Số lần đọc/download: 2875 / 89
Cập nhật: 2015-11-08 11:06:42 +0700
Chương 14
P
oirot nhủ thầm: “Nhất định, sáng mai chúng ta đã tới mùa xuân!”
Những lo ngại của ông tối hôm trước nay có vẻ không dựa trên căn cứ gì. Bà Upward là một phụ nữ cứng đầu, thừa sức để bảo vệ an toàn cho mình.
Mặc dù vậy, thái độ của bà là rất lạ, có phần nào khó hiểu. Tại sao bà cứ muốn “đánh ván bài” một mình?
Poirot tự đặt những câu hỏi ấy lúc đang đi dạo trong vườn nhà.
- Ông Poirot!
Nghe tiếng phụ nữ gọi rất gần, ông ngạc nhiên quay lại. Bà Rendell đã ở trước mặt. Ông không nghe thấy bà tới. Bà cười, một nụ cười bình thường, không có nghĩa. Ông có cảm giác bà bồn chồn điều gì.
- Hy vọng tôi không làm phiền ông.
- Không hề gì, thưa bà. Trời đẹp, có vẻ đã sang xuân, nên tôi muốn ra ngoài. Bà Summerhayes dường như duy trì các cơn gió lùa thường trực trong nhà. Chẳng có cái cửa nào đóng khít, tự chúng cứ mở tung!
- Tôi không hiểu vợ chồng nhà Summerhayes. Không có điều kiện sửa nhà đàng hoàng, sao không bán quách đi, mua nhà khác nhỏ hơn? Đành là bà đã ở từ lâu, nhưng thời đại ngày nay cần gì cứ phải luyến tiếc như thế?
- Đúng! Thời nay, chẳng phải tình cảm đến như thế.
Poirot đưa mắt nhìn đôi bàn tay của bà Rendell. Những bàn tay trắng và đẹp, nhưng ngón tay không ngừng động đậy. Băn khoăn điều gì? Poirot chờ. Ông không cần hỏi, bà phải tự nói lý do tại sao đến gặp. Bà đột nhiên quyết định vào đề:
- Ông Poirot, tôi hình dung khi điều tra việc gì, ông luôn làm ra vẻ nghĩ đến việc khác?
Không rõ câu hỏi có ý nghĩa gì, nhà thám tử trả lời một cách vô hại:
- Như thế tiện hơn.
- Như thế, khi ông đặt câu hỏi, người ta không ngạc nhiên và không... cảnh giác!
- Ấy thế!
- Vậy... lý do thực sự ông đến Broadhinny làm gì?
Câu hỏi này làm ông ngạc nhiên, không giấu diếm.
- Nhưng thưa bà, bà biết rồi thôi! Tôi điều tra vụ ám sát bà Mac Ginty.
- Tôi biết, đó là ông nói thế, nhưng rất vô lý!
Poirot nhướn đôi lông mày:
- Bà cho là thế?
- Tất nhiên. Không ai bị lừa!
- Nhưng đó là sự thật.
- Ông không chịu nói tôi biết?
- Nhưng nói gì kia ạ?
Bà không đáp. Một lát, mới nói:
- Ông Poirot, tôi muốn hỏi ông một câu về... những lá thư nặc danh.
- Tôi nghe.
- Thư nặc danh bao giờ cũng chứa những điều bịa đặt, phải vậy không?
Poirot thận trọng:
- Nói đôi khi, thì đúng hơn.
- Hầu hết các trường hợp?
- Nói vậy thì vơ đũa cả nắm...
Shelagh Redell đốp lại, vẻ bất bình:
- Không! Không gì hèn và tồi tệ hơn một thư nặc danh!
- Điều đó, tôi đồng ý!
- Và thư nặc danh nói gì, ta không bao giờ tin được, phải không?
- Điều đó rất khó trả lời. - Poirot nghiêm nghị đáp.
- Với tôi, thì không khó! - Shelagh nói - Không bao giờ tôi tin một lá thư nặc danh! Tôi biết ông đến đây làm gì. Nhưng không đúng! Tôi xin thề là không đúng!
Nói rồi, bà ta quay gót, rảo bước đi nhanh, để Poirot ở lại, kinh ngạc. Ông tự hỏi chuyện này có nghĩa lý gì: Bà Rendell nói ông đến Broadhinny không để điều tra cái chết của bà Mac Ginty, đó chỉ là cái cớ, thực ra ông tìm hiểu việc khác. Bà ta nghĩ thực như vậy, hay làm bộ nghĩ như vậy để lừa Poirot? Điểm này cần làm rõ. Và thư nặc danh thì dính dáng gì đến đây? Hay bà Rendell chính là người trong tấm ảnh mà bà Upward nói là đã nhìn thấy “không lâu mới đây”? Nói cách khác, bà Rendell có phải là Lily Gamboll?
