Số lần đọc/download: 1282 / 9
Cập nhật: 2017-05-20 08:35:40 +0700
Tâm Tình Tự Trọng
K
hi toan tính thực hiện một việc gì, bất cứ ai cũng suy trước nghĩ sau về công chuyện mình định làm có lợi hay có hại; lợi thế nào và hại ra sao. Có nhiều phản ứng khác nhau tùy người trong cùng một vấn đề định làm; những phản ứng khác nhau này lệ thuộc vào tâm tính, vị thế, khả năng về giá trị cũng như vốn liếng; đồng thời sự đo lường về ảnh hưởng công việc mình làm tới quần chúng cũng như phản ứng của quần chúng sau này về công chuyện mình thực hiện ra sao. Bởi thế, người càng ở vị thế cao bao nhiêu càng đắn đo suy nghĩ bấy nhiêu vì càng ở vị thế cao, sự việc họ làm càng có ảnh hưởng lớn đến quần chúng bấy nhiêu. Hơn nữa, phản ứng nơi quần chúng lại cũng gây áp lực mạnh mẽ tới họ hơn đối với những người bình thường. Đó là lý do tại sao có những chuyện hầu hết mọi người có thể làm bất cứ lúc nào mà người khác dù có biết đến mấy chăng nữa cũng không bao giờ dám đụng tới. Chẳng hạn, dạ vũ có thể được coi là chuyện bình thường cho bất cứ ai, từ thanh thiếu niên nam nữ choai choai 13, 14 tuổi xấp lên đến tuổi xồn xồn ba mấy bốn mươi cho tới quí cụ năm mấy sáu chục... Nhưng người Việt lại không chấp nhận mấy ông sư, ni cô hoặc mấy cha "nhảy đầm!" Thày chùa hoặc linh mục mà đi nhảy đầm thì dưới con mắt người Việt thật là mất thuần phong mỹ tục, mất "gia phả" sao ấy.
Thực ra tiếng "nhảy đầm" hay "dạ vũ" thì cũng chỉ về cùng một sự việc mà thôi! Thế mà người bình thường tham dự thì được chấp nhận dùng danh từ hoa mỹ nào dạ vũ, khiêu vũ, rồi thăng hoa lên hàng nghệ thuật, giải trí lành mạnh... Đối với những người mình cảm thấy không nên tham dự cái nghệ thuật hấp dẫn ấy, mình lại gán cho danh từ gớm ghê thời mấy chục năm về trước: "nhảy đầm." Chữ "nhảy" nghe đã dị kỳ mang ý chê bai mà chữ "đầm" càng có vẻ nhiếc móc coi thường hơn. "Đầm" do tiếng Pháp "Madame" mà ra. Người Việt ngày xưa phiên dịch và gọi tắt tiếng madame nhưng ý nghĩa đặc biệt theo văn nói với người đàn bà cách lịch sự. Vào thời Tây đô hộ, chữ đầm được dùng theo tiếng lóng đi liền với chữ nhảy để chỉ hành động người đàn ông và người đàn bà ôm nhau dạ vũ. Vì phong tục người Việt còn đặt nặng vấn đề "Nam nữ thọ thọ bất thân" nên không chấp nhận trai gái hoặc đàn ông và đàn bà ôm nhau khiêu vũ; do đó chữ đầm được dùng biến nghĩa để chỉ những người con gái hay đàn bà Việt lấy Tây, ăn ở với người đàn ông Tây Phương vì tiền bạc, bởi chỉ có những hạng người này hoặc gái phòng trà mới nhảy vào thời ấy mà thôi. Sở dĩ dân Việt khinh chê những người me Tây hoặc me Mỹ cũng chẳng qua vì đa số những người gia nhập vào cái gọi là "tình yêu quốc tế" này không thể hoặc không được coi là xứng đáng làm vợ mặc dầu cũng có những người tốt lành lập gia đình với người ngoại quốc. Vì thế chữ đầm mang nghĩa khinh thị; mà thày chùa hoặc linh mục vì không được quần chúng chấp nhận tham dự khiêu vũ, bị dùng chữ nhảy đầm để chứng tỏ rằng làm như thế là tự chấp nhận mình chẳng ra gì. Lẽ đương nhiên ra gì hay chẳng ra gì không lệ thuộc vào lối nhìn của người khác mà tự nơi chính mình, nhưng sự ảnh hưởng bởi những hành động không được quần chúng chấp nhận trở thành sự tự làm giảm giá trị con người mình đối với những người khác. Xét như thế, ngược lại với những hành động làm giảm giá trị mình là sự tự trọng. Sự tự trọng là lối sống ít nhất không để người khác khinh mình và còn có phần làm tăng thêm giá trị con người của mình.
