Quan Niệm Nhân Sinh – Chương 1: Sống Là Chịu Đựng
gười Việt Nam tin rằng người ta sống ở đời đều có số cả. Vừa do quan niệm số mệnh của Nho Giáo, nghiệp định của Phật Giáo, vừa do cái gốc thần bí cố hữu, lại vừa do quan niệm về lạc đạo của Lão Giáo, người Việt Nam đã sống thụ động với sức chịu đựng phi thường mọi bất trắc, thiếu thốn, khổ cực, để chỉ nhắm sự an lạc trong tâm hồn.
Đó là thái độ triết lý, tất nhiên của giống dân đói, khổ nghèo, yếu, từng bị bạo quyền đè ép.
Từ còn là đứa trẻ nhỏ ngậm vú mẹ teo sữa vì kiếm không đủ ăn, đến lớn lên bò lê bò la nơi bùn lầy nước đọng, gặp gì ăn nấy, áo không đủ mặc cơm chẳng đủ ăn, chỉ có gió đồng và ánh nắng với sức kháng lực trong cơ thể nó giữ cho sống qua tuổi sài đẹn thì biết là sống, đứa trẻ cũng như cha mẹ nó, quả không dám nghĩ đòi hỏi gì và đòi hỏi ai cái gì cả.
Đứa trẻ phải đầu thai vào một cửa nhà nghèo thì phải chịu cảnh nghèo. Nó không hề có ý ghen tỵ với những đứa được đầu thai vào cửa nhà giầu. Sự đầu thai vào cửa nhà nào đứa trẻ vẫn không có quyền lựa chọn. Sự đầu thai ấy theo nó và cha mẹ nó hiểu là điểm bắt đầu của một số phận, kết quả của một nghiệp duyên nào từ kiếp trước, hay nguyên nhân cho một nghiệp duyên nào ở kiếp sau. Hoặc kiếp trước nó từng đã giầu có sung sướmg nhưng tàn ác bất lương thì kiếp này phải khổ sở để đền bù tội lỗi. Hoặc kiếp trước nó có một nợ nần với người làm cha mẹ ở kiếp này nên phải vào mà chịu đựng rồi gây dựng cơnghiệp cho dòng họ người ta. Hoặc sự gian khổ của nó ở kiếp này chỉ là dịp trui rèn ý chí để rồi được hưởng một hậu vận sáng sủa và sung sướng hơn lên.
Luật của nghiệp định còn khắt khe hơn luật của bạo quyền bạo chính. Năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh, đều có định hạn để cho con người chịu những ảnh hưởng thần bí của thời gian không gian ấy mà phải nhất định là chỉ được thế này hay thế khác, chớ không thể có cái ý muốn cá nhân nào thay đổi nổi. (Chỉ ăn ở có đức có nhân thì mới chế bớt được tai họa mà thôi).
Cho nên sức chịu đựng của con người việt Nam đã được tập cho quen chịu đựng ngay từ tấm bé, để bắt buộc khi cần tìm một cái thú đáng sống cho cuộc sống, thì con người phải xoay về hướng khác mà tìm sự an lạc của tâm hồn. Sự tin ở số là một liều thuốc an thần, tránh mọi thái độ cuồng ngông bướng bỉnh, tránh mọi thủ đoạn tàn nhẫn độc ác, và tránh mọi ý nghĩ căm hờn thù oán.
Đứa trẻ lớn lên đi học và đi thi, thi đỗ hay trượt là học tài thi phận. Trong chế độ học cử nghiệp, hễ thi đỗ là coi như định xong tương lai cuộc đời. Phần thi quyết lấy đỗ là phần ý muốn của con người. Phần có đỗ hay không lại là phần do cái số cả. Cũng chưa chắc thi đỗ đã là hay mà thi trượt lại là không hay. Trong ba điều người xưa coi là đại bất hạnh: tuổi trẻ đỗ cao, còn son mà vợ chết, già mà không con, thì tuổi trẻ đỗ cao được liệt là điều đứng đầu đau đớn hơn cả. Vì lẽ người ta không phải chịu ba chìm bảy nổi, mới ít tuổi đã đỗ cao, người ta dễ sinh ra ngông nghênh, coi người chẳng ai ra gì cả, và coi việc đời là quá dễ dàng lắm, để phóng tâm làm bậy, mà rồi rất dễ phạm vào những luật lệ của nhà nước để tù tội, mất quan mất chức như chơi. Vậy là từng chịu đựng một lại thành ra hai mà cũng lại do ý niệm về nghiệp định chi phối.