Lần cuối cùng người ta nghe nói đến Lily Gamboll là cô ta ở Ireland. Hay bác sĩ Rendell đã gặp rồi lấy cô ở đó mà không biết gì về quá khứ? Giả thuyết nghe hợp lý. Lily Gamboll đã học tốc ký, nên trong thời gian làm việc có thể có cơ may ấy lắm.
Poirot gật đầu, thở dài. Có thể đấy, nhưng cần chứng cớ chắc chắn kia.
Mặt trời bị mây che khuất, rồi một cơn gió lốc nổi lên. Poirot rùng mình, đi vào.
Sự chắc chắn ấy, ông còn thiếu, giá mà ông tìm ra hung khí của vụ án!
Ông đột ngột đứng yên. Cái hung khí ông thường nghĩ đến ấy, ông bỗng có cảm giác vừa nhìn thấy nó. Không hiểu vì sao, giờ ông đã chắc: chính là nó!
2
Cái vật đó, Poirot lấy làm lạ tại sao mình không nhận ra nó sớm hơn. Vì ông đã nhìn thấy nó hơn một lần, từ khi đến Long Meadows. Nó vẫn đặt ở đó, gần cửa sổ, trên chiếc tủ sách nhỏ.
Poirot cầm nó lên, lượng sức nặng, xem kỹ, rồi giơ nó lên cao, như sắp hạ nó xuống đánh ai. Đúng lúc ấy, Maureen, có hai con chó tướng chạy theo, ùa vào như gió, như thường lệ.
- Ủa? - Bà ta cười cười - Ông nghịch với cái búa gõ đường à?
- Cái này là búa gõ đường?
- Phải... ở đây gọi là búa gõ đường, nơi khác gọi là dao cắt đường... Trông cũng được, phải không ông? Có hình con chim, tôi ưa lắm...
Poirot thận trọng xem xét dụng cụ. Nó rất nặng, có lưỡi sắc, hơi giống cái rìu phạt gỗ của người làm thùng. Toàn thân bằng đồng, đây đó gắn những viên đá màu xanh đỏ. Trên đỉnh là một con chim nhỏ bằng đồng đỏ, mắt màu xanh chàm rất đẹp.
Maureen đỡ lấy cái búa trong tay Poirot, cười cười:
- Cầm cái này mà phang ai, thì ngoẻo như chơi!
Bà vung nó lên như để dứ một kẻ thù vô hình, nói thêm:
- Ông Johnny nhà tôi hãy coi chừng! Ngày nào chán ông ấy, tôi cho một nhát, thế là tạm biệt!
Bà đặt búa vào chỗ cữ rồi bỗng trầm ngâm:
- Ừ, mà tôi vào đây có việc gì nhỉ?... Quên khuấy đi mất, không nhớ nữa! Không sao, tôi xuống xem món dồi của tôi vậy.
Bà đi ra tới cửa, Poirot hỏi với:
- Cái búa này, mang từ Ấn Độ về chắc?
- Đâu có! Tôi mua dịp Nô-en vừa rồi, ở cuộc bán hàng từ thiện của Cha xứ. Mỗi người mang đến một vật mình không dùng nữa, rồi thấy cái gì hay hay thì mua về. Chọn không dễ đâu. May tôi trông thấy cái này cũng thích mắt, vì có con chim con ngồ ngộ, và cái bình cà phê kia, có cái vòi khá đặc biệt.
Đó là một bình cà phê bằng đồng gò. Poirot có cảm giác đã trông thấy nó ở đâu rồi.
- Làm ở Bagdad kia đấy - Maureen giảng giải - Hay ở Ba Tư... Không nhớ là bà Wetherby nói ở đâu.
- Những đồ này vốn là từ nhà Wetherby?
- Phải. Nhà họ là cả một cửa hàng đồ cũ. Nhưng tôi phải đi đây. Món dồi của tôi!
Rồi bà chạy đi, để lại chiếc cánh cửa đập vào răng rắc.
Poirot cầm lại cái búa gõ đường lên tay, lại gần cửa sổ để xem cho kỹ. Ông nhận ra trên lưỡi nó có những vệt lờ mờ, thoạt nhìn không thể thấy. Vừa vuốt nghịch đôi ria mép, ông vừa ngẫm nghĩ.
Ông chắc chắn là không ai sẽ để ý chiếc búa gõ đường bị lấy đi. Nhà này vốn không thuộc loại sắp xếp nền nếp.
3
Ở biệt thự Laburnums, cặp Robin - Ariadne tiếp tục làm việc cộng tác.
- Bà Ariadne, bà không thể bắt nhân vật này ăn chay! Khán giả cười chết.