Người Việt với quan niệm về giá trị danh dự khá cao nên tâm tình tự trọng ảnh hưởng mạnh mẽ trên lối sống, thái độ cũng như tư cách của một người. Dĩ nhiên ở đây chỉ nói tới một người bình thường, nhận chân giá trị mình là người Việt và ý thức được giá trị con người của mình trong sự liên đới với những người chung quanh. Bởi nhìn nhận danh dự của mình tùy thuộc lối sống, tư cách, lời ăn tiếng nói, sự giao thiệp, đối xử..., nói tóm lại, bất cứ hành động hay hoạt động nào của mình đều ảnh hưởng không ít thì nhiều tới danh dự. Tâm lý mà xét, người nào muốn được người khác kính nể, họ tự sống để được nể trước. Hơn nữa, không có điều gì đau khổ hơn cho một người bằng sự tự khinh chính mình. Vì thế muốn được nể trọng, mình lo sống sao cho cảm thấy tự hãnh diện, xứng đáng với giá trị con người mình mang.
Động lực giúp một người tự sống sao cho xứng đáng với giá trị con người là tâm tình tự trọng. Như thế, tâm tình tự trọng là khuôn mẫu giúp một người nhận định lối sống, cách cư xử, thái độ của mình cũng như chấp nhận làm điều gì hoặc tìm phương cách giải quyết công việc sao cho danh dự mình được bảo vệ trong sự liên hệ đến những người khác. Tâm tình tự trọng cũng đồng thời là một khuôn mẫu luân lý tự nguyện của một người. Sự tự trọng của người nào càng cao, lối sống người đó càng ngay thẳng và càng làm cho người khác nể phục. Sự tự trọng thường được nhấn mạnh về phương diện luân lý và tư cách đối xử của một người hơn là hình thức bên ngoài của người đó. Nó cũng không bị lệ thuộc về giá trị tiền bạc hay tài sản, giầu hoặc nghèo của một người mà lệ thuộc vào bản chất đạo đức nhiều hơn. Có thể nói, tâm tình tự trọng là sự thực hiện tính chất đạo đức nơi tâm hồn của một người. Vì vậy, người không đặt vấn đề đạo đức trong cuộc sống sẽ chẳng có tâm tình tự trọng.
Sự tự trọng nói lên giá trị đặc biệt của con người vì nếu không có sự tự trọng thì không có gì để phân biệt giữa con người và con thú. Con thú hành động theo bản năng tự nhiên; con người dùng lý trí, ảnh hưởng bởi tâm tình, hành động dưới sự hướng dẫn của tâm tình tự trọng. Người tự trọng đương nhiên tôn trọng người khác bởi chính sự tự trọng nhận ra giá trị thâm sâu của những cố gắng sống cho xứng đáng với giá trị con người. Qua kinh nghiệm bản thân, họ nhận ra những cố gắng của người khác trong sự liên hệ của cuộc sống. Vì thế, khi người nào tôn trọng người khác, họ đã tôn trọng chính họ trước tiên. Con người, lẽ đương nhiên, gặp nhiều lầm lỗi là điều không thể tránh khỏi. Tâm tình tự trọng giúp một người nhận chân những điều không nên không phải nơi mình để sửa đổi. Người nào càng nhận thực ra con người mình bao nhiêu rồi cố gắng sống tốt lành hơn, càng được tôn trọng bấy nhiêu. Bởi đó, tâm tình tự trọng giúp con người tự điều khiển chính mình. Và hơn nữa, thực hiện những ước muốn đã khó mà ngăn cản chính mình làm theo những ước muốn không nên không phải lại càng khó hơn. Do nhận xét này, người nào chiến thắng được kẻ khác được gọi là anh hùng thì người nào chiến thắng được chính mình phải được gọi là thánh nhân. Tâm tình tự trọng giúp con người sống tốt lành, thánh thiện hơn. Như vậy, tâm tình tự trọng cũng là động lực hòa giải giữa hai mãnh lực đối nghịch: những ham muốn tầm thường và đức độ của một người nên sống.