Với thái độ sống an phận thủ thường, không căm hờn hằn học vì sự bị cắt ngang học nghiệp, người ta thành công về sự học cũng mừng không thành công cũng thôi, ấy là người ta bắt đầu cuộc sống triết nhân.
Cơm rau nước lã nằm khoèo
Người vui ta gặp cảnh nghèo cũng vui.
Mặc ai thi đỗ, mặc ai võng lọng, quan sang chức trọng, mình biết phận mình. Và còn:
Dầu đầy đổ đĩa khôn bưng,
Dù ai sang trọng thì mừng cho ai.
Cho đến lúc này, anh đồ bắt đầu thôi học và ra đời, anh đi cày ruộng cũng không lấy gì làm xấu hổ, anh đi buôn cũng chẳng làm sao, anh đi làm thợ cũng vậy nữa. Việc chính là anh giữ được nhân cách của mình. Việc kiếm đủ ăn trong xã hội nông nghiệp rất ít nhu cầu vật chất, làm một việc quá dễ, anh chỉ cần chịu khó làm ăn theo những kỹ thuật và nền nếp xưa để lại. Còn việc làm giàu bằng những nghề ấy thì mới bảo rằng còn cần phải có số dành chỉ: đại phú do thiên, tiểu phủ do cần và:
Số giàu đem đến dửng dưng
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.
Nếu rủi anh làm ăn lại chỉ toàn thất bại thì không còn nghi ngờ gì nữa, đó là cái số, phải sao chịu vậy mà thôi. Anh đã tận nhân lực rồi nên đã tri thiên mệnh. Ấy là một tầng chịu đựng thứ ba của cái số trời mà anh không vượt qua được.
Trong cuộc sống, anh gặp được người đàn bà biết tề gia nội trợ kết cuộc sống vào cuộc sống của anh ngày nào thì anh hay ngày ấy, hoặc dở cũng kể từ ngày ấy. Và người đàn bà kia, mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu, người ấy gặp anh để chia nỗi sung sướng hay buồn tủi cũng là cái duyên số hai người. Dẫu thế nào đi nữa bên cái tình cũng vẫn còn cái nghĩa vợ chồng để không rời được nhau ra. Vả chăng, đũa bát còn có khi xô, vợ chồng đã là cái duyên cái số thì dù có giận hờn và có quá giận mà nghĩ chuyện lìa nhau, thì đã chắc gì bước sau hay hơn được bước trước cho nên cứ phải chịu đựng nhau. Ấy là một từng chịu đựng thứ tư nữa, do thiên số an bài.
Thể rồi đến lúc vợ chồng có con. Con cái hỗn láo chẳng dạy được, bất hiếu bất mục, cãi lại và khinh khi lại cha mẹ thì cũng lại là một từng chịu đựng thứ năm. Để hai người kéo lê cuộc sống như thế đến già gặp toàn điều bất như ý, thì cũng lại là từng chịu đựng thứ sáu nữa …
Suốt một cuộc đời của người Việt Nam vậy đã chỉ toàn là chịu đựng:
A.— CÁI ĐỨC CHỊU ĐỰNG
Chịu đựng mọi gay gắt của hoàn cảnh thiên nhiên: nắng cháy da mồm chảy nước, lạnh buốt xương, người ta vẫn chịu đựng để bám lấy đất mà sống. Và làm ăn chật vật vất vả, hai sương một nắng, lam lũ quanh năm chân lấm tay bùn, người ta cũng không nề hà để chịu đựng cho đến choắt choeo người đi. Cả sự ăn uống kham khổ quanh năm không được một bữa no, chỉ vài bữa được hưởng mùi thịt, người ta cũng vẫn chịu đựng. Tát nước cho đến nửa đêm, về chợp mắt một chút gà gáy canh một lại dậy, rồi để lại làm quần quật suốt ngày cho đến nửa đêm mà người ta cũng không hề có một lời than thân trách phận. Rồi trời rét đến cá phải chết cóng người ta cũng lội xuống bùn để cấy lúa như thường. Ta thương cái đám nông dân ấy biết là bao nhiêu. Ta càng thương đám đàn bà nhiều hơn nữa.
Chưa có một bản văn nào ca tụng nổi cái đức chịu đựng này, nó vốn là một truyền thống căn bản.