- Không thể khác. Nhân vật đó từ trước vẫn là người ăn chay, cho nên đi đâu cũng mang bộ đồ để gọt cà rốt và củ cải.
- Nhưng tại sao?
- Làm sao tôi biết được? - Bà Oliver đáp, giọng hơi bực tức - Cái hôm tôi tạo ra cái nhân vật kỳ lạ này, có lẽ tôi điên, có thế thôi! Tại sao hắn là người Phần Lan, trong khi tôi chả biết gì về nước Phần Lan? Tại sao hắn ăn chay? Tại sao hắn còn có biết bao cố tật lố bịch khác? Tôi cũng không biết. Nó thế bởi vì nó thế! Ta hư cấu ra một cốt chuyện, rồi một sớm nọ, ta thấy mình cứ lẵng nhẵng cái tay Sven Hjerson sau mình, không sao dứt ra được. Và độc giả gửi thư nói rằng chắc tác giả phải yêu quý nhân vật này lắm! A la la! Nhưng nếu tôi gặp hắn trên đời, cái tên người Phần Lan ăn chay khốn kiếp ấy, tôi sẽ giết hắn mất... và xin bảo đảm với anh đó sẽ là một vụ án đẹp!
- Bà Ariadne này, tôi nghĩ đó là một ý không tồi! Một Sven Hjerson thực thụ, còn bà trong vai hung thủ!... Tội ác phạm xong rồi, bà sẽ kể nó lại trong sách, cuốn này sẽ như khúc hát con thiên nga của bà, chỉ được xuất bản sau khi bà chết...
- Thế thì ai sẽ lĩnh nhuận bút tác giả của tôi! - Bà Oliver hỏi - Tôi muốn giết, và cũng muốn lĩnh tiền ngay!
- Không ai hiểu điều đó hơn tôi, bà yên tâm!
Robin đứng lên và vừa tiếp tục nói, vừa đi đi lại lại:
- Còn nhân vật Ingrid, cô ta bắt đầu gây khó cho tôi. Sau cảnh dưới hầm, chắc chắn rất hay, tôi chưa biết xoay sở thế nào để cảnh sau không sút đi.
Bà Oliver không đáp. Bà không chú ý những chuyện đó. Robin nhìn bà, thiếu hào hứng. Sáng hôm đó, bà đã thay đổi mái tóc, để những lọn tóc mọi khi phơ phất nay bẹt xuống trán. Với đôi mục kỉnh to và vẻ nghiêm nghị, bà trông như một bà giáo, khiến Robin liên tưởng những kỷ niệm buồn của thời thơ ấu.
Bực mình, anh tuyên bố hôm nay không có hứng.
- Chắc vì tối qua tôi uống hơi nhiều rượu - Anh giải thích - Thôi hãy bỏ đó, ta bàn chuyện phân vai vậy nhé? Nếu mời được Denis Callory, thì tuyệt! Tiếc rằng hắn đang vướng hợp đồng với điện ảnh. Jean Bellens đóng vai Ingrid thì lý tưởng, cô ta cũng thích vai đó. Còn nhân vật Eric, như tôi đã nói, có lẽ không ai bằng Cecil Leech! Hay tối nay chúng ta cùng đi Little Rep? Gặp anh ta, bà sẽ cho ý kiến...
Bà Oliver đồng ý, và Robin ra máy nói, gọi đi Cullenquay.
4
Thời tiết xấu đi. Mây đen ùn ùn kéo đến, sắp mưa. Hercule Poirot bấm chuông biệt thực Hunter’s Close. Không ai trả lời, ông bấm lần nữa. Lần này, Dreirdre Henderson ra mở.
Cô lộ vẻ ngạc nhiên, khi trông thấy nhà thám tử. Ông nói muốn nói chuyện với cô một lát, có được không.
- Ô... được chứ! Mời ông vào!
Cô đưa ông vào căn phòng nhỏ âm u mà ông đã vào lần đến thăm bà Wetherby. Ông nhận thấy trên lò sưởi, cái bình cà phê to vẫn đặt đấy, giống hệt cái bình ở nhà bà Summerhayes, nhưng lớn hơn nhiều.
- Tôi xin lỗi đã để ông chờ bên ngoài hơi lâu - Dreirdre nói - Hôm nay tôi quá bận. Cô ở người Đức sắp đi. Mới giúp việc nhà tôi được một tháng. Có lẽ cô ta làm ở đây chỉ cốt được ở lại nước Anh và lấy anh chàng nào đang đợi. Tối nay cô ta sẽ đi...
- Sao lại dại thế!