Xét như thế, người tự trọng là người nhận ra giá trị thực nơi chính mình; chỉ đặt vấn đề mình phải sống ra sao cho tốt lành hơn chứ không đòi hỏi người khác phải thế nào theo ý mình bởi người nào muốn người khác "phải" thế nào đó chỉ là sự chứng tỏ họ đã thiếu sót điều ấy và, tâm lý mà xét, muốn người khác bù đắp những điều mình đã không thể thực hiện nổi. Nhìn vấn đề theo chiều hướng này, những lời mình khuyên kẻ khác có lẽ lại là lời khuyên cho chính mình. Cho nên, những ai không nhận ra giá trị nơi mình, người đó thiếu tâm tình tự trọng.
Người Việt, may mắn thay, được sinh trưởng trong một nền luân lý cộng đồng. Những lời khôn ngoan của ông cha để lại như Tục Ngữ, Ca Dao, thường được lặp đi lặp lại trên môi miệng mỗi người mà bình thường chúng ta không để ý tới. Chính nền luân lý cộng đồng hòa hợp với những lời khôn ngoan trở thành khuôn mẫu sống cho mọi người để rồi khi suy nghĩ, tính toán làm công việc gì hay đối xử thế nào, một người sẽ tự nhận thấy nên như thế này, không nên như thế kia. Thực ra nếu có hỏi tại sao nên thế này mà không nên thế kia, chúng ta khó có thể trả lời bởi đó là kết luận của tâm tình tự trọng được hun đúc bởi luân lý cộng đồng và những lời khôn ngoan cộng thêm sự nhận thức vị thế vai trò của mình trong sự liên đới đối với những người chung quanh. Cho nên không dễ chi hiểu nổi nguyên nhân của những hành động hay thái độ của một người Việt, có chăng chỉ một phần khía cạnh nào đó. Vì vậy, sự áp dụng tâm tình tự trọng trong cuộc sống rất nhiều khi bị người khác hiểu lầm. Tuy nhiên, chính tâm tình tự trọng lại là năng lực giúp một người chấp nhận những hiểu lầm nơi người khác bởi tâm tình này tự giúp chính mình nhận chân giá trị của việc mình làm.
Đôi khi tâm tình tự trọng được coi như tiếng nói lương tâm mà chúng ta hay dùng chữ "phải" mang nghĩa thi hành một trách nhiệm chẳng hạn: Tôi phải làm thế này, phải làm thế kia. Chẳng lạ gì, khi theo những điều hay lẽ phải, con người đương đầu với khó khăn ngược lại với ý muốn thấp hèn bình thường nên cần sự cố gắng hoặc chấp nhận thua thiệt. Chữ "phải" mang ý nghĩa một bó buộc, bắt ép chính mình. Tuân theo tâm tình tự trọng là thi hành tiếng nói lương tâm, không để thiệt cho người cũng không được phép làm gì để khinh chính mình. Lối sống này làm giá trị con người mình cao hơn, cuộc đời thăng tiến hơn trong luân lý cũng như bồi bổ giá trị đạo đức mình mang. Lẽ đương nhiên, sống tự trọng bao gồm nhiều điều "phải" theo và lắm chuyện không bao giờ được phạm tới. Những điều luật này bất thành văn mà biến chuyển theo cuộc sống và quan niệm luân lý của cộng đồng. Vì vậy, tâm tình tự trọng tạo sự tự trọng nơi một người không thể nào được khuôn mẫu cứng ngắc theo một số điều luật thành văn bởi tính chất cá nhân đã không ai giống ai, không ai có cùng vị thế cùng ảnh hưởng liên hệ và đồng thời cái nhìn luân lý cũng thay đổi tùy hoàn cảnh, tùy nơi chốn, cũng như của tập thể cá nhân nơi cộng đồng.
Khi đã không có luật thành văn, sự giữ gìn tâm tình tự trọng lại càng cần được để ý luôn luôn bởi danh dự tùy thuộc sự tự trọng mà danh dự thì khó tạo dựng lại dễ bị sứt mẻ nếu không được bảo vệ bởi từng lời nói, từng cách cư xử... Hơn nữa, người Việt sống theo tâm tình chứ không theo lý luận; khi một vấn đề gì đã in sâu vào óc não của một người sống theo tâm tình, không dễ chi gột rửa; trái lại những người sống theo lý luận lại có vẻ rộng rãi hơn về sự xét đoán. Tâm tình tự trọng giúp con người sống tốt lành hơn nhưng cần phải được để ý nhiều hơn. Chính tâm tình tự trọng phân biệt tư cách người này với người khác và cũng nêu rõ tính chất người của con người.