Ở những vùng cồn khô, cỏ cháy như vùng Nam Ngãi bò ăn cát, trâu ăn rong, con người quanh năm chỉ có khoai mà ăn, đến cái phân cho chó ăn cũng hiếm nốt, khiến chó ăn đá, gà ăn muối, thì cái cực hình còn biết bao nhiêu mà nói nữa. Vậy mà con người vẫn bám lấy đất để sống.
Sức chịu đựng đến như vậy mới giải thích được việc tại sao trong thời bị dưới quyền đô hộ của Tầu hơn một ngàn năm người Việt đã không chạy tản ra khắp các nước mà sống như dân Do Thái, mà đã quanh quẩn ở lại nơi quê cha đất tổ. Và trong thời kháng chiến chống Pháp gần đây cũng như trong thời này người dân đã chịu biết bao nhiêu cơ cực đau thương, biết bao nhiêu tủi nhục. Đủ rõ chỉ cái sức chịu đựng ấy nó đã giữ cho tồn tại nòi giống Việt chúng ta vậy.
B.— SỰ CHỊU ĐỰNG ĐỂ CHỜ THỜI
Người ta nhẫn nại chịu đựng và tin rằng:
Chữ nhẫn là chữ tương vàng,
Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.
Ấy là người ta nhẫn nhịn khi còn chưa đủ điều kiện để đương đầu với kẻ thù.
Những vụ tranh chiếm đất đai ở thôn quê, những vụ cá lớn nuốt cá bé, các đàn anh trong làng ức hiếp bóc lột đàn em, những vụ ấy thường xảy ra rất nhiều, nhưng người ta đành cứ lịm đi, nuốt hận như nuốt những cục nước mắt để chờ cơ hội thuận tiện. Sự trả hờn báo oán, không những chỉ là quân tử oán tam niên tiểu nhân oán nhãn tiền, mà chính còn là đời này qua kiếp khác.
C—. SỰ CHỊU CỰC ĐỂ HY SINH CHO CON
Hy sinh cho đến: ( Cá chuối chết đuối vì con) những như cá chuối ở dưới nước thì làm sao mà chết đuối cho được. Và hy sinh cho đến như:
Con cò mà đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao.
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Con cò sợ rằng khi nó chết lại bị xáo nước đục thì đau lòng cho con nó.
Người Việt Nam đã lựa được con cò với câu ca dao ấy để biểu dương đức hy sinh cho con của người quân tử. Thật đã là một biểu tượng hiếm có trên đời vậy.
Thuộc về sự tin phong thủy người ta vẫn kể lại là gặp ngôi đất tốt, nhưng phải khắc bố mẹ thì con cái mới mở mắt lên được, người làm bố làm mẹ cũng đã vui lòng chịu để cho đời con ăn nên làm ra. Thử hỏi có một giống người nào trên thế gian này có cái đức hy sinh đến như thế.
D.— CÁI ĐỨC HY SINH CHO DÒNG HỌ
Đức hy sinh này hay xẩy ra nhất là ở phía những người đàn bà, sống quen bằng tình cảm. Nhiều người đã chịu đựng cảnh góa bụa thờ chồng nuôi con, quanh năm ăn nhịn để dành lo đóng góp việc dân việc làng và giữ gỉá trị vai vế cho giòng họ. Như truyện bà mẹ ông Tán Cao.
Không chắc đã có thêm một dân tộc nào có những người đàn bà như thế.
E.— CÁI ĐỨC HY SINH VÌ ĐẠI NGHĨA
Đến cái đức hy sinh vì đại nghĩa, nhất là thấy rất nhiều trong cuộc kháng chiến vừa qua thì ta càng lấy làm hãnh diện để nói rằng ta không phải là một dân tộc ươn hèn, ấu trĩ.
Tóm lại ta muốn nói thật to cho nhau hiểu rằng, đối với người Việt Nam, sống còn có thể là cái gì khác hơn là sự chịu đựng nữa.
Đối với người Việt Nam sống không phải là hưởng thụ vật chất cho cá nhân mình, không phải là cựa quậy để ra điều là có hoạt động, không phải là đòi hỏi sự tôn trọng nhân vị của mình, không phải là tự do nói, làm, ăn, chơi theo ý thích của mình, tóm lại, không phải là biểu hiện ra hình thức những dấu hiệu của sự sống mà chưa chắc đã là sống.
Sống đối với một dân tộc lớn, khỏe, no, đủ, thì quả là tranh đấu để tồn tại và ngự trị, nhưng đối với một dân tộc đói khổ, nghèo, yếu, thì sống là chịu đựng, một hình thức khác của tranh đấu cũng để tồn tại và chờ thời.
