằng ông đã tìm thấy sự minh họa hoàn hảo cho lý thuyết của mình ở Việt Nam. Ông cho rằng mục tiêu của Mỹ tại Việt Nam là làm cho quân giải phóng không cản trở tiến trình hiện đại hóa của miền Nam. Theo nhận xét đúng đắn của Huntington thì không có bằng chứng nào chứng tỏ những lý thuyết về phát triển kinh tế của Rostow áp dụng được trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nhưng vấn đề chính là ở đó. Việc thiếu tính toán là lý do vì sao phạm vi chiến dịch Ranch Hand vào lúc chiến tranh ở giai đoạn đỉnh điểm không còn giống với chương trình khai quang ban đầu và những giả thiết chiến lược sản sinh ra nó. Những ghi chép hiện nay chỉ ra rằng, hoàn toàn khác với John Kennedy, sự tham gia của Lyndon Johnson vào chiến dịch Ranch Hand chỉ giới hạn ở việc bác bỏ đề nghị thực hiện “khai quang bằng hạt nhân” của Barry Goldwater và tặng Huân chương đơn vị anh hùng và dũng cảm cho Phi đội Đặc công Không quân số 12 vì sự “dũng cảm phi thường” trong hoạt động khai quang từ 1966 tới 1967.
Khác với người tiền nhiệm của mình, tổng thống Johnson không cho rằng các lý thuyết đàn áp sẽ giúp giải quyết tình hình leo thang. Vì thế, Johnson đã để chiến dịch Ranch Hand phát triển tự do không kiểm soát. Mối quan tâm của Johnson là chiến dịch đánh bom miền Bắc Việt Nam mà ông ta từng khoe khoang rất sống động rằng: “Họ (Không quân Mỹ) không thể đánh bom bất cứ nhà xí nào nếu tôi chưa cho phép”. Nếu Kennedy còn sống để tiếp tục lãnh đạo cuộc đàn áp ở Việt Nam, chiến dịch Ranch Hand có thể đã không trở thành một trong những cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất lịch sử. Tuy Kenndy khá nhạy cảm với sự phản đối của dư luận quốc tế về chương trình diệt cỏ, vẫn có khả năng sự phản đối chiến tranh diệt cỏ không đủ mạnh mẽ để ngăn cản chiến dịch này. Kennedy đã thực sự lo lắng về những sự phản đối như vậy ở Hà Nội, Mátxcơva và Bắc Kinh. Trên thực tế sự phản đối mạnh mẽ nhất lại đến từ người dân ở Mỹ và các nước Đồng minh của Mỹ ở châu Âu, điều này chưa bao giờ được nhà hoạch định chiến tranh diệt cỏ trong quân đội và chính trị thực sự để ý tới.
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam