Số lần đọc/download: 496 / 7
Cập nhật: 2018-06-15 18:07:57 +0700
M
ột buổi chiều hè không nắng, không gió, trời ương ương, tôi mệt lả người, nhưng vẫn phải rú chiếc xe đạp điện cọc cạch, chạy một quãng xa, từ Thủy Dương nhà tôi lên tận trường Hai Bà Trưng. Hôm nay là ngày người ta trả hồ sơ cho các thí sinh thi rớt vào trường, tôi là một trong số họ. Vừa lái xe, vừa nghĩ về việc mình đã làm gia đình và bản thân thất vọng, những tiêu cực cứ bủa vây tôi mãi, chợt thì thấy quãng đường sao hôm nay ngắn lạ, có chốc mà đến nơi rồi.
Tôi đậu trường Cao Thắng, mà chẳng thích chút nào, lí do là tôi ghét phải đi qua cái ngã sáu rắc rối mỗi sáng nếu nhập học. Nhưng thật may, có một cơ duyên bỗng hiện hữu trước mắt tôi, tôi thấy gờn gợn trên lồng ngực, hít một hơi thật sâu, háo hức lại gần, tròng mắt tôi lúc đó chắc căng lắm, trên bảng thông báo của trường Hai Bà Trưng chính là tờ thông báo tuyển sinh bổ sung của trường Thuận Hóa. Tôi biết trường này, nó mới được thành lập và nghe nói là trực thuộc ĐHSP, tôi đắc ý trong lòng: mình sẽ học ở đó!
Đây là đợt tuyển sinh thứ ba của trường và là lần thứ hai tôi nạp hồ sơ dự tuyển, lần trước tôi đã không đậu vì bốn năm cấp II chỉ có một năm là đạt học sinh giỏi, nhưng lần này đã thật may mắn, tôi nằm trong danh sách 37 người trúng tuyển đợt cuối cùng.
Ở giai đoạn chuyển giao, chuẩn bị tiếp xúc với những thứ mới mẻ, cảm giác tôi thật lạ, lúc thì ngờ ngợ, lúc lại mong chờ. Ngày đầu tiên đến nhận lớp, được dẫn vào hội trường tầng ba, tôi thấy ba thầy cô, họ là giáo viên chủ nhiệm, những giáo viên đầu tiên nơi đây, trông họ tươi lắm; còn các học sinh cùng lứa của tôi, người thì toát lên nét mặt một vẻ đầy thích thú, người thì ngượng ngùng. Tôi được xếp vào lớp thầy Toàn, lớp 10/1, và cũng nô nức như ai, ríu rít chạy về phòng học để nhận thầy, nhận bạn. Và tôi còn nhớ ngày đó, trời thu mây cho những vệt nắng vàng hoe rọi đi muôn ngã, hắt vào lớp kính bóng loáng, trông lòa mắt; không một làn gió, thời tiết nóng ran, nhưng lòng ai cũng rạo rực, đủ để gửi chút mát rượi cho tâm hồn.
Trường Thuận Hóa của tôi chạy hết tít đường Hồ Đắc Di, gần trường Luật, nằm chơ vơ giữa quả đồi; nó có hai dãy nhà xếp thành hình chữ L, là chữ cái đầu tiên của tên tôi đấy, duyên thật; trường có một khoảng sân rộng, mấy lớp gạch ốp nền thơm cả mùi đất cỏ, ngào ngạt; hai bên là những hàng cây im lìm, màu lá non choẹt, có cả nụ hoa đang nhú lên ở vài cành; những bức tường được quét một lớp sơn vàng, cái màu nắng trời đó thật thân thuộc nhưng nghiền ngẫm một hồi thì tôi thấy nó cũng lẫn vào một chút nghiêm trang. Trường vừa thành lập, tất cả mọi thứ đều mới mẻ, chỉ có ba lớp, trông thật trơ trọi vào ngày đầu, nhưng rồi cũng quen, ai nấy đều bắt đầu thân thiết, trao nhau nụ cười vào mỗi sớm rồi khi ra về thì chào nhau như nô nức: ngày mai gặp lại nhé!
Chúng tôi là thế hệ đầu của trường, cảm giác thật đặc biệt, có lẽ ít ai có thể trải được điều này. Tất cả thầy cô, ai cũng nở nụ cười trên môi, có lẽ họ vui vì chúng tôi là những nụ hoa vừa mới nhú, là những cây non vừa mới vươn mình dậy từ lớp đất trọc và họ sẽ là người chăm sóc cho những mầm non đầu tiên này. Ba giáo viên chủ nhiệm đầu tiên là thầy Toàn, cô Mai và cô Uyên; thầy Toàn thoạt nhìn thì học sinh ai cũng bảo hiền, tha hồ mà quậy, nhưng học thầy rồi thì sẽ biết thế nào là lễ độ, lúc thầy nghiêm hết phần người khác, nhưng cũng có lúc thì lại vui tính, chọc cười no nê; cô Mai là một cô giáo tâm lý, cô hiểu học sinh và luôn có những lời khuyên thiết thực, mỗi tiết dạy của cô đều làm học sinh chúng tôi hứng thú; cô Uyên thì rất tâm huyết, mỗi bài giảng của cô đều đi kèm với sự kì vọng, cô còn hát hay nữa, lũ học sinh tinh ranh tụi tôi lâu lâu nổi hứng lười học, chỉ đòi nghe cô hát. Thầy Thuận hiệu trưởng thì chúng tôi thường được gặp vào tiết chào cờ, trông thầy bận rộn lắm, nhưng lâu lâu thầy vẫn đến trường, đi một vòng thăm những đứa con của mình, những ngày trường có sự kiện gì thì thầy vẫn luôn có mặt, luôn dặn dò kĩ chúng tôi phải học hành nghiêm túc. Thầy hiệu phó là thầy Du, thầy đã ngoài 70 nhưng vẫn còn khỏe chán, vẫn rú chiếc Dream đến trường hàng ngày, dù vẻ ngoài thầy nghiêm nhưng thực chất lại là một người rất quan tâm học sinh. Cô Hiền giám thị thì bắt học sinh đi trễ như một vị thần cầm cây vợt muỗi, càn quét không sót con nào, trông thế nhưng cô cũng hiền, như tên cô vậy.
Đó là những ấn tượng đầu tiên của tôi về trường Thuận Hóa, là những mảnh kí ức mà tôi góp nhặt. Ngay lúc tôi đang viết ra những dòng này, tôi đã là học sinh lớp 12, học sinh cuối cấp III rồi. Thời gian trôi nhanh thật, trường bây giờ đã được lấp đầy với 9 lớp, những bụi cây mọc lên xôm hơn, những tản lá xanh rì xòe ra đón ánh mặt trời, bức tường vàng đi qua mưa gió vẫn còn giữ một cái nhìn đầy thân thương, không khí bây giờ đông đúc, vui hơn cả trước. Chiếc xe điện của tôi cũng cũ kĩ theo năm tháng, lốp đã mòn, thân đã bám bụi của con đường Võ Văn Kiệt và chắc hẳn cũng đã rơi vài con ốc vít xuống vỉa hè cát nóng trải dài. Thầy cô bây giờ cũng nhiều hơn: cô Thủy, cô Nụ, cô Thảo rồi thầy Danh, cô Đức; mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng có một điểm chung, đó là họ thương học sinh của mình.
Trải qua gần 3 năm, bạn bè cũng có những xích mích, nhưng đã là một học sinh thì điều đó là chuyện nhỏ, tôi nghĩ ai cũng phải nếm. Những kỉ niệm à, tôi nghĩ là tôi không thể kể hết, chỉ có thể nói ngôi trường Thuận Hóa đã mang lại cho tôi những trải nghiệm rất thú vị, tôi được đi đây đi đó tham quan, được ngồi dưới hàng ghế của những buổi lễ, được vui chơi hết mình vào những ngày hội, được học hỏi từ những hoạt động thanh niên và không thể không kể đến những tiết học đầy giá trị từ những thầy cô. Trường tôi có đội ngũ giáo viên chất lượng lắm, không thua kém trường nào, giảng viên từ sư phạm cũng có, giáo viên hợp đồng từ những trường Quốc Học, Gia Hội hay Bùi Thị Xuân cũng có, họ dạy rất hay.
Năm nay là năm đầu tiên trường có lứa học sinh tốt nghiệp, thầy cô ai cũng hi vọng những kết quả tốt đẹp, làm nền tảng cho trường vào mai sau; họ lập những buổi học phụ đạo, và miễn phí nữa. Đôi khi tôi thấy xấu hổ, vì chưa học hành nghiêm túc, những cơn lười trong con người tôi thật sự như bệnh nan y vậy, nó thật khó chữa. Năm nay chính là mùa gặt đầu tiên của trường, là năm mà thế hệ đầu tiên chúng tôi tốt nghiệp, mang danh nghĩa “cựu học sinh Thuận Hóa”. Và năm nay cũng là năm cuối cấp, tôi chẳng biết mình còn có thể lười được hay không nữa, tôi muốn học đại học, có lẽ tôi chỉ mới bắt đầu tập trung vào việc học hành gần đây thôi, thời khắc siêng năng này đến muộn nhưng tôi mong rằng tôi có thể làm cho thầy cô tự hào, góp phần nhỏ cho ngôi trường Thuận Hóa được người ta biết đến là một ngôi trường chất lượng.
Thời cuối cấp II, tôi chỉ muốn thời gian trôi thật nhanh, ngày tổng kết người ta khóc ròng, trông tức tưởi; tôi thì cười ha hả, háo hức, vì tôi thích nghỉ hè và lại còn sắp được lên cấp III. Bây giờ suy nghĩ lại thì tôi thấy tiếc thật, tôi đã chẳng quý trọng quãng thời gian cuối cấp chút nào. Và cõ lẽ vì thế nên bây giờ tôi đã biết trân trọng trường lớp, thầy cô và bạn bè hơn, cụ thể là tôi chơi cho ra chơi, học cho ra học, làm mọi thứ hết mình để hai từ “nếu như” không thể xuất hiện trong tâm trí, mà đó là câu “ngày kia thật đẹp”.
Dấu ấn cấp III trong tôi thật sâu đậm, đó là nhờ bạn bè, mái trường và thầy cô; đó là những lần cùng nhau lật tài liệu, là những lần bị thu điện thoại, là những lần đội sổ đầu bài hay cùng che đậy lỗi vi phạm của nhau; đó là những lần quên áo mưa, cùng nhau đội đầu không đi lượn phố, là những lần trời nắng thè lưỡi, chiếc xe cạn điện được đứa bạn đẩy về trong hiên ngang; đó là những lần không học bài cũ, cố gắng bắt nhịp “múa miệng” của mấy đứa ngồi dưới lớp, là những lần trống tiết, cả lớp bầy trò chơi cùng lăn xả… Tôi muốn mình được tận hưởng những ngày tháng cuối cùng bên bạn bè, thầy cô, muốn được hít thở cái bầu trời nắng chói ngày hè, tấm táp những hạt mưa thu trong sân trường và được đi trong làn sương trắng xóa trên đường đến trường mỗi sớm để rồi không tiếc nuối những phút giây nào, vui vẻ mà rời, để những thế hệ sau tiếp nối.
Tiếng ve đã bắt đầu rôm rả ở bên kia đồi, vọng qua khung cửa sổ, thấm thoát vài giọt nắng mềm in lên trán tôi, bản giao hưởng mùa hè bây giờ đã là tiếng còi chua chát báo hiệu một mùa chia li sắp đến. Tôi ngái ngủ sau một ngày trại nhiệt huyết, nghe tiếng ve vang lên mà tỉnh ra hẳn, thì ra nãy giờ tôi chẳng chịu nghe giảng bài, chỉ ngồi nghĩ về chiếc giường êm cùng làn gió mát rượi. Tôi mở to mắt, nhìn lên bảng, cô vẫn giảng nhiệt tình, tiếng ve thôi thúc tôi phải học hành chăm chỉ hơn nữa, nhưng nó cũng âm thầm gửi đôi chút tiếc nuối vào những áng mây trên cao, bềnh bồng, thơ mộng giữa ánh nắng ngày hè, lung linh trong mắt tôi sâu thẳm.
Thi thoảng lũ bạn tôi lại chậc: “Sắp ra trường rồi”, tôi nói có gì đâu, thời gian trôi nhanh lắm, trông vậy chứ sẽ một ngày tôi gặp lại tụi nó, đứa thì xách trên tay đứa con nhỏ, đứa thì cầm cây cuốc, đứa khệ nệ bao xi măng, đứa đi ô tô bấm còi inh ỏi trên phố, đứa lại ịn cái bản mặt của mình lên trang báo mạng. Nhưng điều quan trọng là, tôi muốn nhắn gửi tụi nó là hãy cảm thấy may mắn, vì giờ đây bản thân đã biết nhận thức về khoảnh khắc chia tay sắp đến, hãy chơi hết mình, nhưng học cũng phải trên hết nhé, và hãy tận hưởng những phút giây bên nhau trong hân hoan, tôi xin tặng họ đôi lời:
“Đừng vì quá khứ
mà bỏ đi hiện tại tươi đẹp.
Đừng vì cái tôi
mà mất trên môi nụ cười.
Bớt nghĩ cho bản thân một phút
là đóng góp cho tập thể bội phần.
Hãy tha thứ,
tiêu cực sẽ không còn bủa vây.
Hãy thay đổi,
ngày mai sẽ tươi rói chân tình.”
Lũ học sinh chúng tôi đã trải qua thật nhiều kỉ niệm đẹp dưới mái trường, đã trưởng thành từ tòa mái xanh biếc, đã lớn lên cùng những bông cỏ dại, có mấy cặp bắt đầu yêu nhau nữa, tôi “ghét” họ, vì tôi vẫn chưa tìm được nửa kia của mình. Mà chung quy là thế đấy, không biết nói gì nữa, tôi gần như đã tận hưởng trọn vẹn những năm tháng cấp III, những năm tháng rực rỡ, để rồi bây giờ tôi có thể ngồi đúc kết rằng: bạn bè nơi đây cho tôi kí ức tuổi xanh, thầy cô nơi đây cho tôi phẩm hạnh và ngôi trường Thuận Hóa này cho tôi nền tảng để bước vào đời.
Tiếng trống ra về lại vang lên, mùa ve nghiêng vạt nắng nhuộm sắc cho những mái tóc buông hờ, điệu nhảy vai chỉnh lại dây cặp vẫn quen thuộc, tiếng bàn ghế cọ xát với nền gạch, tiếng cánh cửa đập dăm ba lần vào tường, chúng tôi lại bắt đầu buôn chuyện trên dãy hành lang, chỉ có hàng cây dưới sân trường vẫn im lìm trong hờ hững, chờ đợi chút gió vương qua mấy kẽ lá. Tôi chậm rãi đi xuống cầu thang, thi thoảng lại dơ bàn tay quệt một nét dài lên bức tường vàng, gửi đến nó đôi lời vấn vương và … cũng cảm ơn cho một mùa xanh đã đọng trên kí ức.