Con rồng nằm dưới ao tù thì phải biết nhận lấy cái thân phận cuộn tròn mình trong ao tù ấy. Cho đến khi nào nó tung được mình bay bổng lên cao, thì lúc ấy nó lại tự khắc vươn dài và lớn người ra. Người Việt lấy con rồng làm vật tổ, ấy cũng có nhiều ý nghĩa vậy.
Người Pháp cho sống là hưởng lạc, người Đức cho sống là làm việc, người Việt cho sống là chịu đựng. Ấy chẳng qua hoàn cảnh chính trị, lịch sử, xã hội và cả thiên nhiên đã chung đúc nên một quan niệm và một tư tưởng như thế.
F.— CHỊU ĐỰNG ĐỂ SỐNG CÒN
Hồi dưới quyền đô hộ của người Tầu, sử còn ghi, cha ông ta đã bị bắt buộc vào rừng tìm ngà voi sừng tê giác, phải lặn xuống biển mò hạt trai và hơi một chút là bị cùm kẹp khảo tra, chém giết. Thuế, phu phen tạp dịch thì không biết thế nào cho vừa. Sau vụ Mã Viện thắng Hai Bà Trưng, ruổi vó ngựa đi khắp nước chém giết để ra oai, chúng còn dựng cột đồng để chữ đe dọa: “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt”.
Sự chịu đựng của người Giao Chỉ đã là mỗi người mỗi ngày đem theo một cục đá cục đất đến ném vào chân cột, đến nỗi cái cột ấy bị lấp đi, đời sau không còn tìm ra vết tích nữa.
Một sự kiện lịch sử gần đây nhất của sự chịu đựng là sau khi nhà Tây Sơn bị dẹp, chúa Nguyễn Ánh lên ngói, lấy tư cách là kẻ thắng và thống trị, chúa Nguyễn sai đào mả của Quang Trung đem cái sọ giam vào ngục thì nơi đền thờ của Quang Trung ở Bình Khê, Tỉnh Bình Định, người ta đã khai là đình thờ Thần Hoàng làng, nhưng đến ngày húy kỵ người ta mật khẩn duệ hiệu của Hoàng đế Quang Trung. Mà như thế cho suốt một triều Nguyễn từ 1802 đến Bảo Đại thoái vị 1945 mới thôi.
Xem nội việc gần đây ấy để hiểu việc từ nghìn xưa cũ, ta thấy người xưa đã chịu đựng quân Tầu giai giẳng đến thế nào. Trong nội dung việc chịu đựng, ngoài cái khổ cực vật chất, nhất định đã có cái khổ cực tinh thần nữa là phải trí trá, phải quỵ lụy, phải làm mặt hèn kém ngu đần. Nó thương cho phận nào thì nhờ phận ấy, mà nó có đánh dập thì đành cắn răng chịu. Miễn là giữ lấy thân sống của mình, và giữ lấy thân sống của dòng giống. Ta còn lại được đến ngày nay, ngồi nói chuyện với nhau thì ta phải nhớ ơn người xưa biết bao nhiêu.
Vì người xưa đã đặt cái mục tiêu sống còn không biệt lập cho từng cá nhân (để du hý và hưởng lạc) mà đã đặt nó liên đới với sự sống còn của mọi người xung quanh và cả của mọi người ở thế hệ tương lai nữa. Ông Tống Duy Tân, người theo Phan Đình Phùng và Đinh Công Tráng, khi hết hy vọng kháng chiến chống Pháp, đầu mình được giặc đưa ra mua với cái giá tri huyện, đã khuyên đồng chí bắt trói mình đem nộp để làm quan và để chăm nuôi lấy con cái của anh em. Những chuyện hy sinh bản thân mình, cũng như hy sinh cả cái danh của bản thân mình như thế, trong lịch sử đã có rất nhiều. Ấy là cái đức chịu đựng ở mức độ hết sức cao, vượt hết mọi cố chấp của người cũng như của mình.
Truyện ông Tán Cao, còn điển hình cho đức hy sinh này nhiều hơn nữa. Ông là Tán Vương quân vụ, phụ tá ông Tổng đốc Hoàng Diệu giữ thành Hà Nội. Khi thành bị mất, Ông Hoàng Diệu treo cổ lên cây tự tử, còn ông Tán Cao thì xin hàng để cứu lấy sinh linh. Con người ấy đâu phải con người hèn sợ chết? Nhưng gặp biến thì phải tòng quyền, vì ông đặt lên bàn cân: bên mạng sống của dân chúng ở trong thành đã nặng hơn bên cái danh của mình nhiều lắm. Cho nên ông thà chịu mang tiếng để cứu lấy dân trước đã, rồi sau trong bàn tiệc, người ta sì sào, ông mới luồn tay rạch bụng và moi ruột mình để lên bàn mà tự sát.