- Đúng vậy, phải không ông?... Dượng tôi nói, về mặt pháp lý, cô ta không có quyền đột ngột bỏ việc. Nhưng hợp pháp hay không, cô ta bỏ đi để lấy chồng, chúng tôi làm gì được. Không biết cả cô ấy sắp đi nếu tôi không bắt gặp cô đang thu xếp quần áo. Tối nay có lẽ cô ta sẽ đi mà chẳng cần báo trước...
Dreirđre đưa tay áo lên chùi trán.
- Tôi mệt quá... Rất mệt...
- Vâng, tôi thông cảm.
Cô mỉm cười:
- Ông đến gặp tôi có việc gì?
- Để hỏi cô có nhớ một cái búa gõ đường.
- Búa gõ đường?
Cô có vẻ không hiểu. Ông mô tả.
- À, nhớ rồi! Mẹ tôi mua ở Bagdad. Chúng tôi đã đem nó đi bán trong một ngày hội từ thiện do Cha xứ tổ chức.
- Một ngày? Vậy là có nhiều ngày?
- Nhiều chứ! Quyên tiền của dân thường rất khó, nhưng nếu yêu cầu thiên hạ đem đến những thứ mình không cần dùng nữa...
- Vậy cái búa gõ đường vẫn còn ờ nhà ta cho đến Nô-en...
Dreirdre chau mày, suy nghĩ:
- Không. Hôm Nô-en, chúng tôi cho thứ khác... Cái búa gõ đường, là vào lần bán hàng từ thiện dịp ngày Hội Mùa Màng.
- Vậy là tháng Chín hay tháng Mười!
- Cuối tháng Chín!
Poirot nhìn Dreirdre chằm chằm, nhưng cô thản nhiên, trả lời bằng giọng nhè nhẹ, đều đều. Khuôn mặt, vốn bình thản, không lộ vẻ gì xúc động. Đằng sau vàng trán mà Poirot chăm chú nhìn, đang có suy nghĩ gì? Có thể là chẳng có gì...
- Cô chắc chắn như vậy, không lầm chứ?
- Ồ! Chắc chắn.
Poirot im lặng. Ông chờ. Chờ không thấy gì, ông đứng dậy cáo từ.
- Tôi không muốn phiền cô lâu hơn...
Dreirdre tiễn ông ra cửa.
Poirot vừa đi vừa nghĩ. Ông đã có hai thông tin trái ngược, hoàn toàn không ăn khớp, của Maureen Summerhayes và của Dreirdre Henderson. Trong hai người, ai nói đúng sự thật?
Nếu chiếc búa gõ đường chính là hung khí như ông đã nghĩ, thì điểm này có tầm quan trọng quyết định. Hội Mùa Màng là vào cuối tháng chín. Giữa ngày này và lễ Nôen, có ngày 22 tháng Mười một, là ngày bà Mac Ginty bị giết. Lúc đó, chiếc búa gõ đường do ai sở hữu? Nhất thiết phải biết điều này.
Bà Sweetiman luôn mau miệng, cố gắng giúp Poirot việc này. Bà đã tham gia cả hai lần bán hàng từ thiện, thậm chí còn giúp Cha xứ bày hàng lên quầy, điều này không đơn giản, vì thường đến phút chót mọi người mới đem các đồ vật đến cúng. Bà không nhớ có cái búa gõ đường mà Poirot hỏi. Bao nhiêu thứ linh tinh đem đến rồi bán đi rất nhanh! Tuy nhiên, vật ấy bà không nhớ đã nhìn thấy! Nhưng nghĩ kỹ, hình như nó được bán năm si-linh, cùng với một bình cà phê nhỏ, chỉ để bày cho đẹp, vì đáy bị thủng. Song không biết là ở lần bán hôm Nô-en hay ở lần khác, sớm hơn?
Bà không thể nói rõ...
Bà nhận gói hàng Poirot nhờ gửi.
- Gửi bảo đảm chứ?
- Vâng.
Bà ghi địa chỉ vào sổ. Mắt bà long lanh khi giao biên lai cho thám tử.
Poirot rời trạm bưu điện, lòng hơi thất vọng. Vân đê còn nguyên vẹn. Maureen Summerhayes có đầu óc lộn xộn, hay lẫn thứ này thứ nọ, không quan tâm các tiểu tiết. Với bà ta, ngày Hội Mùa Màng hay lễ Nô-en, đều như nhau! Dreirdre Henderson, kém thông minh hơn, nhưng trầm tĩnh hơn, hẳn phải nhớ ngày giờ chính xác hơn.
Có điều, tại sao, sau khi đã trả lời các câu hỏi của Poirot, cô không hỏi tại sao ông muốn biết chiếc búa gõ đường đem bán hồi nào? Câu hỏi đó, ông đã chờ. Theo lôgích, đáng lẽ nó phải được đặt ra.
Song Dreirdre Henderson đã không đặt câu hỏi ấy.