G.— KHÔN CŨNG CHẾT, DẠI CŨNG CHẾT, BIẾT THÌ SỐNG.
Đó là tư tưởng cao thâm của Trạng Trình trong thời ly loạn cuối đời Lê.
Thời này cuộc tranh chấp quyền bính đã xẩy ra gay gắt giữa năm bè bẩy lối, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, họ Mạc, họ Lê, rồi quan lại, quân đội... rối mù ra như một mớ bòng bong. Mà con người như con ruồi con muỗi đã không còn biết đường nào là đường sống nữa.
Tỏ ra theo với bè phái này thì bè phái kia thù oán. Tỏ ra chống đối bè phái nọ thì bè phái khác thấy hại đến mình. Tìm cách lọt vào cửa này thì cửa khác bất bình. Tìm cách lánh xa tất cả thì tất cả thù ghét.
Kẻ dại chui đầu vào chỗ chết mà chết đã đành. Kẻ khôn tìm đường sống thì đường nào cũng có thể đầy chông gai để mà chết cả.
Bởi cái khôn hay cái dại của người đời, thường đã chỉ tính với cái thực tại hiện hữu, ít có ai biết tính với cái biến dịch tương lai, biến dịch của mình, của người, của bạn, của thù, của thế cuộc. Biến dịch của sự việc, của tâm trạng, của tiềm thức, của trời, của đất, hễ không biết được lẽ biến dịch ấy thì đừng hòng tìm thấy đường sống.
Cho nên bảo rằng biết người biết mình trăm trận đánh trăm trận thắng là còn chưa đạt lý. Phải biết cả cái biến dịch của mình và người nữa để thích ứng thì mới là đạt vậy.
Biết đạt, áp dụng vào thực tế là biết khôn, biết dại, biết làm mặt khôn, biết làm mặt dại, biết để người ta dùng cái mặt khôn của mình, như dùng cái mặt dại của mình, nghĩa là con người phải hoàn toàn làm chủ cuộc cờ ở trong thời ly loạn mới mong sống được.
Đây là một tư tưởng ở độ hết sức cao của sự sống. Nó không đứt đoạn với truyền thống tư tưởng triết lý sống còn ở thế kỷ thứ I, mà nó đã chỉ khuếch xung lên với cái điều kiện ly loạn. Tiêu đích tựu chung vẫn là sống, sống để giữ gìn lấy dòng giống về sau.
H. — CUỘC CỜ SỐNG CỬA TRẠNG TRÌNH
Cuộc cờ này đã được bầy ra không chỉ cho vài cá nhân, mà bầy ra cho sự sống của toàn cả dân tộc.
Đối với dòng họ Mạc, có thao lược và Vũ dũng, Trạng Trình khuyên rút về đất Vườn Cam (cao Bằng) để canh chừng quân Tầu tràn qua xâm lấn. Đối với dòng họ Nguyễn, không có đất dung thân, Trạng Trình đẩy vào miền Thuận Hóa để mở mang thêm bờ cõi. Đối với dòng họ Trịnh muốn thay ngôi nhà Lê, Trạng Trình bảo năm nay được mùa, lấy thóc giống cũ ra mà gieo và giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.
Cái thế quốc gia ngăn ngoại xâm ở phía Bắc, mở rộng biên cương ở phía Nam và giữ nền nếp cũ ở trung ương, là thế cờ chân vạc mà Khổng Minh đã từng bày ra ở Trung Hoa. Đó là cái thế cờ để cho cả quốc gia dân tộc tìm thấy đường sống vậy.
Thảng hoặc không có thế cờ ấy của Trạng Trình, bọn chúa Trịnh có thể làm liều không thờ Phật mà nhẩy lên làm Phật, thì Trung Hoa tất có cơ xua quân qua chinh phạt, dòng họ Mạcsẽ phụ họa theo và dòng họ Nguyễn sẽ cứ lục đục ở bên này Đèo Ngang làm sao đất nước mở rộng nổi đến Cà Mau?
Nhà tiên tri sự việc 500 năm về trước và 500 năm về sau quả đã là một người biết vậy.
Truyền Thống Dân Tộc Truyền Thống Dân Tộc - Lê Văn Siêu Truyền Thống Dân Tộc